Bỏ phố về quê làm giàu từ nông nghiệp sạch
Từ bỏ thu nhập hấp dẫn từ việc làm trong ngành báo chí chị Diệp Thị Thảo Trang sinh năm 1992 đã có suy nghĩ táo bạo về quê khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Nhờ định hướng phương thức sản xuất phù hợp, chị Trang đã chứng minh cho mọi người thấy con đường chị lựa chọn là hoàn toàn chính xác và mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương.
Chị Trang sinh ra và lớn lên tại tổ 8, thôn Nam Hà, xã Bình Dương trong một gia đình thuần nông. Với ý chí ham học, chị đã thi đậu vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian học tại nơi đất khách quê người chị đã quen biết anh Nguyễn Quốc Tuấn quê tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình học tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, năm 2019, hai anh chị về quê kết hôn. Chị Trang thì xin vào làm việc tại một tòa báo, còn anh Tuấn thì làm kỹ sư nông nghiệp tại Thành phố Đà Nẵng.
Là một người vợ, người nội trợ chính của gia đình, chị Trang cũng như bao người phụ nữ khác luôn có nhu cầu rau sạch, thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho những người thân trong gia đình. Từ nhu cầu thực tế của bản thân cũng như mong muốn cung cấp cho mọi người thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe, chị Trang ấp ủ ước mơ về quê để trồng và kinh doanh rau sạch. Cùng chí hướng với chị, là những người bạn làm kỹ sư nông nghiệp của 02 vợ chồng. Nghĩ là làm, thế là Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao huyện Thăng Bình ra đời tại thôn Nam Hà, xã Bình Dương vào tháng 11 năm 2021 với 51 thành viên tham gia do chị chị Diệp Thị Thảo Trang làm Giám đốc.
Định hướng phát triển của Hợp tác xã là hướng đến sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên nền tảng ứng dụng các giải pháp công nghệ cao giúp tăng năng suất trong trồng trọt. Liên kết với các vườn của các hộ nông dân tại địa phương, thi công và chuyển giao quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp giải quyết được vấn đề “được mùa mất giá” cho bà con nông dân. Hình thành kênh phân phối sỉ và lẻ các mặt hàng rau, củ, quả do chính HTX và các vườn của hộ nông dân địa phương trồng, phân phối đến các siêu thị thực phẩm sạch, nhà hàng, khách sạn, khu resort, bếp ăn công nghiệp… trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Khó khăn nhất với vợ chồng chị là những ngày đầu thành lập vì vợ chồng chị trước đó đều không làm nông, kinh nghiệm thực tế không nhiều, bên cạnh đó vốn cũng như việc quảng bá cung ứng rau sạch, thực phẩm sạch để khách hàng biết đến là những khó khăn nhất định mà anh chị gặp phải.
Xác định được những khó khăn, với tính chịu thương, chịu khó, cần cù chị Trang và các thành viên của Hợp tác xã đã cố gắng nỗ lực, áp dụng những kiến thức, kỹ thuật vào trồng và chăm sóc rau sạch, giới thiệu quảng bá qua mạng xã hội, qua các mối quan hệ khi trong công tác. Để mở rộng thị trường, chị Trang tiếp tục điều hành mở rộng Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao tại 43 FARM Đà Nẵng với mục đích cung ứng, quảng bá thêm rau, củ, quả sạch cho người dân Thành Phố Đà Nẵng biết đến nhiều hơn. Kết quả đến nay, thương hiệu rau sạch của Hợp tác xã đã lan tỏa và có mặt tại các nhà hàng, khách sạn, khu resort tại Đà Nẵng.
Tháo gỡ được khó khăn, việc kinh doanh ngày càng phát triển nhu cầu rau sạch cần cung ứng ra thị trường ngày càng nhiều, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, chị Trang tiếp tục điều hành mở rộng thêm diện tích trang trại và hình thành hai khu nhà kính để trồng rau, quả sạch. Hiện nay, bình quân mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng hơn 1 tấn rau, củ, quả ra thị trường, với doanh thu bình quân 125 triệu/tháng. Hợp tác xã của chị đã tạo điều kiện giúp cho hơn 20 lao động, trong đó hơn 10 lao động là nữ người địa phương có được công ăn việc làm, ổn định.
Ngoài việc cung ứng rau, củ, quả chị Trang còn hướng đến cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch. Vào những tháng cận kề tết, Hợp tác xã của chị đã tăng cường trồng các loại hoa để phục vụ nhu cầu tết cho người dân tại địa phương và các nơi lân cận như hoa vạn thọ, hoa hồng, hoa ly, hoa hướng dương để mọi người đến tham quan, chụp hình,... Tính đến nay, Hợp tác xã của chị đã đón gần hàng nghìn lượt người tham quan và các trường tổ chức các chuyến tham quan giúp các bé có cơ hội nhìn thấy và trực tiếp trải nghiệm quy trình trồng cây, chăm sóc và thu hoạch, từ đó áp dụng vào các bài học lý thuyết trên lớp.
Có thể nói, khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với phái nữ. Nhưng bằng sự quyết tâm, bản lĩnh kiên cường, cách làm sáng tạo, đổi mới, phù hợp với xu hướng của thị trường, sự ủng hộ của chồng và người thân, bạn bè, Hội LHPN xã, chị Diệp Thị Thảo Trang đã góp phần phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tự tin vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình, góp phần tìm ra hướng đi mới cho nông nghiệp sạch và chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.