15 năm “Dân vận khéo” ở Thăng Bình
Qua 15 năm (2009 - 2024) triển khai phong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huyện Thăng Bình đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, gắn với lợi ích thiết thực của người dân.
Bà Trần Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, xác định công tác dân vận là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa phù hợp đặc trưng của giới, vừa phù hợp với chức năng hoạt động của Hội; thời gian qua, Hội LHPN huyện đã phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” có địa chỉ và cách làm cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực.
Được Hội LHPN huyện chọn là mô hình tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo”, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động được các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện đã hưởng ứng, triển khai thực hiện hiệu quả. Chương trình đến nay được lan toả rộng khắp và ngày càng thu hút sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ và các nhà hảo tâm ủng hộ. Theo đó, Hội LHPN huyện đã vận động, kết nối nhận đỡ đầu 320 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền được trao từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/trẻ/tháng. Qua tổng kết các năm học, hầu hết các cháu do Hội nhận đỡ đầu đều chăm ngoan, học tập tốt.
Cạnh đó, các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế như: giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững, khởi nghiệp; lĩnh vực văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh cũng được Hội LHPN huyện chú trọng triển khai thực hiện và đạt hiệu quả như: mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế mỗi năm đã giúp 44 hộ thoát nghèo bền vững…
“Với nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình “Dân vận khéo” do Hội LHPN huyện xây dựng đã khơi dậy truyền thống yêu nước và huy động được sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ và nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa, tham gia các phong trào, các hoạt động của Hội và ở địa phương” - bà Trần Thị Thu Nguyệt nói.
Ông Phan Thanh Vân - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: 15 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được huyện triển khai dưới nhiều hình thức như: tổ chức hội thi, hội diễn, tọa đàm... Nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Huyện ủy lồng ghép đưa vào bài giảng các lớp tập huấn về công tác dân vận để triển khai cho cán bộ ở các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. Qua đó, nhận thức vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận được nâng lên; trách nhiệm các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đã có chuyển biến tích cực, góp phần làm cho phong trào đi vào cuộc sống và ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, huyện Thăng Bình có 297 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực. Trong đó, trên lĩnh vực kinh tế có 61 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 154 mô hình, lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 67 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 15 mô hình. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả, thực sự đi vào đời sống xã hội, tạo sự lan toả và trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Theo đó, trên lĩnh vực kinh tế có các mô hình như: Phụ nữ Làng Hương làm kinh tế giỏi, Sản xuất lúa bằng phân hữu cơ vi sinh, Nói không với khai thác Hải sản bất hợp pháp, Nuôi gà trên đẹm lót sinh học, Nuôi heo bằng trùn quế,… Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có các mô hình: Vận động Nhân dân hiến đất và vật kiến trúc xây dựng giao thông phục vụ phát triển đô thị,Thắp sáng đường quê, Tuyến đường Phụ nữ tự quản sáng – xanh – sạch – đẹp, Lớp học tình thương… Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mô hình: Con nuôi đồn Biên phòng, Tiếng loa an ninh, Camera an ninh, Cựu chiến binh tự quản về an ninh trật tự,…
Thời gian đến, Ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình tiếp tục phát động đăng ký xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích, vai trò tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân để cùng tham gia thực hiện phong trào.