Văn hóa - Xã hội

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Trung Hiếu 31/05/2024 07:38

Với tầm nhìn xa, trông rộng "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công chăm sóc, vun trồng thế hệ mầm non của đất nước. "Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới". Người đặt niềm tin: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

     Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc, giáo dục trẻ em, và nhận thức rõ vai trò, vị trí công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Thăng Bình đã lãnh đạo các cấp ủy, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện mục tiêu vì trẻ em ngày càng được quan tâm; công tác bảo vệ và xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, đời sống văn hóa, tinh thần, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được đảm bảo.

     Trong những năm qua, công tác tuyên truyền về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú phù hợp với từng đối tượng, như thông qua hội nghị các lớp bồi dưỡng, tập huấn, cuộc thi, hội thi, diễn đàn... Trung tâm VHTT Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng chuyên mục “Chính sách an sinh xã hội” phát sóng 1 lần/tuần vào chiều thứ 3 và sáng thứ 4 hằng tuần nhằm tuyên truyền phát sóng các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thông tin các hoạt động trẻ em diễn ra trên địa bàn huyện...

     Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện mục tiêu vì trẻ em ngày càng tăng, việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật... Hằng năm, tổ chức hiệu quả “Tháng hàng động vì trẻ em”, xây dựng kế hoạch vận động ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em và các hoạt động vui chơi tặng quà nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6; Tết Trung thu.

     Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, trong đó chú trọng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 22/22 xã, thị trấn được công nhận xã, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng tạo miễn dịch cơ bản đạt 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 9,4%; thể thấp còi là 6,4%, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp phát BHYT. Công tác giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%, tỷ lệ trẻ 06 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 100%; huyện đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm còn dưới 1,27%; 95% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hoà nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 100% các xã, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 85% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ bị tổn thương được phát hiện, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt...

     Các phong trào thi đua sâu rộng nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác trẻ em được phát động mạnh mẽ tại các địa phương như: phong trào xây dựng “Quỹ bảo trợ trẻ em”, phong trào xây dựng “gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,... Việc phát động thực hiện các phong trào trên đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của từng cá nhân, từng gia đình đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhiều gia đình có ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, tạo môi trường tốt để góp phần hình thành nhân cách của trẻ em. Các bậc cha mẹ ngày càng quan tâm nhiều hơn trong việc chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện để con cái học hành nên người. Đồng thời, trong quy ước xây dựng thôn văn hóa, tộc họ văn hóa đều có nêu việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thành một tiêu chí để thực hiện và xét công nhận thôn, tộc, họ, gia đình văn hóa.

Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm

 

     Các cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, tạo sân chơi cho trẻ em tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Đến nay, trên địa bàn huyện tất cả các trường Mẫu giáo đều có khu vui chơi; các nhà văn hóa thôn, khu phố đều có điểm vui chơi, giải trí, thể thao dành cho trẻ em, có 20/20 xã đã đầu tư xây dựng các Khu vui chơi cho trẻ em theo chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của các Tổ chức phi chính phủ, đến nay huyện nhà đã xây dựng được 03 bể bơi di động tại 03 xã: Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Triều với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng; từ đó số trẻ em được tham gia các hoạt động văn hóa ngày càng nâng lên, bước đầu đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em. Hằng năm, các ngành, địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức tốt Diễn đàn trẻ em, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn và bình đẳng để trẻ em phát triển toàn diện. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình, dự án trong các lĩnh vực y tế, giáo dục.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Một số gia đình quản lý, giáo dục con cháu chưa tốt, vì thế mà tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bỏ học và các trường hợp xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Tỷ lệ trẻ em chết do tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước còn diễn ra… Công tác tuyên truyền có lúc chưa thường xuyên, liên tục; các điều kiện về an toàn chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em...

     Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc chương trình, kế hoạch giai đoạn và hằng năm; quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tạo môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tích cực nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em gắn với tuyên truyền, ngăn chặn các hủ tục, tập quán lạc hậu nhằm giảm thiểu những rủi ro về pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; quản lý tốt trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có các giải pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời. Đẩy mạnh tuyên truyền, quyên góp vận động xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em; vận động hỗ trợ học bổng, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

     Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em! Đó là thông điệp chung mà nhân loại tiến bộ đã kỳ vọng, trông đợi và tin tưởng vào thế hệ tương lai. Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là trách nhiệm không chỉ của mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội, để thế hệ trẻ hôm nay thực sự là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nổi bật
Mới nhất
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO