Chính quyền điện tử và Chính quyền số
Hiện nay, các cơ quan nhà nước đang nỗ lực “Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số”. Việc này tưởng như một quá trình kế tiếp, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) để có thể tiếp cận chính quyền số (CQS) một cách phù hợp nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự việc không đơn giản như vậy, vì CQĐT và CQS là hai khái niệm có cách tiếp cận, mục tiêu, phương pháp xây dựng, công nghệ áp dụng và cách thức vận hành khác nhau.
CQĐT: Khái niệm “Chính quyền điện tử” (e-Government) được hiểu là chính quyền ứng dụng CNTT vào các quy trình nghiệp vụ của mình để hỗ trợ cho việc xử lý, tính toán, liên lạc và giúp các hoạt động của bộ máy chính quyền thuận tiện và hiệu quả hơn.
CQS: Chính quyền số (d-Government) là chính quyền ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động nghiệp vụ của mình để thông minh hóa các quy trình đó: Thiết kế ra các quy trình tự động thông minh (một phần hay toàn bộ quy trình) hoạt động dưới sự hướng dẫn của con người. Vì thế, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước tăng lên nhiều lần so với chính quyền điện tử.
So sánh CQĐT với CQS chúng ta thấy sự khác nhau cơ bản nằm ở việc ứng dụng công nghệ vào cho hoạt động của bộ máy chính quyền mang lại những lợi ích gì và có những khiếm khuyết nào?
- CQĐT: Công nghệ áp dụng là CNTT. Lĩnh vực áp dụng là xử lý dữ liệu, lợi ích mang lại là giúp xử lý công việc nhanh hơn, lưu trữ được lượng dữ liệu lớn hơn giúp công tác phân tích, dự báo thuận tiện hơn, có chất lượng cao hơn. Khiếm khuyết rõ rệt nhất là “mang theo” tính trì trệ của nền quản lý thủ công: Thu thập dữ liệu thủ công (do con người thực hiện), ra quyết định và thực hiện quyết định cũng do con người thực hiện (vì thế, không xử lý được những vụ việc diễn ra theo thời gian thực).
- CQS: Công nghệ áp dụng là công nghệ số. Lĩnh vực áp dụng là thu thập dữ liệu (ứng dụng công nghệ IoT), xử lý dữ liệu (ứng dụng công nghệ Cloud, Big data, AI, Blockchain…), ra quyết định và thực hiện quyết định (ứng dụng công nghệ CPS và cơ chế chấp hành Actuator).
Công nghệ số giúp thực hiện những việc mà trước đó không thể làm được. Thứ nhất là thu thập dữ liệu tự động theo thời gian thực. Lợi ích mang lại trước tiên là tính đầy đủ, khách quan, cao hơn là sự minh bạch về dữ liệu (vì máy thu thập). Đây là gốc rễ của mọi thành tựu tiếp theo. Thứ hai là khả năng xử lý và giải quyết vụ việc ngay lập tức. Đây là niềm mơ ước của mọi hệ thống quản lý, trong đó, bộ máy chính quyền nằm ở đỉnh bảng và còn nhiều lợi ích khác.
CQS không có khiếm khuyết mà có những đòi hỏi để vượt qua cần rất nhiều nỗ lực.
Đó là:
- Cần nhận thức sâu sắc về CĐS, hiểu thấu bản chất của CĐS
- Cần nắm được các thành tựu KHCN đương đại để áp dụng vào thiết kế các quy trình nghiệp vụ số (ví dụ công nghệ nội dung, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ robotics,…).
- Cần nắm được phương pháp và công cụ làm “thông minh hóa” quy trình nghiệp vụ QLNN của cơ quan.
- Cần từ bỏ thói quen cũ để tiếp nhận và làm chủ cách làm mới.
- CĐS diễn ra tất yếu và không có điểm dừng, độ trưởng thành số tăng dần theo tỷ lệ số quy trình ngiệp vụ được số hóa.
Xét dưới góc độ kiến trúc tổng thể (enterprise architechture - EA), chúng ta có bảng so sánh như sau:
Kiến trúc tổng thể | Chính quyền điện tử | Chính quyền số |
Kiến trúc dữ liệu | Dữ liệu được tổ chức theo chức năng nghiệp vụ, có tính phân tán. Dữ liệu được thu thập thủ công là chính. | Dữ liệu được tổ chức theo thực thể trong hệ thống phi tập trung thống nhất. Dữ liệu được thu thập tự động là chính. |
Kiến trúc ứng dụng | Các ứng dụng CNTT được phát triển theo nghiệp vụ chức năng bởi các chuyên gia CNTT. | Các ứng dụng công nghệ số được phát triển theo yêu cầu thực tế bởi các chuyên gia ngành. |
Kiến trúc công nghệ | CNTT và các phương pháp ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ đóng vai trò chủ đạo. | Công nghệ số (IoT, Cloud, Big data, AI,…) và phương pháp phát triển các hệ thống thông minh đóng vai trò chủ đạo. |
Kiến trúc bảo vệ an toàn | Kiến trúc bảo vệ an toàn truyền thống (cung cấp thông tin cho con người xử lý). | Kiến trúc bảo vệ an toàn thông minh (tự động phát hiện, phòng ngừa, xử lý sự cố theo thời gian thực). |
Từ những nội dung trên có thể thấy rằng, kiến trúc tổng thể của chính quyền điện tử và kiến trúc tổng thể của chính quyền số là hoàn toàn khác nhau, không thể áp dụng kiến trúc tổng thể của chính quyền điện tử để thiết kế, xây dựng chính quyền số. Điều này cũng giống như không thể sử dụng bản thiết kế và các tiêu chuẩn sản xuất ô tô để thiết kế và sản xuất máy bay!
Như thế, để triển khai “Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số” cần nhanh chóng bắt tay vào thiết kế CQS hay nói theo thuật ngữ chuyên môn là xây dựng kiến trúc tổng thể của CQS muốn đạt đến vào năm 2030 để có được một kế hoạch tổng thể chỉ rõ những việc cần làm từ nay đến 2030 trên tinh thần kế thừa những kết quả đã đạt được trong xây dựng CQĐT (dù ở mức độ hoàn thiện nào). Trong kế hoạch tổng thể này, nội dung trọng tâm là số hóa quy trình nghiệp vụ QLNN (digitalizing government procedures) dựa trên công nghệ phát triển các hệ thống tự động thông minh (CPS) và xây dựng các chính sách hỗ trợ toàn diện cho quá trình chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền.
Mọi cách làm khác, cuối cùng cũng sẽ phải điều chỉnh theo hướng này vì thông minh hóa quy trình hoạt động là mục tiêu chung của mọi tổ chức (trong đó bao gồm các cơ quan nhà nước) trong kỷ nguyên số.