Góp ý

Đất và người Thăng Bình trong lịch sử

13/02/2017 00:00

Thăng Bình nằm ở đông bắc tỉnh Quảng Nam. Nếu tính chiều dài bắc - nam theo địa giới tỉnh Quảng Nam hiện nay thì Thăng Bình nằm ở trung độ. Thăng Bình có thị trấn Hà Lam là huyện lỵ cách Thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ 25 km về phía bắc, cách Phố cổ Hội An theo đường dọc biển chưa đầy 10 km về phía nam. Phía bắc giáp huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, phía nam giáp huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ, phía tây giáp huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, phía đông giáp biển Đông. Diện tích đất đai toàn huyện là 412,25 km2, dân số tính đến 2016 là 181.610 người, mật độ dân số 441 người/km2. Thăng Bình xếp thứ 12 về diện tích, xếp thứ 2 về dân số, thứ 4 về mật độ so với 18 đơn vị hành chính (huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam)

     Diễn trình lịch sử vùng đất
     Năm 1306, khi lấy công chúa Huyền Trân - con vua nhà Trần của Đại Việt, vua Chiêm là Chế Mân đã dâng hai châu, châu Ô và châu Lý (Ri) cho Đại Việt làm sính lễ. Năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi tên châu Ô là Thuận Châu, châu Lý là Hóa Châu.
     Kể từ thời điểm ấy, Chiêm Thành luôn đưa binh đánh với Đại Việt. Năm 1376 vua Trần Duệ Tông tiến quân vào Chà Bàn (Bình Định) bị chết trận, đến năm 1377, 1378 Chiêm Thành phản công, mang quân đánh Thăng Long-kinh đô Đại Việt. Trong liền hai năm 1382, 1383 và nhiều năm sau, quân Chiêm đánh Thanh Hóa, Quang Oai... khiến vua Việt trốn khỏi kinh đô. Quân Chiêm dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga khiến từ vua đến quan, dân Việt đều kinh sợ. Năm 1390 Chế Bồng Nga bị quân nhà Trần tiêu diệt, thế lực Chiêm Thành suy yếu.
     Năm 1400, sau khi lên ngôi Hồ Qúy Ly rồi Hồ Hán Thương phản công. Đường thiên lý dẫn đến phía bắc sông Thu Bồn được đắp, dọc đường lập làng xã, thị tứ và các trạm dịch. Quân Chiêm dâng đất Chiêm Động - miền đất “địa linh” của mình, nơi có kinh đô Trà Kiệu, Đồng Dương và thánh địa Mỹ Sơn - đất này sau gọi là Thăng Hoa (tức phần đất từ địa giới phía nam huyện Điện Bàn đến cuối tỉnh Quảng Nam ngày nay). Họ Hồ còn ép Chiêm Thành dâng luôn đất Cổ Lũy (Tư Nghĩa ,sau này là Quảng Ngãi).
     Như sử cũ đã ghi thì “Quảng Nam là đất quận Nhật Nam đời Hán bị nước Lâm Ấp (Chiêm Thành) chiếm giữ, nhà Nhuận Hồ đánh lấy được động Chiêm, động Cổ Lũy, chia đặt thành bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt các chức Thăng Hoa an phủ sứ lộ để cai trị, lại di dân đến ở”(1). Châu Thăng lại được chia làm ba huyện: Lệ Giang, Đỗ Hà và An Bị. Năm 1405 triều đình phái Nguyễn Ngạn Quang làm Tuyên phủ sứ kiêm Chế trí sứ trấn Tân Ninh và lộ Thăng Hoa.
     Thăng Hoa và phần đất phía nam Hóa Châu (nay là Điện Bàn) trải qua nhiều cuộc tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành bởi khi quân Minh sang đánh, người Chiêm Thành dựa vào quân Minh phản công lấy lại Thăng Hoa (1407), đánh Hóa Châu và cuộc giằng co giữa quân Việt, quân Chiêm “khi tiến khi lui suốt thời Hậu Trần”. Tiếp đến “cùng với cuộc kháng chiến của Lê Lợi, Hóa Châu (trong đó có Điện Bàn) lập nhiều công lớn và năm 1441, nhân Chiêm Thành ra đánh quân triều đình chưa tới, tự Hóa Châu xuất binh đánh bại Chiêm Thành, vua khen không hết lời. Tuy vậy, đất Điện Bàn và Thăng Hoa chưa hết xung đột với Chiêm Thành, nhất là Thăng Hoa, coi như vùng xôi đậu”(2), đất “ky mi” (vùng biên cương chưa phải thuộc địa).
     Năm 1471 vua Lê Thánh Tông mang đại quân thân chinh đánh chiếm lại bốn châu và chiếm thêm Vijaya (Bình Định ngày nay). Tháng 6-1471 vua nhà Lê lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, là đạo thứ 13 của Đại Việt, gồm vùng đất từ nam sông Thu Bồn đến Đèo Cả, chia làm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Mỗi phủ chia làm ba huyện.Phủ Thăng Hoa có ba huyện: Lệ Giang, Hà Đông, Hy Giang.Thăng Bình lúc ấy thuộc huyện Lệ Giang.
     Năm 1490 - đời Hồng Đức thứ 21, đạo Thừa tuyên Quảng Nam đổi thành xứ Quảng Nam. Năm 1520, đời Lê Trung Dực đổi thành Trấn Quảng Nam. Năm 1604 chúa Nguyễn Hoàng đổi thành Dinh Quảng Nam. Huyện Lệ Giang đổi thành huyện Lễ Dương. Huyện Hy Giang thành Duy Xuyên. Năm 1606, huyện Lễ Dương đổi thành Phủ Thăng Hoa,  Điện Bàn tách khỏi Triệu Phong, Thuận Hóa đổi thành Phủ Điện Bàn. Người  dân phủ nào lấy tên theo phủ ấy và gộp lại thì gọi là: người Thăng Điện - người Quảng Nam. Năm 1841 dưới thời Thiệu Trị (Thiệu Trị nguyên niên) nhà Nguyễn, Phủ Thăng Hoa có tên Phủ Thăng Bình. Từ đầu thế kỷ XX, Phủ Thăng Bình được chia làm 7 tổng với 170 xã. Năm 1906, triều Nguyễn cải huyện Hà Đông thành Phủ Hà Đông, sau đổi thành Phủ Tam Kỳ kiêm lý cả huyện Hà Đông, không thuộc Phủ Thăng Bình  nữa. Năm 1922, một số xã phía tây nam Phủ Thăng Bình được tách ra nhập với một số xã của phía tây Tam Kỳ (Hà Đông) thành lập huyện mới là Tiên Phước. Năm 1939 bốn xã: Đông An, Trung Ái, Hóa Quế, Cẩm Tú thuộc tổng Đông An sáp nhập vào huyện Quế Sơn. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, năm xã phía đông bắc của Thăng Bình nhập vào Duy Xuyên và Phủ Thăng Bình được đổi thành huyện Thăng Bình.
     Về địa lý tự nhiên
     Địa hình huyện thấp dần từ tây sang đông, bao gồm nhiều dạng địa hình của vùng đất Quảng Nam. Có thể thấy vùng đất phía tây (tính từ phía tây đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam gồm các xã Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định, Bình Phú, Bình Quế...) là vùng đồi núi và bán sơn địa, vùng này chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn huyện, đất đai bạc màu hoặc bị laterit hóa.Vùng này có hệ thống núi chạy dọc theo ranh giới phía đông nam của huyện với các ngọn núi như La Nga, Chóp Chài, Đồng Linh, Phước Cang..., có hướng chủ yếu là tây đông, độ cao trung bình khoảng 500 m. Ngoài phần núi, đa phần diện tích còn lại của khu vực này là đồi gò thấp (cao trung bình 200m) chỉ có các loại cây như rang, sim, mua...mọc hoang, ít có các cây lớn vì thế đất dễ bị rữa trôi, bạc màu, laterit hóa. Xen giữa các hệ thống gò đồi là những cánh đồng chân núi nhỏ hẹp, cùng những làng xóm, đất thường bị chua, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa nhờ nước trời. Những năm gần đây nhờ các công trình thủy lợi nên nâng lên 2 vụ nhưng năng suất vẫn còn thấp do đất đai kém màu mỡ.
     Phía cực đông của huyện - nằm hai bên bờ sông Trường Giang là vùng ven biển.Vùng đông có bờ biển dài 25 km, thấp phẳng, phần lớn là cát trắng, nhiều cồn cát, nhiều bãi tắm đẹp (trong đó có bãi tắm Bình Minh). Vùng này mặc dù là dải đất nằm kẹp giữa một bên là sông, một bên là biển nhưng nhờ những bàu, hồ, sông nên người dân định cư lâu đời, tạo nên những làng mạc đông đúc - những làng chài kết hợp với trồng màu, nuôi trồng thủy sản, buôn bán.
     Đồng bằng Thăng Bình vốn là phần giữa của đồng bằng Quảng Nam vốn trước đây “là vụng biển cũ (trong thực tế là một đới địa máng cũ) cắm sâu vào giữa hai khối núi Hải Vân và Ngọc Linh như một cái nêm lớn. Sau khi nước biển rút, do vận động nâng lên của Trường Sơn Nam, sông Thu Bồn và các nhánh của nó đã bồi nên một vùng đất rộng 540 km2, diện tích này bao gồm cả vùng cửa sông Hội An, nằm dịch về phía biển. Đồng bằng này thu hẹp lại ở huyện Thăng Bình rồi mở rộng ra-tuy vẫn giữ dạng một dải đất phù sa chạy dọc sông Tam Kỳ - ở đồng bằng cũng mang tên ấy rộng 510 km2(3). Dọc duyên hải, phía bờ nam sông Thu Bồn là những cồn, bãi cát trắng, phía bên trong là những cồn bàu dài và hẹp - di tích của những vụng biển cũ. Rìa phía sau những cồn cát từ Cửa Đại đi về phía nam, những đầm hồ “được cải tạo và nối lại thành con đường giao thông thủy nội địa mang tên sông Trường Giang”. Sông Trường Giang là thủy lộ nối vùng cực nam tỉnh Quảng Nam (vụng An Hòa) với Đà Nẵng - nối sông Bàn Thạch (Tam Kỳ) với sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện. Sông Trường Giang cũng là ranh giới khá mong manh giữa vùng đất phù sa và đất xám với vùng đất cát ven biển. Nếu lấy quốc lộ 1A làm tâm điểm thì đồng bằng Thăng Bình trải ra hai bên quốc lộ, là vùng đất phù sa tương đối màu mỡ, nhất là khu vực phía nam của huyện (các xã Bình Nguyên, Bình Tú, Bình Trung, Bình An...).
     Thăng Bình có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua huyện, đường 106 - Quốc lộ 14E - đường liên xã, liên huyện nối thị trấn Hà Lam với các xã phía tây, nối Thăng Bình với các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước, Phước Sơn... và các tỉnh (Đường Hồ Chí Minh).
     Thăng Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa có pha chút nhiệt đới cận xích đạo của phương Nam. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 25,8 độ C, thường  không có tháng nào nhiệt độ dưới 200C, số giờ nắng từ 1.800 đến 2.200 giờ/ năm. Lượng mưa hàng năm khá lớn, đạt 2.100 mm, độ ẩm trung bình trên 80%, khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt trong năm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 với những trận mưa có cường suất lớn, có khi lên đến gần 500 mm (thường vào tháng 10) gây ngập úng trên diện rộng các xã phía đông. Mưa thường đi đôi với bão chủ yếu các tháng 8-10. Mùa khô bắt đầu từ tháng 1 kết thúc vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 với nắng nóng, độ ẩm thấp, thường ảnh hưởng thêm gió phơn Tây Nam (gió Lào) từ tháng 5 đến tháng 8 với số ngày chỉ 15-25 ngày/năm.
     Người Thăng Bình trong lịch sử
     Ngay vào thời nhà Hồ (1400-1407) và gần nửa thế kỷ sau đó, vùng đất này từng diễn ra các cuộc tranh chấp Việt - Chiêm liên miên. Vùng đất này được coi là vùng “xôi đậu”, là đất “ky mi”- vùng đất biên vực, chưa thực sự là thuộc địa của Đại Việt. Đây vừa là đất “phên giậu” của đất nước vừa là “bàn đạp” để mở rộng cuộc Nam tiến của dân tộc ta. Dưới góc nhìn địa - nhân văn, chính đặc điểm vùng đất là môi trường góp phần quan trọng hình thành nên tính cách con người, con người xứ Quảng nói chung, con người vùng đất Thăng Hoa nói riêng.
     Những lưu dân Việt từ đồng bằng sông Mã, sông Lam hay sông Hồng đi vào Nam tuyệt đại đa số là nông dân (trừ một số ít thợ thủ công, buôn bán, binh lính...) buộc phải thích nghi với việc vừa khai phá, sản xuất lương thực vừa chiến đấu bảo vệ cương vực đất nước như “Chiếu bình Chiêm” của vua Lê đã nêu và gọi họ là những người “tòng binh lập nghiệp”. Đó là “những người từng xông pha trận mạc, trí dũng đều có, dám nghĩ dám làm, nhất là hàng tướng lĩnh”(4).
     Ngoài việc khai thác vùng đồng bằng phù sa nằm giữa dải cồn bãi ven biển và vùng đồi gò phía tây, thích ứng với nghề trồng lúa nước, trồng rau màu của người Chiêm, cư dân Việt ở Thăng Hoa chắc chắn đã học được cách khai thác, chế biến lâm thổ sản quý, nghề nuôi tằm , ươm tơ, chế biến đường từ mía, chế biến cá mắm từ cá biển,  cách đóng ghe bầu...vốn là “sở trường” của người Chiêm trên vùng đất mới.
     Một lực lượng lưu dân nữa đáng lưu ý là những tội đồ như sử cũ đã ghi “Năm Hồng Đức thứ 5 (1474) nhà vua sắc chỉ rằng tù xử tội lưu di đi cận châu thì sung vào vệ Thăng Hoa; đi ngoại châu thì sung vào vệ quân Tư Nghĩa; đi viễn châu thì sung vào vệ quân Hoài Nhơn. Tội nhân được tha chết cũng được sung vào vệ quân Hoài Nhơn”(5). Trong số tội đồ hẳn có những phần tử bất hảo nhưng “không hẳn tất cả bọn họ đều là người xấu, những kẻ bỏ đi”(6). Nơi vùng đất mới, với những điều kiện mới, họ có năng lực khởi tạo cuộc đời mới, tư duy thoát khỏi lối cũ vốn bị “kiềm hãm” để sáng tạo các cách thức ích dụng mới tương thích với môi trường mới “Để đẩy mạnh sản xuất, tích trữ lương thực trong nước cho được dồi dào, ngoài việc nới lõng thuế khóa cho nông dân, năm 1481, Lê Thánh Tông đã ban chiếu lập đồn điền ở những nơi xung yếu, có nhiều đất hoang, theo chế độ “động vi binh, tịnh vi dân” (có động thì là lính, yên tĩnh là dân), theo Thiên Nam dư hạ tập thì thời ấy cả nước đã thiết lập được 43 cơ sở đồn điền, trong đó có ghi sở đồn điền Thăng Hoa ở trấn Quảng Nam”*(7).
     Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, nguyên là đất địa đầu của Champa (Chiêm Thành) được vua Chế Mân cắt dâng làm sính lễ cho nhà Trần từ 1306. Năm 1570 Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cho kiêm lĩnh cả trấn Quảng Nam (Tổng Trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán là vị tướng, vị quan có tài, mất năm 1568. Nguyễn Bá Quýnh được cử lên thay. Khi Nguyễn Hoàng được cử kiêm lĩnh Quảng Nam thì Nguyễn Bá Quýnh được điều về làm tổng trấn Nghệ An). Nguyễn Hoàng đã ra sức dẹp yên các cuộc nổi loạn của thổ hào, kiến thiết, xây dựng hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam phồn thịnh như Lê Quý Đôn đã viết “Cai trị hơn mười năm chính sự khoan hòa, việc gì cũng làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản hộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thương yêu, tín phục, cảm nhận, mến đức, dời đổi phong tục. Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng. Thuyền buôn ngoại quốc đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang. Ai cũng cố gắng, trong cõi an cư lạc nghiệp”(8). Cuộc nội chiến của các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc đã có đợt di dân thứ hai vào vùng đất mới phương nam từ cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII “là hệ quả tất yếu của chính sách thống trị của tập đoàn Lê-Trịnh trên bước đường suy thoái, là sự phản ứng mang tính chất mở đường cho dân tộc chuyển sang một bước phát triển mới về chất, vượt qua khủng hoảng”(9).
     Vùng đất Thăng Bình cũng như Quảng Nam mặc dù trải qua cuộc chiến giữa  nhà Lê, nhà Mạc, rồi hai thế lực Trịnh - Nguyễn (Đàng Ngoài - Đàng Trong) từ giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII chịu không ít lần tàn phá bởi chiến tranh, thế nhưng vùng đất Thăng Bình vẫn là đất tụ cư của lưu dân đến từ phía bắc .Và khi Nguyễn Hoàng lập dinh trấn Thanh Chiêm (1602) thì cùng với Điện Bàn, vùng đất này vừa là căn cứ địa vững chắc để đối đầu với họ Trịnh ở phía bắc, vừa là bàn đạp cho công cuộc mở rộng hậu phương về phía nam. Vùng cảng thị phía bắc huyện là Hội An cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII - nơi hội tụ của nhiều thuyền buôn và kiều dân ngoại quốc, trong đó có Nhật Bản, Trung Hoa..đã có tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - văn hóa của người Thăng Bình. Nhân tài,vật lực của vùng đất Quảng Nam - vùng Thăng Điện được các sử gia ghi nhận: “Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ... ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp”(10). Cư dân Việt vùng đông Thăng Bình ngoài nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, trồng khoai, trồng màu, thời kỳ này có thêm nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa khắp các nơi với nhiều chợ dọc sông Trường Giang, sông Kế Xuyên (hiện nay chỉ còn là con suối) như Chợ Trung Phường, Chợ Bà, Chợ Được, Tiên Đỏa, Kế Xuyên...Cư dân vùng tây phát triển các nghề thủ công như gốm, mộc, nề, đá ong, đá chẻ..., các nghề chế biến, khai thác lâm thổ sản, trao đổi hàng hóa với các huyện trong tỉnh qua các chợ như Hà Lam, Vinh Huy, Việt An...
     Ở thế kỷ XVII, XVIII địa bàn Thăng Bình đã giữ một vai trò quan trọng trong việc mở đất về phía nam và định hình lãnh thổ bởi Quảng Nam ngoài hình thế núi sông hiểm yếu, lại nằm chính giữa trục Quan lộ Nam - Bắc mà còn vì - kể từ phủ Điện Bàn đến Phú Yên - là cái kho nhân tài, vật lực hết sức hùng hậu. Quảng Nam trong đó có Thăng Bình là “bàn đạp” trong công cuộc mở nước, trong đó có việc chuẩn bị một lực lượng cư dân tiếp tục hành trình về phương nam khai thác vùng Đồng Nai, Gia Định sau này.
     Khi viết về vùng đất Thuận Quảng, sách “Ô châu cận lục” thời nhà Mạc có luận “Từ khi có trời đất, liền có ngay núi sông này, có ngay nhân vật này. Vì sau khi trời đất đã mở mang thì núi sông mới xuất hiện, núi sông đã có sẵn thì nhân vật mới sản sinh. Nếu không có núi sông thì không thấy rõ được cái công kiến thiết của trời đất, và không có nhân vật thì không thấy rõ được cái khí hun đúc của núi sông. Cứ xem thế thì biết nhân tài quan hệ ở phong thổ, mà phong thổ quan hệ ở khí vận, lẽ ấy đã rõ ràng lắm thay”(11). “Địa linh” sinh “nhân kiệt”. Người Thăng Bình kế tục truyền thống kiên cường, mưu trí, khả năng tương thích với hoàn cảnh khắc nghiệt của cha ông thời “mở đất”, “giữ đất” suốt trường kỳ lịch sử, vì thế đời tiếp đời, Thăng Bình là một trong những vùng văn vật của tỉnh Quảng Nam.
     Vùng đất văn hóa, lịch sử đặc sắc
     Đất Thăng Bình, theo tài liệu lịch sử cho biết vốn từng là kinh đô của người Chăm vì “năm 875 khi người Chăm chuyển đô từ Virapura-vùng đất nam Champa ra vùng đất phía bắc, họ đã định đô tại đây với tên kinh đô mới là Inđrapura. Cho đến nay chưa có sự giải thích được tại sao khi chuyển đô về vùng đất cũ người Chăm không sử dụng lại địa điểm kinh đô xưa Simhapura (Trà Kiệu) mà lại chọn địa điểm này”(12).Theo bia ký để lại ở Đồng Dương (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) cho biết: “Thành phố rực ánh hào quang của thành phố Inđra...sáng lên hoa sen trắng, tô điểm bằng những bông sen đẹp nhất, do Bhrgu lập nên từ xa xưa...gọi tên là Campa giữ ở đây hạnh vận vô địch của mình”(13). Tổng hợp các tư liệu cho ta thấy “trước tiên kiến trúc Đồng Dương thờ ba vị thần Bà la môn và các sakti của họ với quần thể kiến trúc bộ ba (hay bộ sáu). Đến thời điểm 875 sửa chữa lại thành tu viện Phật giáo, chuyển thành kiến trúc một tháp đồng thời vẫn bảo tồn một số đền thờ cũ cũng như tượng thờ cũ, hình thành cái mà G.Coedès gọi là thờ Siva-Bút đa (Civa-Buddha)”(14). Đồng Dương đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Chăm vì “chính ở đây vào thế kỷ IX ta thấy sự gặp gỡ những yếu tố văn hóa vùng Panduranga, nơi tộc Cau cư trú với những yếu tố văn hóa vùng Amaravati, nơi tộc Dừa cư trú. Chắc chắn hai tộc đã thông qua hình thức hôn nhân để thống nhất. Ta còn lại tư liệu về vua Cri Harivarman IV có mẹ thị tộc Cau, cha thị tộc Dừa là một trong những bằng chứng. Đồng Dương là nơi kết hợp Phật giáo với Bà la môn giáo thể hiện trong hình thức kiến trúc rõ rệt nhất và là nơi có niên đại 875 được các nhà nghiên cứu nhất trí thừa nhận”(15). Ngoài di tích Đồng Dương được xây dựng quy mô dài gần 2 km đã bị thời gian và chiến tranh hủy hoại nặng nề, Thăng Bình còn có mộ người Chăm ở Trà Sơn (Bình Trung), Hưng Mỹ (Bình Triều), Giếng Tiên (Bình Đào), có Bờ đập Hời ở Lạc Câu (Bình Dương)...
     Người Thăng Bình ở vùng đất mới đã linh hoạt trong việc dung hợp hai yếu tố văn hóa Việt – Chăm để hình thành nên một dấu ấn văn hóa đặc thù trong đó “có sự hỗn dung hình tượng người mẹ của quê hương cho phù hợp với những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Và rõ nhất, sự kết hợp giữa hình tượng nữ thần Pô Inư Nagar (Nữ thần Mẹ xứ sở) của người Chăm với Bà Chợ Được của người Việt, đã tạo nên một giá trị văn hóa chung cho hai tộc người”(16). Sự gặp gỡ giữa nữ thần Pô Inư Nagar và Bà Chợ Được còn rõ nét qua những sự tích lưu truyền trong dân gian như Bà Pô
Nổi bật
Mới nhất
Đất và người Thăng Bình trong lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO