Hướng dẫn sản xuất đầu vụ đông xuân 2024 - 2025
Theo kế hoạch đến cuối tháng 12/2024 sẽ xuống giống trà đầu vụ sản xuất đông xuân 2024 - 2025. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng nên nhiều diện tích đất sản xuất có khả năng bị bồi lấp, kênh mương bị sạt lở; trên đồng ruộng ở hầu hết các địa phương hiện nay cỏ dại, lúa chét còn tồn lưu nhiều trên đồng ruộng... Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng và tạo điều kiện cho các đối tượng sinh vật gây hại bùng phát sau này.
Để vụ sản xuất đông xuân 2024 - 2025 đạt kết quả cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Nam yêu cầu các địa phương khuyến cáo người dân khẩn trương thu dọn lượng đất bồi lấp, chỉnh trang lại ruộng, kênh mương; thu dọn tàn dư thực vật, vệ sinh đồng ruộng, bón vôi và cày lật gốc rạ sớm nhằm cải tạo đất, đồng thời hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ, kết hợp diệt chuột và ốc bươu vàng. Công trình thủy lợi không cấp nước tưới cho sản xuất đầu vụ, vì vậy cần đắp bờ giữ nước để có nước làm đất trước khi gieo sạ.
Về thời vụ và cơ cấu giống, bà con cần thực hiện đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống của Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành. Nên sạ cùng trà, cùng loại giống trên từng cánh đồng để dễ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, dễ chăm sóc, thu hoạch và hạn chế sâu bệnh gây hại. Riêng đối với các giống dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn, mẫn cảm với thời tiết rét lạnh, trổ gặp mưa như BC15, Thiên ưu 8, TBR225, VNR20, HN6, Sơn Lâm 1, VN121..., ngay từ đầu vụ cần lưu ý bón phân chuồng, phân kali để giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu thời tiết bất lợi; các giống HT1, Bắc Thịnh, Đài Thơm 8 dễ bị nhiễm rầy, cần thường xuyên theo dõi để có biện pháp quản lý hợp lý.
Sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, tiền nảy mầm hoặc hậu nảy mầm thích hợp cho từng chân ruộng và đúng kỹ thuật. Để sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả, liều lượng và cách sử dụng phải tuân theo hướng dẫn trên nhãn thuốc; phun thuốc khi ruộng đủ độ ẩm; không hỗn hợp thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm để phun. Không phun thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ môi trường xuống dưới 200C.
Áp dụng kỹ thuật tưới “ướt - khô xen kẽ” theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe và tiết kiệm nước tưới.
Về diệt chuột, thời điểm hiện tại đang là thời gian chuyển vụ gieo trồng, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, chuột thường sống và gây hại tập trung trên một số khu vực nhất định như những vùng gò, đồi, bờ tre, bờ ruộng... Do đó, tổ chức diệt chuột ở những nơi này sẽ đem lại hiệu quả cao. Cần phát động toàn dân triển khai thực hiện, xác định khu vực lưu trú tậptrung của chuột; ra quân đồng loạt đào bắt, tìm kiếm các hang ổ chuột, hun khói, đổ nước... kết hợp đặt bẫy, bả ở những khu vực chuột thường xuyên qua lại. Để việc ra quân diệt chuột đạt hiệu quả cao và xuyên suốt cả vụ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch diệt chuột cho cả vụ để chủ động phòng trừ trong từng giai đoạn. Diệt trừ chuột hại phải mang tính cộng đồng và toàn diện, phải có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương.
Kết hợp với việc tổ chức ra quân diệt chuột cần tổ chức thu gom ốc bươu vàng và ổ trứng ở trên ruộng, ao, hồ, kênh mương, sông, suối… để tiêu diệt. Khi mật độ ốc trong ruộng quá cao, có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ. Lưu ý: Khi sử dụng thuốc trừ ốc, trong ruộng phải có nước (từ 3 - 5 cm) và giữ nước trong 3 ngày sau khi phun. Không trộn thuốc với giống lúa để sạ tránh thuốc tiếp xúc với mầm lúa, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm và khả năng sinh trưởng phát triển của cây lúa.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện kinh phí của địa phương, cần tổ chức tập huấn sớm cho nông dân về kỹ thuật sản xuất đầu vụ, tập trung vào các nội dung như: Vệ sinh, chỉnh trang đồng ruộng, cày lật đất sớm, đắp bờ giữ nước; bón lót phân hữu cơ hoai mục, vôi; lịch thời vụ, cơ cấu giống; kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ, tưới nước tiết kiệm; các biện pháp diệt chuột, ốc bươu vàng; hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả… để góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.