Hướng dẫn sản xuất và quản lý sinh vật gây hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Đến nay, cây lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 cơ bản đã gieo sạ xong, chỉ còn một số diện tích ở vùng trũng ven sông đang tiếp tục gieo sạ; rau màu các loại đang tiếp tục xuống giống.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lúa đại trà ở giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ, lúa trà sớm giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái; rau màu các loại giai đoạn phát triển thân lá, ra hoa, tạo quả. Đây là giai đoạn xung yếu của cây trồng, đồng thời cũng là giai đoạn dễ phát sinh các đối tượng sinh vật gây hại. Để chủ động trong công tác sản xuất và quản lý sinh vật gây hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam đã có thông báo hướng dẫn sản xuất và quản lý sinh vật gây hại cây trồng giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đối với cây lúa cần tỉa dặm và bón phân thúc kịp thời để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chú ý bón đủ và cân đối N - P - K. Áp dụng kỹ thuật tưới “Ướt - khô xen kẽ” ở giai đoạn lúa đẻ nhánh để tiết kiệm nước tưới và giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung. Những ruộng lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ gốc to hơn bình thường, cây đùn lại, lá thô cứng và ngọn bị xoắn hoặc những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ - vàng sinh lý thì cần thay nước từ 1 đến - 2 lần, sau đó bón bổ sung phân DAP (1 - 2kg/sào) và phun phân qua lá để lúa nhanh chóng hồi phục.
Về sinh vật gây hại, hiện nay, ốc bươu vàng đang gây hại trên lúa đại trà và sẽ tiếp tục gây hại trên lúa sạ muộn thời gian tới, cục bộ trên chân ruộng trũng sẽ có mật độ cao. Để hạn chế ốc phát sinh gây hại, tốt nhất nên áp dụng biện pháp thủ công: Diệt ổ trứng, nhặt, vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước và tiêu diệt. Khi mật độ cao có thể dùng một số loại thuốc đặc hiệu để phun trừ.
Đối với chuột thời gian tới, cần tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp như: Đặt bẫy bẫy lồng, bẫy kẹp, bẫy bán nguyệt... ; đánh bả bằng thuốc sinh học, sinh hoá (nên ưu tiên dùng bả sinh học). Khi đặt bẫy, bả cần chú ý đảm bảo an toàn cho người và động vật chăn thả.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng (RN,RLT) bà con cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện kịp thời sự phát sinh của RN, RLT, đặc biệt chú ý ở những chân ruộng, vùng lúa nước trời sạ sớm. Khi phát hiện RN, RLT mật độ cao có thể sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lúa nước trời ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, đây là thời điểm thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại mạnh trên đồng ruộng, đặc biệt đối với các giống nhiễm. Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện bệnh trên lá có tỷ lệ t 5% trở lên thì dùng các loại thuốc đặc trị để phun trừ. Ngoài ra, cần chú ý sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, bọ trĩ, ruồi đục nõn trên lúa sạ muộn; sâu phao trên chân ruộng trũng.
Đối với cây rau màu, tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương sản xuất diện tích còn lại. Tỉa dặm, định cây để đảm bảo mật độ phù hợp trên đồng ruộng. Bón phân thúc kịp thời, kết hợp với việc làm cỏ, lên luống, xới xáo phá váng nhất là sau mỗi đợt mưa để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Tùy từng loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng, chú ý tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển.
Về sinh vật gây hại, chú ý sâu keo mùa thu, đây là đối tượng sâu hại có khả năng phát sinh gây hại nặng trên cây ngô trong vụ Đông Xuân. Do vậy, đối với những địa phương có diện tích trồng ngô lớn, cần chủ động hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Sâu ăn lá, cắn thân (sâu xám, sâu xanh, sâu khoang...), khi mật độ thấp nên dùng biện pháp thủ công như: Thu bắt, ngắt ổ trứng... ; chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ khi sâu có mật độ cao phun khi sâu tuổi nhỏ . Có thể dùng các loại thuốc trị sâu sinh học để phun trừ.
Cạnh đó, bà con cần chú ý phòng trừ bệnh lở cổ rễ, bệnh giả sương mai trên cây họ bầu bí khổ qua, dưa leo; bệnh phấn trắng; bệnh héo rũ vi khuẩn. Đối với các loại rau đậu thực phẩm, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học và lưu ý thời gian cách ly của thuốc để sản phẩm rau thu hoạch đảm bảo an toàn.
Các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng, thực hiện tưới nước tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng ở giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán để phát hiện và phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời; vận động, tổ chức cho người dân ra quân đồng loạt để diệt chuột, ốc bươu vàng; thực hiện các quy tr nh kỹ thuật chăm sóc và phòng tr sinh vật gây hại cây trồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”.