Ấm áp ngọn lửa tình bà trong bài thơ “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt
Có những hình ảnh vốn chỉ bé nhỏ, đơn sơ của quê hương lại có sức ám ảnh kì lạ trong lòng mỗi người con xa quê, bởi nó đã hằn sâu trong kí ức. Tác giả Bằng Việt có những năm tháng tuổi thơ luôn ở trong vòng tay yêu thương của người bà gắn với bếp lửa thân quen mỗi ngày. Nên khi đang học đại học ở nước Nga ( Liên xô cũ) hình ảnh bếp lửa mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc đó đã hóa thành điều “kì lạ” và “thiêng liêng”, cháy sáng mãi ngọn lửa tình bà trong bài thơ cùng tên, được tác giả sáng tác năm 1963 ( Bài thơ “Bếp lửa” (Hương cây – Bếp lửa) được in trong sách giáo khoa phổ thông lớp 9 THCS Học kỳ 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1) chương trình cũ; Ngữ Văn 9 tập 1 Chân trời sáng tạo và trong Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức -chương trình GDPT mới).
Mạch cảm xúc chung của bài thơ là hồi tưởng và suy ngẫm. Tất cả đều được khơi nguồn từ hình ảnh “bếp lửa”. Bếp lửa luôn là hiện thân của điều “kì lạ và thiêng liêng” trong lòng đứa cháu. Bếp lửa khơi lên nỗi nhớ thương bà, gợi nhớ những kỉ niệm tuổi thơ bên người bà kính yêu và từ đó gợi lên những suy ngẫm về đời bà, về bao suy ngẫm khác để rồi không nguôi thương nhớ.
Kỳ lạ thay, những ngày đi du học ở một chân trời rộng mở, điều kiện sống, hoàn cảnh thích nghi đã khác rồi mà đứa cháu trong thơ đã nhận ra rằng: Cái bếp lửa thân quen ngày ngày đã khơi lên cảm xúc, khơi lên nỗi nhớ:“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Bếp lửa đơn sơ“chờn vờn” trong sương sớm ấy cứ thổi hơi ấm vào tim đứa cháu. Từ hình ảnh chập chờn ẩn hiện của bếp lửa, của kỉ niệm mà đứa cháu liên tưởng đến “một bếp lửa ấp iu, nồng đượm”. Để nhóm bếp lửa lên, bàn tay bà đã cần mẫn, khéo léo chăm chút, đứa cháu nhận ra trong những thao tác ấy cả tấm lòng bà “ấp iu”, “nồng đượm”. Bởi bếp lửa thực ấy chứa đựng cả tình bà thì làm sao đứa cháu xa quê có thể che giấu được nỗi nhớ thương:“cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. “Biết mấy năng mưa”, thời gian đằng đẳng, vẫn bếp lửa ấm nồng từ đôi tay bà nhen nhóm, cả một tuổi thơ và khung trời kỉ niệm giữa cháu và bà hiện về, cứ thế, dòng hồi ức lay thức: “Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/ Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi/ Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy/ Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”
Cháu nhớ về bếp lửa mà bà cháu nhen lên trong cảnh cơ cực của quê nhà, những năm “đói mòn đói mỏi”.Cái cảnh lui hui thổi lửa đến cay xè mũi năm xưa như còn mới hôm qua đây. Cái cảnh “khói hun nhèm mắt cháu” nhọc nhằn ấy mà hoá sâu sắc. Cháu nhớ mình, nhớ từng cảm giác nhỏ, nghĩa là cháu đang rất nhớ về người bà của những tháng ngày lận đận, cơ cực, vất vả bên cháu.
Và người cháu có đến “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”. Tám năm ấy mẹ và cha bận công tác không về: “Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe”, “Bà dạy cháu làm bà chăm cháu học”, rồi “Bà kể chuyện những ngày ở Huế”.Cái cảnh bà cháu quấn quýt bảo ban, trò chuyện cũng gắn với bếp lửa. Bếp lửa mỗi ngày vẫn được “nhóm lên” và tình bà cháu cứ thế được ấm nồng, thắm đượm và được tỏa sáng trong không gian ngập tràn hạnh phúc tình bà cháu. Có cả những phút giây khắc khoải, nao lòng, bà và cháu như chợt lắng lại, chợt nhớ mong điều gì khi nghe chim tu hú kêu: “Tu hú kêu trên những cánh đồng xa......”. Phải nhớ mong lắm, phải yêu thương bà lắm, đứa cháu mới mường tượng tất cả. Rồi cũng từ bếp lửa mỗi sớm mỗi chiều của tình bà đã truyền tinh thần, niềm tin yêu cho cháu mình. Đứa cháu không quên cái “năm giặc đốt làng” ghê rợn với cảnh bà cháu phải lầm lụi, nhờ cả bà con làng xóm mới dựng được túp lều tranh trở lại. Khốc liệt và đau thương là thế, nhưng kì lạ bà của cháu vẫn rất vững tâm. Bà vẫn “đinh ninh” dặn cháu: “Mày có viết thư chớ kể này này kể nọ, cứ bảo nhà vẫn được bình yên”. Phải lo cho hai người con đang tham gia kháng chiến, lo cho cách mạng, phải tâm lí, phải tỉnh táo, phải vững lòng, phải rất chịu đựng....bà mới có được những lời dặn dò sâu sắc như vậy! Và cũng chính từ đó, đứa cháu cảm thấy yên tâm hơn để cùng bà nhóm lửa. Những cần mẫn, chắt chiu và tấm lòng bà bền bỉ đã làm nên điều quý hoá mà đứa cháu đã nhận ra rất rõ:“Rồi sớm mỗi chiều lại bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”.
Bếp lửa đã biến thành ngọn lửa - lòng bà. Ngọn lửa tình bà ấp ủ, bền bỉ cháy sáng cả đời người và muốn soi thức con cháu. Tình bà sáng ấm như ngọn lửa nên ngọn lửa từ trái tim bà là ngọn lửa của niềm tin dai dẳng. Chính tấm lòng yêu thương rộng mở của bà đã truyền lửa tin yêu trong lòng đứa cháu ngay từ ấu thơ.
Sức lan toả rộng hơn, xa hơn, từ “ngọn lửa” ấy, đã hóa diệu kỳ, giúp cho cháu biết suy ngẫm về bà, về bao cuộc đời, về quê hương, dân tộc: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa/ Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ/ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi/ Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ /Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”
Bếp lửa gắn với cuộc đời bà tảo tần, khổ nhọc như cuộc đời dân tộc. Những suy ngẫm sâu xa trong dòng hồi tưởng cứ dâng lên, đứa cháu hiểu ra điều màu nhiệm từ bàn tay bà nhóm lửa. Nhóm lửa mỗi ngày là nhóm tình quê chân chất ngọt bùi “nhóm niềm thương yêu khoai sắn ngọt bùi”, là nhóm tình làng nghĩa xóm: “nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui”, là “nhóm dậy cả những tâm tình bé nhỏ”. Tình gia đình, tình quê, tình người, tình đời, tình yêu cội nguồn phải chăng được phôi thai từ cái không gian nhóm lửa ấy? “Bếp lửa” năm xưa đã hoá thiêng và mãi mãi cháy với một thứ ánh sáng riêng trong kí ức đứa cháu.
Để rồi, dù được đi học ở xa, đầy đủ, sung túc, chân trời có rộng mở đến mấy cũng không bao giờ cháu có thể quên một không gian sâu xa: bếp lửa- tình bà. Trong lòng đứa cháu bấy giờ vẫn cứ là những thổn thức:“Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Bếp lửa quả đã có một chỗ đứng rất sâu trong lòng đứa cháu, dẫu đến bao giờ, bởi sức nâng đỡ của nó thật lớn lao, diệu kỳ và là mãi mãi trên hành trình của cháu.
Bếp lửa - hình ảnh vừa thực vừa tượng trưng là ngọn nguồn cho xúc cảm, hồi tưởng. Hơn 60 năm qua, hy vọng thế hệ hôm nay và mai sau được đến với bài thơ sẽ có thêm nhiều suy ngẫm, sẽ ý tứ hơn, sâu sắc hơn, sẽ biết trân quý những gì dù rất bé nhỏ xung quanh mình. Cho dù cuộc sống hôm nay đã được hiện đại hóa, các bếp ga, bếp từ đã thay thế cho nhiều bếp lửa gia đình, nhưng chừng nào còn ai đó bước chân xa quê thì “bếp lửa” của nhà thơ vẫn còn cháy sáng mãi thứ ánh sáng thiêng trong lòng mỗi độc giả khi được đến với bài thơ này!