Nông thôn mới

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm

Nguyễn Thành Long 06/06/2023 20:08

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, trên địa bàn xã Bình Đào, huyện Thăng Bình đã có nhiều mô hình sản xuất phát huy hiệu quả nhằm nâng cao đời sống sản xuất của người dân. Xác định tiềm năng lợi thế của địa phương, thời gian qua, MTTQ xã Bình Đào đã tích cực phối hợp chính quyền và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy lợi thế của địa phương. Nhiều mô hình sản xuất nấm rơm được hình thành thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của nông sản.

     Trong đó phải kể đến hộ gia đình anh Hồ Văn Thanh, trú tại tổ 14, thôn Vân Tiên, xã Bình Đào. Năm 2018 vợ chồng anh Hồ Văn Thanh đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua sắm máy gặt đập liên hoàn thuê thợ lái, ekip phục vụ để làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con nông dân xã Bình Đào và Bình Hải. Từ việc thu hoạch lúa, anh Hồ Văn Thanh tận dụng nguồn rơm có sẵn để sản xuất nấm rơm. Diện tích sản xuất lúa tại địa phương chiếm tỷ lệ cao, nguồn sản phẩm phụ như rơm, rạ dồi dào. Vợ chồng anh Hồ Văn Thanh mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm về đầu tư cơ sở thu mua rơm để sản xuất nấm. Ban đầu từ diện tích trại nấm rơm 50-100 m2  thì nay trại nấm rơm của anh Hồ Văn Thanh đã nhân rộng lên 500-600 m2 và đã đầu tư mua máy cuốn rơm trị giá gần 150 triệu đồng để giải phóng công đoạn mua rơm tươi, phơi, bó vận chuyển tốn khá nhiều lao động.

Ảnh: Anh Hồ Văn Thanh thu hoạch rơm để sản xuất nấm

 

     Kết quả từ mô hình sản xuất nấm rơm của anh giải quyết được 4-5 lao động trong gia đình với thu nhập ngày công khá ổn định. Ngoài ra mỗi tháng từ 2,5 đến 3 vụ là thời điểm gói rơm vô men, vô trại phải hợp đồng lao động từ 5-10 lao động, từ đó giúp cho bà con có việc làm, có thêm thu nhập.

Ảnh: Hoạt động sản xuất nấm rơm từ mô hình của gia đình anh Hồ Văn Thanh

 

     Về lợi nhuận,  mặc dù thị trường nông sản thực phẩm luôn biến động bất lợi, một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lúc khang hiếm nấm rơm có thể từ 170.000 đến 200.000 đồng/kg nhưng nhiều khi chỉ có 50.000 đến 70.000 đồng/kg cũng phải bán vì không thể để lại bảo quản được. Tuy vậy, hộ anh Hồ Văn Thanh vẫn duy trì sản xuất thường xuyên để giữ bạn hàng và anh cũng khẳng định nghề sản xuất nấm rơm luôn ổn định, thu nhập cao và còn giúp không ít bà con thường xuyên có thêm thu nhập.

Ảnh: Thu hoạch nấm rơm từ cơ sở của gia đình anh Hồ Văn Thanh

 

     Hiện nay ngoài việc sản xuất và cung cấp sản phẩm nấm rơm, hộ gia đình anh Hồ Văn Thanh còn là đầu mối cung cấp men giống để sản xuất các loại nấm sạch trên địa bàn huyện Thăng Bình cũng như các địa phương lân cận Duy Xuyên, Tam Kỳ... 

     Với bản chất người nông dân cần cù lao động và sáng tạo, từ điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đến nay kinh tế hộ gia đình anh Hồ Văn Thanh đã ổn định, con cái ăn học đầy đủ, được các cấp công nhận danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liên tục. Bên cạnh đó anh cũng được Hội Nông dân xã đề nghị các cấp công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện, tỉnh nhiều năm liền. Trong thời gian tới mô hình sản xuất nấm của hộ gia đình anh Hồ Văn Thanh cần được khuyến khích, tạo điều kiện để nhân rộng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trên địa bàn xã.

Nổi bật
Mới nhất
Hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO