Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thăng Bình

Trung Hiếu 08/03/2024 08:05

Với quyết tâm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số (CĐS) để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, huyện Thăng Bình đã và đang phát huy nội lực, thực hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ nét trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận nhanh với các dịch vụ số.

     Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ hiện nay, CĐS là yêu cầu tất yếu đối với tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Xác định tầm quan trọng của công tác CĐS, sau khi Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành Kế hoạch số 36-KH/HU ngày 16/6/2021 về thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU; tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và hội viên, đoàn viên trong toàn huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện và các ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá Nghị quyết 04 và Kế hoạch 36. UBND huyện đã ban hành Đề án số 2221/ĐA-UBND ngày 28/11/2022, được HĐND huyện tại kỳ họp thứ 09 Khóa XII thông qua và đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 của HĐND huyện về Đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số huyện Thăng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

     Thực hiện quan điểm CĐS trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát huy quyền làm chủ của người dân và phục vụ người dân được tốt hơn, Ban Chỉ đạo CĐS huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức chiến dịch ra quân đồng loạt tại 22 xã, thị trấn trong huyện để thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng cho người dân về CĐS. Huyện đã huy động tổng thể lực lượng tuyên truyền gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng, đại diện các tổ chức hội, đoàn thể chính trị ở địa phương và các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông cùng phối hợp truyền thông tới từng người dân về chủ trương CĐS. Trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; Trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn để người dân biết truy cập, tương tác với chính quyền cũng như nắm bắt các thông tin hoạt động...

     Hạ tầng kỹ thuật phục vụ CĐS được quan tâm đầu tư. Hoàn thành việc nâng cấp hệ thống mạng nội bộ Trung tâm Hành chính huyện (nhà làm việc HĐND - UBND huyện, Bộ phận một cửa huyện). UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát hiện trạng hệ thống mạng LAN các cơ quan trong Trung tâm Hành chính huyện, có phương án mở rộng hệ thống mạng, đảm bảo các cơ quan sử dụng một hệ thống mạng duy nhất. Dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý II/2024. 100% cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện có máy scan để số hóa tài liệu, số hóa TTHC. Sóng di động 3G/4G phủ đến 100% địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi trong việc truy cập Internet cho Nhân dân. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn sử dụng nguồn kinh phí theo Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh để mua sắm trang thiết bị hạ tầng CNTT đảm bảo phục vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thuê đường truyền internet tại nhà văn hóa các thôn/khu phố phục vụ chuyển đổi số cấp xã. 

     Công tác số hóa, kết quả giải quyết TTHC được chú trọng. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Số TTHC cung cấp DVC trực tuyến toàn trình được tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh là 251 TTHC (cấp huyện: 185 TTHC; cấp xã: 66 TTHC); số TTHC cung cấp DVC trực tuyến một phần: 113 TTHC (cấp huyện: 68 TTHC, cấp xã: 45 TTHC). Đã tổ chức chỉ đạo, quán triệt việc tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến trên phần mềm Một cửa điện tử. Các địa phương đã triển khai tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến; các địa phương đã triển khai niêm yết TTHC bằng mã Qrcode. Tập trung thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến ngày 31/12/2023, toàn huyện có 83.879 tài khoản định danh điện tử (VNeID) đã kích hoạt. Duy trì sử dụng hiệu quả hệ thống Quản lý văn bản và điều hành công việc từ cấp huyện đến cấp xã. 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được cấp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ để thực hiện ký số văn bản điện tử và số hóa hồ sơ TTHC.

     Triển khai vận hành Hệ thống Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ huyện đến xã được thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của huyện. Chỉ đạo các địa phương triển khai lắp đặt Wifi miễn phí đến 106/106 nhà văn hóa thôn/khu phố trên địa bàn huyện. Hằng năm cử công chức phụ trách CNTT tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số phục vụ xây dựng nông thôn mới; tập huấn, sử dụng Kho lưu trữ dữ liệu và số hóa hồ sơ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; tập huấn hướng dẫn quản trị, khai thác sử dụng các ứng dụng Chính phủ điện tử giúp điều hành, quản lý và kết nối với người dân, doanh nghiệp...

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện giải quyết TTHC cho người dân

 

     Tăng cường đưa các sản phẩm OCOP của huyện lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay đã có 17 sản phẩm OCOP được giao dịch trên sàn thương mại điện tử (Yến tinh chế sấy khô, bánh tráng cuốn Hương Huệ, nếp Hương Lân Trường Giang, Dầu mè nguyên chất Trường Giang, Gạo Cái Quạt mo, Tinh bột nghệ Tabitha, Phỏ khô Hương Huệ, Dầu tràm Linh Vũ, Nước mắm Cửa Khe, dầu đậu phụng nguyên chất Bình Nam, Trà Cà gai leo Đại Việt, Nước mắm nhĩ cá cơm, Hạt sen sấy khô Sen Việt, Bột rau má sấy lạnh Tabitha, Siro húng chanh Tỏi đen, Bột tía tô sấy lạnh Tabitha, Rau xà lách thủy tinh). Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập 106/106 thôn, khu phố, tổ chức hoạt động hiệu quả theo quy chế, hỗ trợ người dân thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, đăng ký định danh điện tử và các hoạt động chuyển đổi số gắn với việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình hiệu quả trong thực hiện CĐS. Triển khai việc khám chữa bệnh tại các cơ sở không cần sử dụng thẻ BHYT mà thông qua CCCD. Ra mắt mô hình ngân hàng máu sống trực tuyến giúp kết nối giữa người hiến máu và người cần máu. Ra mắt thư viện số nhằm đổi mới hình thức và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Xây dựng bản đồ địa chỉ đỏ và gắn mã QR code tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Thăng Bình. Ra mắt Trang quảng bá sản phẩm Ocop sản phẩm khởi nghiệp thanh niên Thăng Bình và đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp… Phối hợp với Viettel tổ chức truyền thông hướng dẫn các hộ kinh doanh tại Chợ Hà Lam và một số cơ sở kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ứng dụng Viettel money. Triển khai việc chi trả chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt và người có công trên địa bàn huyện, hiện nay đang thí điểm tại thị trấn Hà Lam và xã Bình Tú. Triển khai thu nộp học phí và hỗ trợ chi trả học phí học tập cho học sinh không dùng tiền mặt đã được thực hiện tại các trường Mẫu giáo, Mầm non và THCS trên địa bàn huyện.

Đoàn Thanh niên thực hiện số hóa các địa danh, di tích lịch sử, địa chỉ đỏ bằng mã QR

 

     Có thể nói qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ, công tác CĐS trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đạt được những kết quả rất tích cực. Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về thực hiện CĐS ngày càng được nâng cao. Hạ tầng số, các nền tảng số được phát triển, triển khai ứng dụng tại huyện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu CĐS. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, chia sẻ, khai thác. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, toàn diện hoạt động của hệ thống chính trị; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của nhân dân; là động lực để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số trong môi trường số an toàn, văn minh...

Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO