Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình (15/4/1947 - 15/4/2024)
I. Quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành
1. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trước tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến có lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của tỉnh về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; công tác chuẩn bị kháng chiến được gấp rút triển khai trên tất cả các mặt từ huyện đến xã; công tác tư tưởng, tuyên truyền giải thích trong Nhân dân về chủ trương, chính sách, đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ được Đảng bộ thực hiện tích cực và sâu rộng. Chính phủ chuyển Ban Quân sự trực thuộc ủy ban kháng chiến tỉnh, huyện, xã thành Ban chỉ huy tỉnh, huyện, xã trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang có phân biệt rõ: Bộ đội chính quy, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ không thoát ly sản xuất. Trước tình hình đó, ngày 15 tháng 4 năm 1947, Huyện đội Dân quân Thăng Bình được thành lập và được xác định đây là ngày truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Thăng Bình. Khi thành lập Huyện đội, đồng chí Phạm Bính được cử làm Huyện đội trưởng, đồng chí Văn Diêu làm Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Tấn Vịnh (Hoàng Minh Thắng) làm Chính trị viên phó. Về sau, khi đồng chí Văn Diêu được cử giữ chức Bí thư Huyện ủy, đồng chí Hoàng Minh Thắng làm Chính trị viên Huyện đội. Huyện đội có 3 tiểu ban: Tiểu ban quân sự, Tiểu ban chính trị và Tiểu ban văn thư, quân sự.
2. Ngay sau khi mới ra đời, trước khí thế cách mạng sục sôi của Nhân dân và những diễn biến có tính nhảy vọt của phong trào cách mạng, để tăng cường sức mạnh chiến đấu, Huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành thành lập Ban chỉ huy xã đội, ngoài đồng chí xã đội trưởng, cấp ủy còn cử một đồng chí trong Thường vụ xã ủy đảm nhận chức vụ chính trị viên. Xã đội cũng được chia làm 2 tiểu ban: Tiểu ban quân sự và Tiểu ban chính trị.
Tháng 6/1947, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức hậu phương kháng chiến, chấn chỉnh LLVT, Đảng bộ huyện lãnh đạo xây dựng hậu phương làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng và chấn chỉnh LLVT địa phương từ huyện đến xã, thôn, thực hiện vũ trang toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, kháng chiến lâu dài để giành thắng lợi to lớn hơn.
Vừa củng cố tổ chức, xây dựng, vừa chiến đấu chống trả các cuộc tấn công lớn của giặc trong lúc chính quyền cách mạng đang còn ở thời kỳ trứng nước, LLVT huyện được trang bị vũ khí thô sơ, thiếu quân trang quân dụng, thiếu thuốc men, nhiều khi phải chịu cảnh đói cơm lạt muối, nhưng với phương châm hoạt động “Cơm áo ở trong dân, súng đạn ở trong đồn địch” và được sự lãnh đạo của Huyện uỷ, sự chỉ đạo của Tỉnh đội đã làm được vai trò nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, tiêu hao, tiêu diệt khá nhiều sinh lực địch.
Hưởng ứng Chỉ thị của Trung ương Đảng và lời kêu gọi “thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, LLVT huyện đẩy mạnh thực hiện các phong trào “luyện quân lập công”, “gây cơ sở, phá kỷ lục” giữa các cá nhân và đơn vị quân đội, dân quân, du kích với nhau, quyết vượt qua mọi khó khăn trước mắt, kiên trì trụ bám đánh địch ở vùng bị tạm chiếm, cùng với Nhân dân trong huyện diệt tề, trừ gian, bao vây đồn bốt, đánh phá giao thông, đánh bại những cuộc càn với quy mô lớn của địch; tạo được thế trận sâu trong lòng hậu phương của chúng, âm mưu “Chiêu an”, “Bình định”, lập tề của địch bị giậm chân tại chỗ.
Ngày 15/4/1948, đơn vị LLVT tập trung của huyện Thăng Bình được thành lập, do đồng chí Trần Đồng làm Trung đội trưởng, đồng chí Trần Văn Lý làm Chính trị viên, đồng chí Lê Hải Kế làm Trung đội phó. Do yêu cầu nhiệm vụ tác chiến bảo vệ vùng tự do trên địa bàn huyện; đầu năm 1949, huyện rút các đội viên du kích xã bổ sung vào LLVT, tập trung phát triển lên thành Đại đội bộ đội địa phương huyện, do đồng chí Trần Trại làm Đại đội trưởng, đồng chí Giang làm Chính trị viên, đồng chí Lê Thước làm Đại đội phó. Như vậy, từ đầu năm 1949, LLVT tập trung của huyện đã tổ chức đến cấp đại đội. Đây là LLVT cơ động của huyện, sẵn sàng đánh địch bảo vệ quê hương, cơ động chiến đấu theo yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, sẵn sàng bổ sung cho bộ đội tỉnh khi có lệnh.
Đầu năm 1953, Huyện đội Dân quân Thăng Bình có sự thay đổi về nhân sự. Đồng chí Phạm Bính - Huyện đội trưởng, đồng chí Hoàng Minh Thắng - Chính trị viên Huyện đội được trên điều động đi làm nhiệm vụ mới, đồng chí Ngô Tấn Phùng được cử giữ chức Huyện đội trưởng, đồng chí Vương Lư làm Chính trị viên Huyện đội. Về sau đồng chí Trần Ngọc Hồ thay đồng chí Vương Lư làm Chính trị viên Huyện đội.
Từ nửa sau năm 1953, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện trên địa bàn phát triển mạnh. Ngoài nhiệm vụ phục vụ cho kháng chiến tại địa phương, thanh niên nam, nữ Thăng Bình hăng hái xung phong lên đường phục vụ tiền tuyến. Năm 1953, trên một vạn lượt người tham gia đi dân công, làm đường giao thông và vận chuyển tiếp tế chiến trường với trên 30 vạn ngày công. Chỉ tiêu động viên thanh niên bổ sung cho lực lượng Liên khu 5 giao cho Thăng Bình năm 1953 là trên 200 người, song số người tình nguyện tòng quân đã lên tới 3.000 người. Đặc biệt trường trung học Thăng Bình 1 có lớp đã xung phong tham gia vào quân đội.
3. Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ở Thăng Bình, LLVT và dân quân, du kích liên tục bao vây diệt đồn bốt và những vị trí then chốt của địch trên địa bàn. Thực hiện phương châm đánh điểm, diệt viện, mở rộng vùng du kích, căng kéo quân địch, buộc chúng phải đối phó, không để địch tập trung quân đánh phá ra vùng tự do. Phát huy thắng lợi của chiến dịch Điện Biên phủ, quân và dân Thăng Bình càng ra sức củng cố lực lượng xây dựng thế trận, động viên nhân tài, vật lực cho kháng chiến, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần giành thắng lợi hoàn toàn.
Sau Hiệp định Giơnevơ, Thăng Bình là vùng tự do, hậu phương trực tiếp của chiến trường bắc Quảng Nam nên địch tập trung đánh phá ác liệt. Tiếp quản Thăng Bình chỉ một thời gian ngắn, ngày 04 tháng 9 năm 1954, Tiểu đoàn 611 bảo an của địch đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở Chợ Được giết chết 43 người dân, làm bị thương 23 người gây nên làn sóng căm thù Mỹ - Diệm, sự phản đối quyết liệt của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Đứng trước tình hình đó, tiếp thu Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chuyển cuộc đấu tranh của cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Cuối tháng 8/1959, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Ban Quân sự đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Trần Thận - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban và thành lập LLVT tự vệ, mỗi huyện, thị xây dựng 1 trung đội bộ đội địa phương làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, phát động chiến tranh du kích, bố phòng chống địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng. Cũng trong thời gian này, Tỉnh bổ sung cho Thăng Bình ba đồng chí: Ngô Thanh Dũng, Trần Anh Vũ, Phan Ngọc Giáo. Các đồng chí phân công về Thăng Bình từng bước thâm nhập xuống vùng tây, trung Quế Sơn và vùng trung, đông Duy Xuyên để tìm cách móc nối cơ sở, bắt liên lạc, xây dựng lại phong trào.
Đầu năm 1960, địch đánh phá ở nhiều nơi trong huyện và thực hiện chính sách “Tố cộng, diệt cộng”. Để hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh cách mạng, giữa năm 1960, tỉnh bổ sung các đồng chí Nguyễn Đức Bốn, Phan Dễ về Thăng Bình cùng với các đồng chí bổ sung trước đây tiếp tục móc nối cơ sở, tìm cách liên lạc, đưa tiếng nói của Đảng, của cách mạng về với Nhân dân, làm cho phong trào cách mạng của huyện chuyển sang thời kỳ mới.
Cũng cuối năm 1961, Tỉnh ủy chỉ định Ban cán sự huyện Thăng Bình gồm 5 đồng chí. Đồng chí Ngô Thanh Dũng làm Bí thư, các đồng chí Nguyễn Đức Bốn, Võ Châu (Danh), Trần Anh Vũ, Hoàng Niệm làm Uỷ viên Ban cán sự.
Đầu năm 1962, Tỉnh ủy tăng cường cho huyện một số cán bộ quân sự, chính trị. Ban cán sự huyện mở hội nghị cán bộ tại Na Sơn để quán triệt tình hình nhiệm vụ mới; xây dựng thực lực về mọi mặt, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ của huyện ở cánh tây, chống địch càn quét, dồn dân và công bố quyết định của Tỉnh ủy thành lập Huyện uỷ Thăng Bình. Huyện ủy Thăng Bình gồm 7 đồng chí, do đồng chí Ngô Thanh Dũng làm Bí thư. Đồng thời, thành lập Ban quân sự huyện, do đồng chí Trần Anh Vũ làm Trưởng ban kiêm Chính trị viên, đồng chí Tiến Dũng làm Phó ban, đồng chí Bân làm cán bộ tác chiến...
Ngày 26 tháng 2 năm 1962, Thăng Bình được tỉnh bổ sung một số cán bộ, chiến sĩ, huyện rút cán bộ, đảng viên và một số nòng cốt ở đội công tác thành lập Trung đội vũ trang của huyện. Trung đội lấy phiên hiệu là F111, gồm 14 đồng chí, đồng chí Bân - cán bộ tác chiến huyện làm Trung đội trưởng, đồng chí Phong làm Trung đội phó.
Tháng 9 năm 1962, Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương tỉnh vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà và mở rộng địa bàn hoạt động ra các xã Bình Lâm, Thăng Phước. Cuộc chiến đấu của bộ đội, du kích Thăng Bình, chống địch càn quét chiếm lại vùng giải phóng trong các chiến dịch “Bình Châu”, “Dân Chiến” diễn ra suốt năm 1963.
Tháng 3 năm 1963, thực hiện quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu, Ban Quân sự huyện Thăng Bình được đổi tên thành Ban chỉ huy Huyện đội Thăng Bình. Đồng chí Sơn (Diệm) làm Huyện đội trưởng, đồng chí Trần Anh Vũ - Thường vụ Huyện ủy làm Chính trị viên Huyện đội, đồng chí Hiếu (Ban) làm Huyện đội phó, đồng chí Doãn Dư làm Chính trị viên phó Huyện đội. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, Huyện đội thành lập Trung đội 2 và đến tháng 4 năm 1963 thành lập Đội Thọc sâu.
Tháng 9 năm 1964, trong cao trào mở rộng vùng giải phóng ở nông thôn, đồng bằng, Tiểu đoàn 70 và LLVT huyện vượt quốc lộ 1A xuống vùng đông, giải phóng xã Bình Dương. Trong vòng một tháng, ta tiến công tiêu diệt hàng trăm tên tề ngụy, ác ôn, phá tan chính quyền cơ sở của địch ở các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam, Bình Triều, Bình Phục. Nhân dân nhất tề nỗi dậy phá ấp chiếc lược, bung về quê cũ. Tiếp theo là cuộc đồng khởi giải phóng các xã vùng tây gồm Bình Lâm, Thăng Phước, Bình Lãnh, Bình Phú, Bình Trị; vây ép quân địch và buộc chúng quay về phòng thủ các xã dọc quốc lộ 1A. Cuối năm 1964, toàn huyện đã giải phóng được 13/20 xã và 2/3 số dân, tiêu diệt hơn 500 tên địch, thu hàng trăm khẩu súng các loại, kêu gọi hơn 200 người trong hàng ngũ của địch quay về với Nhân dân. Hơn 800 thanh niên của huyện đã lên đường nhập ngũ.
Sau giải phóng cánh đông, LLVT huyện được bổ sung quân số, ngoài 3 trung đội bộ binh, huyện còn thành lập thêm các đội (cối, công binh). Các bộ phận quân báo, thông tin cũng được bổ sung quân số, Ban chỉ huy xã đội có từ 2 đến 3 đồng chí. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chiến dịch xuân 1965, Tỉnh đội quyết định thành lập Đại đội bộ binh của huyện, mật danh V15. Ban chỉ huy Huyện đội khẩn trương điều động 3 trung đội (Trung đội F111, Trung đội 2, Trung đội 3) về biên chế đại đội. Ngày 10 tháng 01 năm 1965, tại Vinh Huy (Bình Trị), Đại đội V15 được công bố thành lập. Ban Chỉ huy Đại đội có 4 đồng chí (đồng chí Hiếu - Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng, đồng chí Doãn Dư - Chính trị viên phó Huyện đội kiêm Chính trị viên Đại đội, đồng chí Hồ Thuỳ - Đại đội phó, đồng chí Đồng - Chính trị viên phó Đại đội). Trực thuộc đại đội còn có một tiểu đội súng cối gồm 12 đồng chí.
Tháng 02 năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu mở chiến dịch Xuân, mang tên chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi. Địa bàn hoạt động chính của bộ đội chủ lực là khu vực tây Thăng Bình, giải phóng Vinh Huy, ép quân địch xuống sát quận lỵ Hà Lam. Để cứu nguy cho bọn địa phương quân, địch đưa sư đoàn 2 chủ lực ngụy có xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ mở cuộc hành quân lên dọc đường 16. Bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội huyện và du kích các xã chủ động tấn công một tiểu đoàn địch tại thôn Đồng Dương, xã Bình Định, 200 tên địch bị tiêu diệt, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 6 xe tăng, bọc thép.
Để tăng cường phát triển LLVT địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đầu tháng 8 năm 1965, Ban chỉ huy Huyện đội điều một số du kích các xã cánh đông và một số cán bộ trung, tiểu đội của V15 thành lập Đại đội bộ binh thứ hai của huyện với mật danh C8 và được biên chế 107 cán bộ, chiến sĩ. Trong thời gian này, các đơn vị vũ trang tập trung của huyện gồm có: 02 đại đội bộ binh (V15 và C8), Đội công binh, cối, quân giới; Tiểu đội Thông tin, Trinh sát; Trạm phẫu tiền phương.
Ngày 01 tháng 01 năm 1966, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức Đại hội liên hoan dũng sĩ diệt Mỹ toàn quân khu lần thứ nhất. Tại Đại hội này, LLVT huyện được vinh dự báo cáo điển hình và được tặng danh hiệu “Cao ngạn thành đồng”.
Ngày 19 tháng 5 năm 1966, thực hiện chỉ thị của trên, Huyện đội Thăng Bình điều động một số cán bộ, chiến sỹ các đơn vị và du kích các xã thành lập đơn vị Đặc công huyện, lấy biệt hiệu là 92, quân số gồm 60 đồng chí, đồng chí Lê Hữu Phước làm đội trưởng, đồng chí Phan Xự làm Chính trị viên (đến xuân năm 1968, đơn vị 92 đặc công được đổi tên thành Đội 1 đặc công huyện).
Tháng 7 năm 1966, du kích xã Bình Giang phối hợp với Đại đội V15 của huyện đánh bại một tiểu đoàn địch có 7 xe tăng đi kèm tại thôn An Giáo, diệt 60 tên, bắn cháy 2 xe, thu 12 súng các loại. Tiếp đến, ngày 17 tháng 01 năm 1967, du kích Bình Trị chặn đánh một đại đội Mỹ từ Núi Ngang càn xuống thôn 7, diệt 2 tên, làm bị thương 4 tên, bắn rơi một máy bay HU1A. Đến tháng 02 năm 1967, du kích xã Bình Dương, Bình Đào phục kích tiêu diệt 27 tên lính thủy quân lục chiến Mỹ, bắn cháy 1 xe tăng, thu 03 súng AR15, 01 súng M79.
Những năm 1969 - 1970, chiến trường huyện Thăng Bình trở nên cực kỳ khó khăn, ác liệt, địch tiến hành bình định ráo riết nông thôn, đồng bằng, xúc tát Nhân dân, cày ủi xóm làng và dùng bom pháo đánh phá suốt ngày đêm. Nặng nhất ở các xã vùng Đông. Tuy vậy, nhân dân ở đây vẫn kiên cường bám trụ. Nhiều khu vực trong các cuộc kháng chiến, địch không líp lại được như thôn 4 - Bình Dương, xóm dừa - Bình Giang, Linh Cang - Bình Phú, Cao Ngạn - Bình Lãnh,... Từ các căn cứ trụ bám này, bộ đội, du kích tạo bàn đạp tấn công các mục tiêu của địch. Cũng trong thời gian này, quân Nam Triều Tiên tàn sát 73 người già, trẻ em Bình Dương dưới 1 hố bom vì đồng bào quyết không vào khu dồn dân.
Năm 1972, bộ đội chủ lực tấn công giải phóng Hiệp Đức và một số xã cánh Tây của huyện. Các Tiểu đoàn 70, 72, 74 của tỉnh và các đơn vị của huyện thọc sâu xuống giải phóng các xã vùng Đông, sau đó Tiểu đoàn 72 và Đại đội V15 cùng du kích các xã Bình Dương, Bình Đào trụ bám đánh địch giữ vững “Căn cứ lõm” Bình Dương, diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 14 xe tăng, bắt sống 1 xe M113, đây là chiếc xe bọc thép đầu tiên bị bắt sống trên chiến trường huyện Thăng Bình. Không chiếm được “Căn cứ lõm” Bình Dương, ngày 25 tháng 12 năm 1972, Mỹ - Ngụy dùng nhiều tóp máy bay ném bom B52 đánh hủy diệt Bình Dương, làm chết 147 người dân. Được Tỉnh ủy cho phép, ngày 27 tháng 12, hơn một ngàn đồng bào Bình Dương cùng Tiểu đoàn 72 vượt sông Trường Giang, quốc lộ 1A lên vùng giải phóng,...
Sau Hiệp định Pari, các LLVT huyện Thăng Bình giữ vững quyết tâm chiến đấu, liên tục đánh địch bằng các hình thức, chiến thuật, tham gia chiến dịch tiến công năm 1974 mà đặc biệt là chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Các đơn vị của huyện và 2 Tiểu đoàn 70, 72 của tỉnh thọc sâu xuống vùng Đông đánh diệt hàng loạt chốt điểm như Đồi Hương, Mù U, miếu ông Mèo, Chợ Được, Đông Tác,... phá khu dồn, giải phóng hoàn toàn 6 xã, tạo bàn đạp tấn công thị xã Tam Kỳ từ hướng bắc và vây ép Hà Lam. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, ta từ các hướng đồng loạt nổ súng đánh địch giải phóng hoàn toàn huyện Thăng Bình.
Trải qua 21 năm chống Mỹ cứu nước, các LLVT nhân dân huyện Thăng Bình đã đánh 2.966 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 19.724 tên ngụy, 333 tên Mỹ, 154 tên Nam Triều Tiên, trong đó có 715 tên ác ôn, phản động, bắt sống 1.309 tên; bắn rơi 56 máy bay, bắn cháy 1.143 xe quân sự, trong đó có 128 xe tăng (kể cả những trận đánh phối hợp); bắn cháy 10 thuyền chiến đấu, đánh sập 158 lượt cầu cống; thu 10.825 khẩu súng, hàng chục tấn đạn dược, 397 máy thông tin các loại; phá banh 127 ấp chiến lược, 25 cơ quan hành chính xã, 1 phân chi cảnh sát; tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh chính trị với nhiều cấp độ khác nhau mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là xuân Mậu Thân năm 1968.
Với những thành tích đó, LLVT huyện đã được tặng thưởng 02 Huân chương Quân công Nhất, Nhì; 03 Huân chương Chiến công Nhất, Nhì, Ba; 122 Huân chương và Bằng khen trong chiến đấu và xây dựng; 08 lần được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng cờ Quyết thắng. Đặc biệt ngày 29/01/1996, được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho quân và dân huyện Thăng Bình, 17/22 xã, thị trấn tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân, trong đó có xã Bình Dương 2 lần được phong tặng anh hùng LLVT nhân dân, 1 lần anh hùng Lao động, Đại đội V15 và 26 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
4. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại trên mảnh đất Thăng Bình hậu quả nặng nề. Không một làng quê, thôn xóm nào tránh được sự đào bới của bom đạn. Nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, quân dân Thăng Bình đã không quản ngại gian nan, bền gan vững chí, chung sức, chung lòng, cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương giàu đẹp, trên con đường đi lên CNXH. Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện luôn biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra nhiều phong trào thi đua rộng khắp và đạt được nhiều thành tích to lớn; cùng với Nhân dân trong huyện thực hiện tốt phong trào khai hoang, phục hoá, tháo gỡ hàng vạn quả bom mìn giải phóng hàng nghìn ha đất canh tác cho dân.
Năm 1978, bọn phản động Pônpốt - Iêngxari gây chiến tranh biên giới Tây Nam; chấp hành quyết định của trên, huyện Thăng Bình cử một số cán bộ sĩ quan ưu tú lên đường chiến đấu, tuyển chọn hàng trăm thanh niên bổ sung cho các đơn vị ngoài mặt trận, góp phần cùng với quân dân cả nước làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa được LLVT huyện hưởng ứng tích cực, cùng với Nhân dân quy tập hàng nghìn hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang; công tác chính sách hậu phương quân đội đã được triển khai thực hiện chu đáo, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất mát của các gia đình và đối tượng chính sách. Tình hình ANCT - TTATXH luôn được giữ vững.
Trong những năm qua, với tinh thần vượt khó vươn lên, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện đã không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống trung dũng kiên cường trong chiến đấu. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên không ngừng được củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, đảm bảo độ tin cậy cao. Hằng năm, LLVT huyện đều hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao và giành được những thành tích đáng kể. Ngoài ra LLVT huyện luôn tích cực tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh, làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, tham gia các chương trình xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới,… được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân mến phục, tin yêu. Đặc biệt, năm 2012 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và 06 năm liền (2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023) được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và UBND huyện tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Nhìn lại chặng đường 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT huyện, chúng ta càng trân trọng, mãi mãi không quên và biết ơn sự lãnh đạo và chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, mà trực tiếp là Tỉnh ủy, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và Huyện ủy Thăng Bình, sự chi viện sức người, sức của của hậu phương miền Bắc XHCN; đặc biệt là huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá kết nghĩa; sự phối hợp hiệp đồng tác chiến của các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ, Quân khu, Tỉnh đội và các huyện bạn. Chúng ta vô cùng biết ơn sự giúp đỡ, cưu mang đùm bọc của Nhân dân trong huyện cùng với LLVT huyện từng bước đẩy lùi và đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù. Năm tháng sẽ qua đi, cuộc sống không ngừng tiến lên phía trước, nhưng lớp lớp cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện hôm nay và lớp lớp con cháu mai sau sẽ đời đời ghi nhớ các thế hệ cán bộ - chiến sỹ, lớp người hôm qua đã hiến dâng trí tuệ, mồ hôi, xương máu, cùng với những năm tháng đẹp nhất của một đời người để làm nên truyền thống của quê hương anh hùng.
II- Xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh trong thời kỳ mới
1. Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng nước ta. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh nguyện vọng chung của Nhân dân thế giới. Tuy nhiên xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, tranh chấp chủ quyền quốc gia trên biển, nhất là trên biển Đông; nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có thể gia tăng; chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệt lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi, với tính chất ngày càng phức tạp.
Đối với LLVT nhân dân ta, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là hết sức nặng nề. Trước mắt chúng ta có cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ đan xen cùng thách thức. Là một dân tộc từng trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt và tàn khốc, Nhân dân ta không có nguyện vọng nào tha thiết hơn, là được sống trong hoà bình và bình đẳng trong cộng đồng quốc tế, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để tiếp tục công cuộc đổi mới, đẩy mạnnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc Việt Nam. Đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững hoà bình là mệnh lệnh của cuộc sống, là đòi hỏi của lịch sử, là trách nhiệm, lương tâm của mỗi người Việt Nam nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện nói riêng.
2. Để xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng, giữ vững ANCT - TTATXH ở địa phương; mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện cần phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Tất cả vì sự phát triển của huyện nhà và vì hạnh phúc của Nhân dân. Tập trung thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, xây dựng sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiệm vụ của LLVT huyện chúng ta là phải thường xuyên mài sắc ý chí cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cùng với các lực lượng đập tan mọi hành động chống phá của kẻ thù, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã tốn bao nhiêu xương máu mới giành được.
Tập trung xây dựng LLVT huyện theo hướng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 855-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Cuộc vận động“Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; đảm bảo cho LLVT luôn luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ, sát với thực tiễn, khả năng trang bị và cách đánh của ta, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Coi trọng huấn luyện cả lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Tăng cường xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh, xây dựng cơ quan quân sự và LLVT địa phương vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; tập trung ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh; làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, tham gia các chương trình xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới,... qua đó củng cố tình đoàn kết gắn bó máu thịt quân dân, làm chỗ dựa vững chắc và làm nòng cốt cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
III. Thành tích đạt được
- Ngày 15/01/1976, Đại đội V15 lực lượng vũ trang huyện được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Ngày 29/01/1996, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho quân và dân huyện Thăng Bình.
- 17/22 xã, thị trấn được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có xã Bình Dương 02 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 lần Anh hùng Lao động).
- 26 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
- Có 216 cá nhân được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ bắn máy bay”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”, “Dũng sĩ quyết thắng” và hàng trăm cá nhân được khen thưởng các hình thức khác.
- 02 Huân chương Quân công Nhất, Nhì.
- 03 Huân chương Chiến công Nhất, Nhì, Ba.
- 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
- 125 Huân chương và Bằng khen các loại.
- 02 năm được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua xuất sắc (2020, 2021).
- 01 năm được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc (năm 2018).
- 03 năm được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng cờ thi đua xuất sắc (năm 2019, 2022, 2023) và danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đơn vị Tiến tiến.
- 01 năm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua xuất sắc (năm 2022).
- 06 năm liên tục được Ủy ban nhân dân huyện tặng Cờ thi đua xuất sắc khối các cơ quan Nội chính (năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023).
- 412 lượt đơn vị trực thuộc và 1.225 lượt cá nhân được khen thưởng trong phong trào thi đua Quyết thắng hàng năm.