Thơ Phan Chí Thanh được mọi người biết đến từ khi anh còn là giáo viên. Những vần thơ gây được ấn tượng tốt, thể hiện một tâm hồn giàu cảm xúc, thiết tha yêu cuộc sống. Trước đó nữa
(vào những năm của thập kỷ 70 thế kỷ trước) anh cũng đã có thơ đăng trên các báo và tạp chí, nhưng những bài thơ đó còn tản mạn, dàn trải. Anh đến với thơ bằng cả một quá trình, một quá trình góp nhặt và sàng lọc:
“Bạn bè gọi tôi là nhà thơ
Các nhà thơ gọi tôi là “cây bút trẻ”
Nhưng thực ra tôi chẳng là gì
Ngoài một mớ tạp nham chữ nghĩa
Nhặt ở khắp nơi, nhặt của mọi người
Đem hâm lại bằng trái tim nóng chảy
Chỉ vậy thôi, chỉ có vậy thôi mà!”
Tự giới thiệu về mình một cách hóm hỉnh, nhưng Phan Chí Thanh đã nói về mình một cách chân thật nhất. Chính cái chân thật đến bộc trực, thẳng thắn được Phan Chí Thanh thể hiện trong thơ đã chinh phục được người đọc.
Trong những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, những bài thơ chống tiêu cực của Phan Chí Thanh đăng trên các báo, tạp chí được nhiều người biết đến. Thơ Phan Chí Thanh có cái nhìn trực diện với cuộc sống, không khoa trương, không tránh trớ, không bôi đen và không tô hồng hiện thực. Bằng những câu thơ mạnh mẽ, Phan Chí Thanh phê phán thói hô hào, chạy theo hình thức, bỏ quên cuộc sống thực. Bài thơ “Lời người nông dân”, anh viết:
“Mong ai đó, hãy nói ít thôi về hai tiếng công bằng
Khi người nông dân còn phải ăn gạo chợ
Đòn gánh oằn vai và cát bỏng dưới chân.
Mong ai đó, đừng đem khoe thiên hạ
Đức tính cần cù nhẫn nại của chúng tôi
Bởi đơn giản một điều dễ hiểu:
Bụng đói cơm đầu gối phải bò!
Và ai kia, xin hãy bớt ba hoa
Đừng bắt chúng tôi trèo lên tàu bay giấy
Khi đôi bàn chân chưa đi dép bao giờ...”
Đả kích bọn cơ hội nảy sinh từ cơ chế quan liêu bao cấp cũ, thơ Phan Chí Thanh là những mũi tên nhọn hoắt vạch mặt, chỉ tên:
Tôi có giàu đâu mà lại khoe nghèo
Chỉ có hắn, thằng tham ô, cơ hội
Vờ khoe nghèo cốt chỉ để làm duyên
Vờ khoe nghèo cốt chỉ để ngụy trang
Từ miệng hắn tuôn ra từng tràng cách mạng
Nhưng mắt lại láo liêng quan sát nghị trường
Tai vểnh lên đợi chờ, rình rập
Mũi phập phồng đánh hơi những món có hời
Nếu kiếm được mươi phần trăm lợi nhuận
Hắn sẵn sàng bán đứng cả bạn bè
Để kiếm được một chỗ ngồi quyền thế
Hắn “phăng teo” những ai không ăn cánh với mình...
Tôi lo lắng và tôi run sợ
Nên mừng rơn khi được hắn cầm tay (!)
Cứ như thế, đôi ba lần như thế
Sẽ có thêm một tên cơ hội mới ra đời...
(Bài: “Bọn cơ hội và tôi”)
Phan Chí Thanh có nhiều bài thơ như thế. Sự táo bạo, quyết liệt trong thơ toát ra từ một tâm hồn trung thực, giàu cảm xúc, thể hiện tinh thần dũng cảm, thái độ của người cầm bút, có trách nhiệm đối với cuộc sống:
Người thương binh vào cửa hàng giày dép
Anh chọn mua một đôi
Nhưng chỉ giữ lấy cho mình một chiếc
Còn chiếc kia gửi lại cửa hàng
Cô mậu dịch viên ôm bụng cười nắc nẻ
Anh thương binh lặng lẽ trả tiền
Lặng lẽ bước đi...
Tiếng nạng gỗ vang lên rất khẽ
Chìm trong tiếng cười vô tư!
(Bài: “Giữa một ngày vui”)
Ẩn sau sự chê trách tiếng cười vô tư không đúng chỗ kia là lời phê phán thái độ thờ ơ, vô cảm đối với nỗi đau, sự mất mát của đồng loại – đó là chưa nói đến lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh xương máu góp phần bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Trầm mình trong đời sống, ném trải và chứng kiến bao nỗi đau đời, thơ Phan Chí Thanh như một lời cảnh tỉnh với chính mình và với những ai đang ở giữa ranh giới mong manh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao thượng và thấp hèn:
Xin cảm ơn “Sợi tóc”* của Thạch Lam
Cho tôi bám vào mỗi khi sắp ngã
Xin cảm ơn em cả đời vất vả
Cho tôi một chỗ để đi về!
(Bài: “Không đề”)
Hay:
“ ...Đôi lúc, chính tâm hồn ta cũng là bãi chiến trường
Kẻ thù tấn công không phải bằng xe tăng đại bác
Không phải bằng loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng
Chúng dùng hương vị ngọt ngào đúc thành viên đạn
Bắn vào từng suy nghĩ của chúng ta
Tiếng con mọt gỗ ăn đêm đục thủng xà nhà
Một giọt mưa xuyên qua mái tôn rơi vào giấc ngủ
Cũng đủ cho ta nhiều đêm trăn trở
Kẻ thù chọn cái giờ phút ấy tấn công
Trên chiến trường không tiếng súng này
Ta đã mất bao nhiêu đồng chí!?”
(Trích: “Chiến trường không tiếng súng”)
Những khó khăn trong cuộc sống còn nhiều, đòi hỏi con người phải vững vàng để không tự đánh mất mình trước những cám dỗ về vật chất.
... Phan Chí Thanh luôn tìm tòi, thử nghiệm ngòi bút trong nhiều đề tài khác nhau. Anh suy nghĩ một cách nghiêm túc về vị trí của người cầm bút, trăn trở trong từng câu thơ:
“Tôi tung vào đời những câu thơ
Như người nông dân tung trên đồng nắm thóc
Hạt thóc hẹn một mùa gặt hái
Câu thơ tôi giờ đang ở nơi đâu?”
Làm thơ phải trung thực, có trách nhiệm với tác phẩm, với cuộc sống, với chính mình. Phải dũng cảm dám nói lên sự thật, góp phần bảo vệ cho lẽ phải, cho sự công bằng, tốt đẹp của xã hội. Trong bài thơ “Ngẫu cảm” Phan Chí Thanh viết:
“Anh tìm gì trong cái kho ngôn ngữ
Khi lửa tim anh đã tắt lâu rồi
Nhân loại đã quá thừa những điều giả dối
Sao anh cứ tự lừa mình bằng những câu thơ!?”
Thơ Phan Chí Thanh lấp lánh vẻ đẹp của sự chắt lọc và tìm tòi, phát hiện. Tuy vậy đây đó vẫn còn những câu thơ thô ráp, sơ lược, thiếu sự trau chuốt. Đôi khi tác giả lấy suy nghĩ chủ quan đánh giá một số vấn đề về cuộc sống một cách phiến diện – như trong bài “ Cuộc sống – con tàu” chẳng hạn:
“Cuộc sống như một con tàu không có ga ngừng nghỉ
Anh bước lên chưa kịp lấy vé ngồi
Dẫu không muốn cũng phải chen phải lấn
Tìm cho mình một chỗ để dung thân”.
Chúng ta vui mừng đón nhận những tín hiệu mới trong thơ Phan Chí Thanh - mà trước đây đã từng là
“hiện tượng” trên diễn đàn văn học. Mong rằng trong vị trí công tác mới ở Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thăng Bình, Phan Chí Thanh có điều kiện trau dồi ngòi bút để có nhiều bài thơ mới giàu tính hiện thực và xuất sắc hơn.
Võ Kim Ngân
(Trưởng Văn phòng đại diện Báo “Người Lao động” tại miền Trung)