Theo dự thảo, ngoài các cơ sở phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy thì tại các cơ sở là: Kho dự trữ quốc gia; kho dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ có trữ lượng 100.000 m3 trở lên, kho tồn chứa khí hóa lỏng và các sản phẩm khí hóa lỏng có trữ lượng 10.000 m3 trở lên, cơ sở sản xuất sản phẩm hóa dầu có tổng sản lượng 200.000 tấn/năm trở lên; nhà máy thuỷ điện có công suất từ 300 MW trở lên, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200MW trở lên; cơ sở sản xuất giấy 35.000 tấn/năm trở lên, cơ sở sản xuất phân đạm 180.000 tấn/năm trở lên; khu công nghiệp có diện tích từ 50 héc ta trở lên và khu công nghệ cao phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
Nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy gồm các nội dung cơ bản sau: Quy định việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; quy định việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy; những việc phải làm để phòng ngừa cháy, nổ hoặc khi có cháy, nổ xảy ra.
Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải thể hiện được các hạng mục công trình, hệ thống đường nội bộ, lối thoát nạn, hướng thoát nạn, vị trí nguồn nước chữa cháy và phương tiện chữa cháy. Biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, gồm:
Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm cản trở lối đi lại, biển cấm dùng nước làm chất dập cháy. Đối với những nơi sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, khí đốt hóa lỏng, xăng, dầu và những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao có thể có biển cấm mang, sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng và các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh nhiệt, tia lửa hoặc lửa thì phải có biển phụ ghi rõ những vật cần cấm…
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (bao gồm hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các cơ sở hoạt động bên trong); cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; cơ sở nằm trên 02 địa bàn hành chính cấp huyện trở lên; phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Công an cấp huyện quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với cụm công nghiệp và những đối tượng khác không thuộc thẩm quyền quản lý của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh…
Công an cấp xã quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý do Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân cấp quản lý và thực hiện các nhiệm vụ quản lý về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, hộ gia đình do Ủy ban nhân cấp xã phân công.