Xây dựng Đảng

Diễn văn của Bí thư Huyện ủy Phan Công Vỹ tại Lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (04/9/1954 - 04/9/2024)

Admin 05/09/2024 16:15

Tối ngày 04/9, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (04/9/1954 - 04/9/2024). Cổng thông tin điện tử huyện Thăng Bình xin trân trọng giới thiệu diễn văn Lễ kỷ niệm của đồng chí Phan Công Vỹ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình.

2024_dienvankyniemhlcd.jpg
Đồng chí Phan Công Vỹ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình

Kính thưa đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam.

Kính thưa Mẹ Việt Nam Anh Hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện.

Kính thưa toàn thể đồng chí, đồng bào.

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 9 lịch sử và kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9; hôm nay, trên mảnh đất Bình Triều anh hùng và giàu truyền thống cách mạng, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (04/9/1954 - 04/9/2024) - một trong những chiến công khởi đầu chống quân xâm lược và bè lũ tay sai của Nhân dân huyện Thăng Bình vào giữa thế kỷ 20.

Lễ kỷ niệm là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân Thăng Bình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu, để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thay mặt cho Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN huyện Thăng Bình, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh tỉnh, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện, quý vị đại biểu khách mời và toàn thể đồng bào, đồng chí cùng các cháu học sinh những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Kính thưa toàn thể đồng chí, đồng bào!

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1954, sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nước ta tạm thời chia làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời chịu kiểm soát của Pháp. Đây là một thắng lợi vô cùng to lớn, Nhân dân ta hết sức phấn khởi, bạn bè năm châu vui mừng, nhưng đế quốc Mỹ không ký vào bản tuyên bố chung của Hiệp định, mưu toan chuẩn bị hất cẳng thực dân Pháp, trực tiếp nắm giữ quyền chính quyền Sài Gòn, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng.

Với thủ đoạn thâm độc đó, Mỹ - Diệm bất chấp những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Đông Dương, Hiệp định ghi rõ: "Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức vì lý do của họ trong chiến tranh và bảo đảm quyền tự do dân chủ của họ". Kẻ thù đã chà đạp lên pháp lý quốc tế. Bọn chúng đã gây ra nhiều vụ thảm sát tàn ác đẫm máu ở Mỏ Cày, Ngân Sơn, Cây Cốc, Vĩnh Trinh… Với chiêu bài "Diệt cộng, tố cộng". Đó là âm mưu thâm độc nhằm đàn áp các cuộc đấu tranh yêu nước của Nhân dân miền Nam lúc bấy giờ.

Thăng Bình là địa bàn có vị trí chiến lược về quân sự, kinh tế vô cùng quan trọng, là hậu cứ của các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên; là vùng tự do trong 9 năm kháng chiến. Sông Trường Giang là tuyến đường thủy thuận lợi kết nối với Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ. Ngày 01/9/1954, quân đội Liên hiệp Pháp tiếp quản Thăng Bình, chúng đem quân chiếm đóng Hà Lam, Chợ Được, Kế Xuyên, Tuần Dưỡng và bọn chúng đã có nhiều hành động dã man với đồng bào ta. Vào sáng ngày 04/9/1954, Đại đội 4, Tiểu đoàn 611 Liên hiệp Pháp dẫn một trung đội lính từ Chợ Được đến cầu Bàu Bàng (Bình Phục) ngang nhiên chặt phá dương liễu của Nhân dân để lót cầu cho xe quân sự của chúng đi qua.

Trước hành vi ngang ngược, chà đạp lên lẽ phải, chà đạp lên quyền lợi chính đáng của con người; ông Nguyễn Hề - người chủ có dương liễu bị chặt và một số quần chúng Nhân dân xung quanh khu vực cầu Bàu Bàng đã buộc bọn lính phải bồi thường thiệt hại. Với thái độ ngông cuồng và ngang ngược, tên chỉ huy trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 611 Liên hiệp Pháp không những không chấp nhận bồi thường thiệt hại mà còn hung hăng ra lệnh nổ súng. Hàng loạt người gục ngã trước mũi súng của bọn lính đánh thuê khát máu. Như thú dữ say mồi, bọn chúng tiếp tục ném lựu đạn, bắn đuổi theo những người còn sống sót, bị thương đang tìm chỗ ẩn nấp; người chết, người bị thương nằm chồng chất lên nhau, ngổn ngang ở đầu cầu và ven tuyến đường từ Bàu Bàng đến Chợ Được. Tiếng súng nổ liên hồi làm náo loạn cả vùng Hà Lam - Chợ Được. Sau khi gây ra vụ thảm sát đẩm máu; bọn lính vội vã rút chạy về Đồn ở Chợ Được. Phẫn nộ trước tội ác của kẻ thù, Nhân dân liền khiêng những người chết và bị thương đuổi theo bọn địch xuống đồn để đấu tranh.

Không khuất phục trước bạo lực của của kẻ thù, bất chấp mọi hiểm nguy, kể cả phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình; đồng bào Hà Lam, Tất viên, Ngọc Sơn, Chợ Được, Phước Châu, Vân Tây, Hưng Mỹ, Trà Đóa và các vùng lân cận kéo đến ngày càng đông hơn và đấu tranh ngày càng quyết liệt hơn.

Nghe tiếng súng nổ, chi bộ Đảng ở Ngọc Sơn, Tất Viên... kịp thời phát động quần chúng kéo đến hỗ trợ cuộc đấu tranh của Nhân dân, ngay sau đó, những nguời chết và bị thương đã được nhân dân khiêng để theo hàng và phủ cờ đỏ sao vàng lên người, tố cáo tội ác của địch. Lúc này quần chúng Nhân dân Chợ Được kéo lên hòa vào cùng đoàn biểu tình, đoàn người dài đến hàng trăm mét, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn giết người”,“ Nợ máu phải trả bằng máu”, “Yêu cầu thực hiện hiệp định Giơnevơ”. Cuộc đấu tranh lúc đầu mang tính tự phát, sau đó trở thành cuộc đấu tranh chính trị do Đảng lãnh đạo.

Cuộc đấu tranh tại Chợ Được đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhân dân từ các xã, huyện lân cận như Tam Kỳ, Quế Sơn, Tiên Phước...kể cả một số bà con Quảng Ngãi đi buôn bán ngoài Quảng Nam đã kéo tới hợp sức đấu tranh ngày càng đông, họ đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo bọn giết người; bồi thường cho người bị giết hại...”. Hết đợt này đến đợt khác, lúc đông nhất có hơn 5.000 người tham gia.

Lúc này, Huyện ủy Thăng Bình đang tổ chức một cuộc họp tại nhà ông Vương Thâm (ấp Bắc, xã Bình Đào) bàn về việc cử người đi tập kết và những người ở lại làm cơ sở cho cách mạng. Nắm bắt được tình hình, đồng chí Phan Tốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh, hướng cuộc đấu tranh đi đúng hướng, tránh để bị địch khiêu khích, lấy cớ để đàn áp Nhân dân ta. Về phía ta, vì quá phẩn nộ về tội ác dã man của địch, Nhân dân các xã Thăng Triều, Thăng Phước, Việt An,... các huyện Duy Xuyên, thị xã Hội An, Tam Kỳ lần lượt kéo đến, cô lập từng tên lính, vừa tranh thủ vận động binh lính ủng hộ cuộc đấu tranh, nhiều người đã tước vũ khí, bỏ cát vào nòng súng chất thành đống, cắt dây điện thoại liên lạc của địch.

Bọn địch cho máy bay ném lựu đạn vào đám đông quần chúng nhân dân đang đấu tranh, đồng thời rãi truyền đơn hăm dọa, bắt Nhân dân giải tán. Quân địch đóng ở Hà Lam được lệnh của tên Quận trưởng kéo xuống Chợ Được giải tỏa cho đơn vị đồn trú tại đây. Nhưng chưa đến nơi, chúng đã bị Nhân dân bao vây đấu tranh, buộc chúng phải quay về.

Ngày 5/9/1954, Nhân dân vẫn tiếp tục đòi chỉ huy đồn bồi thường nhân mạng, cứu chữa người bị thương. Nhân dân tranh thủ vận động từng người lính, dùng lẽ phải thuyết phục làm cho chúng nhận thấy được sai lầm tội lỗi và đồng tình với Nhân dân trong cuộc đấu tranh. Một số binh lính đã tìm cách bỏ trốn về quê hương, về với gia đình. Sau nhiều lần đại diện Nhân dân đấu tranh với chỉ huy đồn, hai bên đã đồng thuận lập kiến nghị lên Ủy ban Quốc tế, Tổ liên hợp đình chiến trên địa bàn Quảng Nam tại Dốc Sỏi (Núi Thành), quân địch đã cùng với bốn đại diện của quần chúng nhân dân đến Dốc Sỏi yêu cầu cơ quan có trách nhiệm đến hiện trường để giải quyết.

Ngày 6/9/1954, ta tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh buộc chỉ huy đồn phải chuyển 23 đồng bào bị thương đến bệnh viện Hội An cứu chữa và khâm liệm, an táng người đã chết ở phía Tây Chợ Được. Ta vận động bọn chỉ huy và binh lính quân đội Liên Hiệp Pháp ở Chợ Được làm bản kiến nghị và tố cáo tội ác của chúng. Đêm ngày 6/9 Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 611 Liên hiệp Pháp đưa quân từ Hà Lam xuống Chợ Được. 5 giờ sáng, ngày 7/9/1954, chúng nổ súng tấn công làm chết thêm 3 người nữa và bắt tất cả binh lính của đơn vị đồn trú tại Chợ Được về quận xét hỏi về tội bị Việt cộng đầu độc. Đại đội 4 - Tiểu đoàn 611 Liên hiệp Pháp tan rã. Qua 4 ngày đêm kiên trì, quyết liệt, buộc địch phải nhượng bộ và nhận tội lỗi trước Nhân dân, chịu chi phí cứu chữa người bị thương, chôn cất người chết và bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Thấy xu thế cuộc đấu tranh đã qua đỉnh điểm và thắng lợi, Huyện ủy Thăng Bình chủ trương vận động quần chúng Nhân dân tự giải tán để tránh sơ hở có thể diễn biến bất lợi cho cách mạng và thiệt hại về tính mạng của Nhân dân.

Trong cuộc đấu tranh này, 43 người dân vô tội đã bị địch giết hại, 23 người bị thương. Trước tội ác của kẻ thù và những mất mát đau thương của đồng bào ta, Nhân dân Thăng Bình càng nung nấu thêm ý chí đấu tranh, lên án hành động thảm sát dã man của địch, giữ vững cơ sở cách mạng và quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Kính thưa quý vị đại biểu, đồng bào và đồng chí!

Thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã thể hiện vai trò lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời và nhạy bén của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Thăng Bình, các chi bộ địa phương, nhờ đó đã phát huy được sức mạnh to lớn của lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Quảng Nam và huyện Thăng Bình. Đây là cuộc đụng độ đầu tiên của Nhân dân Thăng Bình với kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai bán nước; thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất của Nhân dân Thăng Bình trên trận tuyến chống quân thù.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã góp phần cùng với phong trào yêu nước của Quảng Nam và cả nước giáng đòn quyết định đầu tiên, công khai thách thức ý đồ xâm lược của các thế lực thù địch, hiếu chiến, làm cơ sở cho các cuộc đấu tranh của Nhân dân ta sau này.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã thôi thúc, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam vùng lên chống lại thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai; buộc thực dân Pháp phải thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Là điềm báo sự thất bại và sụp đổ của kẻ thù, là sự khởi đầu hun đúc các phong trào, các cuộc đấu tranh có quy mô lớn sau này như: đồng khởi Bến Tre, cuộc nổi dậy mùa Xuân năm 1968 và Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa đồng bào và đồng chí!

Trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động này, chúng ta thành kính tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng gửi đến các gia đình liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình có công cách mạng lời thăm hỏi ân cần và lời tri ân sâu sắc nhất. Chúng ta luôn luôn ghi nhớ và đời đời tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Để tri ân, tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh này; đồng thời nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, năm 1997, tại xã Bình Triều địa điểm diễn ra Cuộc đấu tranh đã được chính quyền và Nhân dân huyện Thăng Bình xây dựng Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được; đồng thời xây dựng Bia tưởng niệm cuộc đấu tranh tại cầu Bàu Bàng xã Bình Phục. Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của sự kiện; ngày 19/12/2014, di tích Địa điểm diễn ra Cuộc Đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa đồng bào và đồng chí!

70 năm qua, sau ngày diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thăng Bình đã đoàn kết, đồng cam cộng khổ một lòng trung thành với Đảng, vùng lên đánh Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, hậu quả chiến tranh để lại trên quê hương Thăng Bình hết sức nặng nề: đó là cảnh hoang tàn đổ nát, làng xóm xác xơ, ruộng đồng hoang hóa; kinh tế yếu kém, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn; nhưng với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thăng Bình đã phát huy truyền thống anh hùng, không ngừng đổi mới sáng tạo, đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, kiên trì phấn đấu, vượt qua những khó khăn, nỗ lực đưa Thăng Bình từng bước đi lên. Đến nay, sau gần 50 năm giải phóng quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Thăng Bình đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên một hình ảnh, diện mạo và một vị thế nhất định trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Là một huyện nông nghiệp thường xuyên thiếu lương thực từ những năm đầu giải phóng, tỉnh phải giúp trên hàng nghìn tấn gạo để bà con Nhân dân tạm ổn định cuộc sống, đến nay quy mô nền kinh tế tăng trưởng đáng kể, năm 2023, tổng giá trị nền kinh tế đạt trên 11.100 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ công nghiệp - xây dựng. Diện mạo nông thôn mới đã có nhiều khởi sắc, chương trình phát triển đô thị được quan tâm, thị trấn Hà Lam và Bình Minh từng bước chuyển mình và tạo được những dấu ấn nhất định. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đến cuối năm 2023, toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đến nay, đã có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhất là các tuyến giao thông, trọng điểm. Một số dự án nghỉ dưỡng, du lịch - dịch vụ tại vùng Đông và nhiều công trình trọng điểm được xây dựng đã tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế của huyện.

Nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc được coi trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/người/năm. Chương trình giảm nghèo được thực hiện quyết liệt và đã đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 2,27%. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục được phát triển. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học ngày càng được nâng lên.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người có công, đối tượng xã hội, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, người nghèo thực hiện tốt. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng củng cố và kiện toàn. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy. Đại đa số Nhân dân vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Tất cả những kết quả nêu trên là minh chứng rõ nét về sự sáng tạo trong lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm trong điều hành của chính quyền và sự chung tay góp sức, sự đồng thuận cao của Nhân dân.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa đồng bào và đồng chí!

Hôm nay, tại Lễ kỷ niệm thành kính thiêng liêng này, chúng ta bồi hồi xúc động và tưởng nhớ sự hy sinh của đồng bào, đồng chí vì độc lập tự do cho quê hương đất nước, chúng ta càng tự hào về những người con ưu tú của quê hương, về Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại. Phát huy tinh thần cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, chúng ta cần phải biết sống, học tập và làm việc đê xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông để có được ngày hôm nay; phải biết khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chúng ta nguyện sẽ chú trọng quan tâm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của các Mẹ Việt Nam Anh Hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước và luôn làm tốt công tác bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá tri Di tích lịch sử cấp Quốc gia Địa điểm diễn ra Cuộc Đấu tranh Hà Lam - Chợ Được để phục vụ công tác giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương.

70 năm trôi qua, tinh thần Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được vẫn luôn in đậm trong tâm trí của người dân Thăng Bình; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện nhà tiếp tục rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là hành trang, là sức mạnh vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thăng Bình tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, viết tiếp trang sử hào hùng và quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đây cũng là thời điểm mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thăng Bình đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thăng Bình, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Thay mặt lãnh đạo huyện, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí hãy tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phấn đấu thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030; phấn đấu xây dựng huyện Thăng Bình thành đơn vị hành chính là Thị xã Thăng Bình vào năm 2030; trước hết là hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đang tập trung chống phá thành quả cách mạng của Nhân dân ta, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, cùng với tỉnh Quảng Nam và cả nước quyết tâm xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kính thưa đồng bào, đồng chí!

Để hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng đưa Thăng Bình thành vùng động lực phát triển kinh tế xã hội Vùng Đông Nam của tỉnh; trong thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thăng Bình còn rất nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trước không ít khó khăn, thách thức. Nhưng tôi tin tưởng, với bề dày truyền thống cách mạng, cùng với những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xây dựng quê hương Thăng Bình ngày càng phát triển vững mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa toàn thể đồng chí, đồng bào!

Thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình, xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí cùng toàn thể bà con Nhân dân đã dành thời gian về tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được hôm nay.

70 năm đi qua, Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được mãi là mốc son chói lọi tô thắm trang sử vẻ vang của quê hương Thăng Bình anh hùng; biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước và mãi mãi là niềm tự hào của quê hương; khúc tráng ca tuyệt vời về ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù vì độc lập, hòa bình, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, âm vang ấy sẽ sống mãi trong tâm hồn bao thế hệ con em Thăng Bình, Quảng Nam.

- Tinh thần cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đời đời bất diệt!

- Dân tộc Việt Nam anh hùng muôn năm!

- Chủ tịch Hồ Chí Mình vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu khách mời, toàn thể đồng chí, đồng bào cùng các cháu học sinh lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

Nổi bật
Mới nhất
Diễn văn của Bí thư Huyện ủy Phan Công Vỹ tại Lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (04/9/1954 - 04/9/2024)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO