Văn hóa - Xã hội

Gặp gỡ người trực tiếp tham gia giải phóng quê hương Thăng Bình

Đình Hiệp - Giang Biên 28/03/2025 18:22

Tròn 20 tuổi ông Đỗ Ngọc Xướng (SN 1945 quê ở tỉnh Thanh Hóa) đã tình nguyện nhập ngũ cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ dải đất Miền Trung và làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, Camphuchia. Ngày 26/3/1975, quê hương Thăng Bình được hoàn toàn giải phóng, ông Xướng là người trực tiếp tham gia trận chiến ấy và đã chọn nơi đây để gắn bó ngót nghén nửa thế kỷ.

2025_gpqh_1.jpg
Ông Đỗ Ngọc Xướng kể chuyện ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam năm 1975.

Ba lô, tăng võng, bình đông hay ăng – gô là những kỷ vật đã gắn bó với ông Đỗ Ngọc Xướng suốt 20 năm chiến đấu ở mảnh đất miền Trung và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia.

Năm 1966, ông tình nguyện nhập ngũ sau khi đã hoàn thành chương trình học văn hóa tại Đoàn 22 Quân khu 4 (huyện Nông Cống). Từ đây, ông cùng đồng đội hành quân qua các tỉnh Quảng Trị, Huế, Quảng Nam để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt quá trình tham gia chiến đấu, ông Xướng được phong hàm Trung tá giữ chức Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 15 công binh, kết nạp Đảng năm 1968, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 16 Huân chương cao quý.

Trong thời binh nghiệp, ông Đỗ Ngọc Xướng đã tham gia đánh 121 trận lớn nhỏ, diệt 78 tên Mỹ, Ngụy; thu giữ 22 khẩu súng và nhiều loại vũ khí khác. Đối với giải phóng quê hương Thăng Bình, Tiểu đoàn của ông Xướng tham gia một trong ba mũi tấn công để giải phóng quê hương vào sáng ngày 26/3/1975. Ông Xướng kể, giải phóng xong Tam Kỳ, Trung đoàn 38 đã giải phóng Tuần Dưỡng. Ý định của cấp trên, giải phóng Thăng Bình trong ngày 25/3/1975, nhưng do bị sập cầu Kế Xuyên nên phải dừng lại để điều chỉnh lực lượng. Trong đêm 25/3, bắt đầu điều chỉnh lực lượng giải phóng quê hương Thăng Bình bằng ba mũi tấn công. Một mũi đi xuống phía đông của Kế Xuyên gồm có 10 xe tăng và xe thiết giáp, cùng với Tiểu đoàn 4 đi thọc hướng Đông Bình Trung ra Bình Phục, lực lượng công binh của tôi theo hướng này đi trước, cắm cờ, cọc để xe tăng đi qua và rà phá được 10 quả mìn.

Một mũi khác đi theo đường số 1 từ Tuần Dưỡng tấn công vào ngã ba Ngọc Phô, hướng ra Cây Cốc để triển khai đội hình. Hướng nữa từ Suối Châu – Bình Qúy theo hướng đường sắt đánh thọc vào trong.

“Đến sáng 26/3/1975 quê hương Thăng Bình được hoàn toàn giải phóng, thời điểm đó bọn lính Mỹ hoang man tháo chạy. Còn người dân ở lại rất ít bởi trước đó họ cũng đã di chuyển ra Đà Nẵng, sau đó mới quay về lại”- ông Xướng nhớ lại.

2025_gpqh_2.jpg
Những kỷ vật (Ba lô, tăng võng, bình đông hay ăng–gô) đã gắn bó với ông Đỗ Ngọc Xướng suốt 20 năm chiến đấu.

Là người trực tiếp tham gia vào công cuộc giải phóng quê hương Thăng Bình, những ngày này khi quê hương thứ hai tròn nửa thế kỷ được giải phóng, ông Đỗ Ngọc Xướng đã có mặt tại các Trường THPT, THCS để kể cho thế hệ trẻ về câu chuyện của Ngày giải phóng. Mong muốn tột bậc của một người Đảng viên 57 năm tuổi Đảng là thế hệ trẻ phải luôn khắc ghi, học tập để trở thành những người tử tế.

Thầy giáo Bùi Cao Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tiểu La cho hay, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Thăng Bình (26/3/1975-26/3/2025), trường đã tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu lịch sử địa phương, tham gia hội trạido huyện tổ chức. Đặc biệt trường đã phối hợp với Hội CCB huyện mời ông Đỗ Ngọc Xướng – Nguyên chủ tịch Hội CCB huyện, là nhân chứng lịch sử, người trực tiếp chỉ huy giải phóng quê hương Thăng Bình nói chuyện truyền thống để gần 1.000 học sinh được nghe về quá khứ hào hùng của cha ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Từ đó các em có nhận thức đúng và hành động thiết thực.

2025_gpqh_3.jpg
Buổi nói chuyện truyền thống tại Trường THPT Tiểu La (Thăng Bình).

Em Lê Ngọc Dung (lớp 12, Trường THPT Tiểu La) rất hào hứng tham gia buổi nói chuyện với nguyên chủ tịch Hội CCB huyện Đỗ Ngọc Xướng.

Dung nói: “Có buổi nói chuyện như thế, chúng em mới hiểu hết được quá trình đấu tranh, giải phóng quê hương của các bác, các cô chú. Chúng em cảm thấy tự hào, vinh sự và cố gắng học tập thật để trở thành một công dân tốt như bác Xướng dặn dò”

Bước ra từ chiến tranh với nhiều thương tích trên cơ thể, ông Xướng vẫn nhận mình là người may mắn, bởi đồng đội ông vẫn còn nhiều người nằm lại mãi mãi nơi chiến trường. Cũng chính vì đau đáu nổi niềm ấy mà bao năm nay ông cùng với nhiều gia đình liệt sĩ hành trình về lại chiến trường xưa để tìm kiếm thông tin, hài cốt đưa về đất mẹ.

Nổi bật
Mới nhất
Gặp gỡ người trực tiếp tham gia giải phóng quê hương Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO