Hội thảo lấy ý kiến về Tiền hiền Hà Lam để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh
Sáng ngày 15/2, UBND thị trấn Hà Lam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Tiền hiền Hà Lam để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND thị trấn, Phòng VH-TT và Trung tâm VH-TT và TT-TH huyện.
Tiền hiền Hà Lam nằm ở trung tâm làng Hà Lam xưa, thuộc xứ đất Lưu Minh, nay là khu phố 6, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Cũng như các công trình khác trong làng, năm 1947 cuộc “tiêu thổ kháng chiến”, nhà thờ Tiền hiền cũng bị tháo dỡ. Đến năm Ất Mùi (1955), nhân dân, các họ tộc trong làng tiến hành xây dựng lại. Nơi đây, trở thành chốn hội tụ mọi hoạt động của làng.
Năm 1998, trước tình hình nhà Tiền hiền bị hư hại, dột nát, Hội đồng bảo tộc Tiền hiền làng quyết định trùng tu với quy mô lớn hơn trước. Nhà thờ hiện nay có diện tích nền là 10 x17m, gồm 5 gian, hiên bao quanh 3 mặt, với 8 mái có cổ lầu, trên nóc gắn đôi rồng lớn theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt”.
Tại hội thảo, những vấn đề liên quan về mặt lịch sử, văn hóa của Làng Hà Lam xưa và nay, trong đó có Tiền hiền Hà Lam đã được thảo luận, trao đổi thẳng thắng trên tinh thần xây dựng cao. Riêng “Bản thảo lý lịch di tích” do tác giả Nguyễn Văn Hà biên soạn đảm bảo, hợp lý và rất thuyết phục.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Công Hùng - Trưởng Phòng VH-TT huyện Thăng Bình chia sẽ “được công nhận di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh là vinh dự của đia phương, nên việc lấy ý kiến lần này rất quan trọng để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp trên phê duyệt”.
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều mong muốn Tiền hiền Hà Lam sớm được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Công trình sẽ là một trong những địa điểm để giáo dục truyền thống lịch sử cho Nhân dân và thế hệ trẻ sau này của thị trấn Hà Lam.
Theo “Bản thảo lý lịch di tích” thì Làng Hà Lam đã ra đời trước thời điểm Lê Quý Đôn chép lại trong Phủ biên tạp lục (1776) hàng trăm năm, điều này cũng được minh chứng qua tư liệu gia phả. Gia phả của các tộc trong làng như tộc Võ Tấn, Võ Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đức, Nguyễn Công,.. đến nay cũng trải qua từ 16 đến 20 đời. Cư dân đã sống ổn định trên đất này cách đây khoảng 400 đến 500 năm. Làng Hà Lam xưa có nhiều công trình kiến trúc đa dạng, Đình làng Hà Lam, Bàu Hà Lam và cầu Hà Kiều, Đàn Tiên Nông, Nghĩa trủng Hà Lam và Nhà thờ Tiền hiền làng Hà Lam.