Thông tin chỉ đạo điều hành

Bình Dương phát huy truyền thống anh hùng, lan toả khát vọng hòa bình và phát triển

Đông Anh 27/08/2024 17:33

Bình Dương- Mảnh đất chịu nhiều mất mát hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, nơi chịu những cuộc đàn áp khốc liệt, những vụ thảm sát đẫm máu gây nhiều tội ác dã man của Mỹ- Ngụy. Nhiều địa danh trên quê hương Bình Dương đã đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi. Máu, mồ hôi, nước mắt của người Bình Dương được hun đúc trong những năm tháng chiến tranh đã tạo nên các giá trị truyền thống văn hóa và cách mạng của vùng đất này, là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử để làm nên bản sắc riêng của một “Bình Dương anh hùng”, luôn sáng mãi truyền thống kiên trung, bất khuất, nhân nghĩa, tự cường…

Sáng mãi ngọn lửa đồng khởi từ Trảng Mó

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, chính quyền Mỹ- Diệm âm mưu phá hủy không thực thi các điều ước của Hiệp định, mà cố tình thiết lập nên bộ máy chính quyền thực dân kiểu mới vô cùng tàn độc ở miền Nam. Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cũng như các địa phương khác trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng phải chịu những cuộc đàn áp khốc liệt, những vụ thảm sát đẫm máu gây nhiều tội ác dã man của Mỹ- Ngụy.

Sau khi có Nghị quyết số 15 vào năm 1959 của Trung ương Đảng soi đường chỉ lối, cách mạng chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận. Quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Thăng Bình hạ quyết tâm giành lại toàn bộ vùng Đông, lấy Bình Dương làm trọng điểm và nhanh chóng mở ra trên địa bàn 7 xã cánh Đông; tập trung chỉ đạo các tổ chức đảng ở Bình Dương khẩn trương chuẩn bị cho đợt tổng khởi nghĩa mới, quyết phá tan kèm kẹp của dịch, giải phóng quê hương. Mở đầu của chiến dịch, đêm ngày 5/9/1964 mở đợt tiến công vào 2 xã Bình Dương và Bình Giang ở vùng Đông, lấy lực lượng tại chỗ là chính, Tỉnh Đội hỗ trợ một bộ phận của đơn vị đặc công trinh sát với 12 đồng chí cán bộ và chiến sĩ cùng với đại đội của Tiểu đoàn 70. Ban Chỉ huy chiến dịch gồm các đ/c: Hoàng Minh Thắng- UVTV Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội, đ/c Nguyễn Đức Bốn - Phó Bí thư Huyện ủy, đ/c Trần Anh Vũ và đ/c Hồ Trượng-UVTV Huyện ủy phát lệnh khởi nghĩa vào lúc 12h trưa ngày 05/9/1964. Trong lúc bọn Hội đồng hương chính xã Bình Dương đang tụ tập bàn kế hoạch để đối phó khởi nghĩa và ăn nhậu vừa xong, quân ta nổ súng xung phong tứ phía, tóm gọn mâm Hội đồng. Nhân dân từ vùng cát, vùng đồng, trong sông, ngoài biển nhất tề nổi dậy với gậy gộc, giáo mác, khí thế hừng hực cách mạng, truy bắt bọn tề ngụy thôn ấp và các loại tay sai khác, phá tan ấp chiến lược cơ quan Hội đồng hương chính xã. Ngay tối đêm đó, có đến 5.000 người, hàng ngũ chỉnh tề, bừng bừng khí thế khởi nghĩa làm chủ xóm làng, kéo về tập trung tại Trảng Mó (thôn 2) mít tinh chiến thắng, thành lập chính quyền tự quản xã.

Thắng lợi của cuộc nổi dậy và giải phóng xã Bình Dương 1964 là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng của lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và lực lượng du kích địa phương; cùng với đó là quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thúc đẩy phong trào giải phóng các xã vùng Đông Thăng Bình, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở vùng ven biển tỉnh Quảng Nam, góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh và cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bình Dương chịu nhiều bom đạn và chất độc hóa học tàn phá trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước

60 năm đã đi qua, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân Bình Dương nói riêng và Thăng Bình nói chung. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Bình Dương đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, cống hiến sức người, sức của tham gia chiến đấu và nuôi giấu, che chở cách mạng. Người Bình Dương anh dũng, kiên cường đã kề vai, sát cánh đấu tranh tạo nên sức mạnh phi thường, làm nên những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên các mặt trận: đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, góp phần làm rạng rỡ danh hiệu 8 chữ vàng "trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ" của quân và dân Quảng Nam anh hùng. Những địa danh như Hàng Cừ - Cây Mộc, Trảng Mó, Căn cứ lõm Bàu Bính,… đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc. Và cũng chính trên mảnh đất không còn màu xanh do bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ-ngụy tàn phá, chà đi xát lại, đã có hàng nghìn người hy sinh cho đất mẹ thân yêu; biết bao tấm gương sáng chói, thầm lặng và kiên trung, mưu trí và bình dị; rất nhiều câu chuyện thần kỳ và bài học cho người đời về cuộc đấu tranh vì nghĩa lớn của dân tộc: Độc lập tự do, giải phóng dân tộc. Biết bao đồng bào, đồng chí, người con quê hương Bình Dương đã hy sinh trong cuộc trường chinh vĩ đại ấy. Khép lại chiến tranh, nhân dân Bình Dương đã tổn thất, hy sinh lớn lao: hơn 4.700 người, trên một nửa số dân toàn xã đã ngã xuống, trong đó có 1.298 liệt sĩ, trên 300 thương binh, bệnh binh và 358 người mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng... Những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân xã Bình Dương đã được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969 và năm 1972, ghi vào sử sách.

Có thể nói, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ “chiến tranh đặc biệt” đến “chiến tranh cục bộ”, rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”, Bình Dương cũng như các xã vùng đông Thăng Bình, Quảng Nam là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, gây nên những tổn thất và hy sinh rất lớn, nhưng chúng không thể nào khuất phục, đè bẹp được tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường bất khuất của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương, Đảng bộ, nhân dân Thăng Bình. Trong mọi hoàn cảnh, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, Đảng bộ, quân dân Bình Dương vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại, góp phần giành hòa bình cho quê hương, gìn giữ độc lập cho Tổ quốc.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, bước ra từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh, nhân dân Bình Dương ra sức khắc phục hậu quả để xây dựng cuộc sống mới trên "vùng cát chết", phá gỡ bom mìn, khai hoang phục hoá, thi đua lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo; lợp lại màu xanh cho quê hương, đã trồng và chăm sóc hàng chục triệu cây phi lao, biến hàng trăm hecta cát trắng thành những dãi rừng phi lao xanh mượt, vừa chắn gió, hạn chế được nạn cát biển xâm thực, bảo vệ nguồn nước và môi trường, vừa mang lại một nguồn lợi kinh tế quan trọng. Với những kỳ tích sau chiến tranh, nhân dân xã Bình Dương một lần nữa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1985.

Phát huy truyền thống cách mạng

Để tiếp tục khơi dậy trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và khát vọng hòa bình, phát triển trở thành sức mạnh nội sinh xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, dũng cảm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng xã Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha ông đi trước. Chú trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng, tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Phát huy mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy giá trị các địa điểm, di tích lịch sử, văn hóa trong công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Phối hợp tổ chức các hoạt động “Về nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề thăm di tích lịch sử cách mạng, hành trình đến với “địa chỉ đỏ” nhằm mang lại hiệu quả, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đối với những giá trị lịch sử tốt đẹp của vùng đất Bình Dương anh hùng.

Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; triển khai thực hiện tốt các quy định về chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyền làm chủ của Nhân dân, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trong sự nghiệp phát triển quê hương. Quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bình Dương vững bước đi lên trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh

Kỷ niệm 60 năm giải phóng Bình Dương là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của thế hệ cha ông trong giai đoạn lịch sử gian lao nhưng rất đỗi hào hùng, để mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Bình Dương hôm nay nêu cao hơn nữa quyết tâm hành động trên hành trình xây dựng quê hương. Trên con đường đổi mới, với hành trang, ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ và Nhân dân Bình Dương đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh, viết tiếp khúc khải hoàn ca Bình Dương anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trong đổi mới, xây dựng để “đất thép nở hoa” và lan toả khát vọng hòa bình, phát triển, để xứng đáng với trang sử vẻ vang, oanh liệt của vùng đất Bình Dương anh hùng.

Nổi bật
Mới nhất
Bình Dương phát huy truyền thống anh hùng, lan toả khát vọng hòa bình và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO