Văn hóa - Xã hội

Khai mạc Lễ hội Cộ Bà Chợ Được năm 2023

Đình Hiệp - Minh Tân 02/02/2023 16:26

Sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội Cộ Bà Chợ Được đã chính thức được UBND xã Bình Triều, huyện Thăng Bình long trọng tổ chức vào ngày 31/1 và ngày 01/02/2023 (mồng 10 và 11 tháng Giêng) tại thôn Phước Ấm. Lễ hội đã thu hút rất đông du khách đến thăm quan.

Lễ rước cộ tri ân công đức của Bà Chợ Được

 

     Đến dự buổi lễ, có đồng chí Phan Công Vỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đ/c Lê Quang Hạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đ/c Võ Văn Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đ/c Nguyễn Đức Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, đ/c Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện, đ/c Phan Thị Nhi, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện và đồng đảo cán bộ và nhân dân xã Bình Triều.

Lãnh đạo huyện viếng hương tại Lăng Bà Chợ Được

 

     Lễ hội Cộ Bà Chợ được năm nay được Ủy ban nhân dân xã Bình Triều phối hợp với Ban trị sự Lăng Bà Chợ Được tổ chức gồm các họat động như: Lễ cúng Bà Chợ Được, Lễ Rước Cộ, hô hát Bài Chòi, lô tô, các hoạt động đua thuyền, bóng chuyền, chợ quê. Đặc biệt là Lễ rước Cộ Bà với 4 bàn cộ và 01 bàn xe hoa. 4 bàn cộ được dàn dựng theo 4 chủ đề như: Sơn Tinh Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút và Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. “Lễ hội gồm các phần chính gồm: Khoe sắc, tế lễ, lễ hội và rước Cộ”.

Nghi Lễ cúng Bà Chợ Được

 

     Ông Nguyễn Tấn Hòa, thôn Phước Ấm cho biết: “Lễ hội này có một ý nghĩa tâm linh rất lớn nhằm tưởng nhớ công đức của vị nữ thần đã có công tạo nên sự trù phú và sầm uất của làng Chợ Được ngày nay. Lễ rước Cộ Bà Chợ Được đi dọc các tuyến đường chính trên địa bàn xã Bình Triều. Người dân sinh sống 2 bên tuyến đường lập bàn thờ cúng, thắp hương khói trang nghiêm nhằm cầu mong một năm mới bình an, làm ăn phát đạt”. 

Bàn cộ Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950

 

Bàn cộ Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

 

     Theo truyền thuyết, Bà Chợ Được họ Nguyễn, tên Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh Dần (1800) tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khi sinh ra, Bà có những điểm khác lạ, là con nhà giàu có, đẹp người, đẹp nết, được nhiều người yêu mến, quý trọng… Bà mất ngày 19 tháng 1 năm Đinh Sửu (1817), dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm 1852 bà hiển linh tại làng Phước Ấm hóa thân thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tưởng nhớ công đức Bà đã sáng lập nên chợ Được. Hằng năm vào ngày 11 tháng Giêng Âm lịch,  làng Phước Ấm tổ chức lễ cúng Bà.

Bàn cộ Phù Đổng Thiên Vương

 

Lễ rước cộ thu rất đông người dân và du khách đến xem

 

     Ông Nguyễn Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết hi vọng lễ hội sẽ mang đến cho tất cả người dân một tinh thần mới, khí thế mới, một không khí lao động hăng say mới góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hô hát Bài Chòi

 

     Nằm trong các hoạt động thuộc Lễ hội Cộ Bà Chợ Được, tại đây còn diễn ra các hoạt động như hô hát Bài Chòi, lô tô, các hoạt động đua thuyền, bóng chuyền, chợ quê. Riêng ngày hội “Chợ quê” với sự tham gia của 15 gian hàng ẩm thực và 14 gian hàng.

Không gian “Chợ quê” thu hút rất đông du khách đến thưởng thức

 

     Tại sông Trường Giang đã diễn ra giải đua thuyền truyền thống với sự tham gia của 7 đội đến từ các huyện Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hòa Vang (Đà Nẵng) và các đội đua của huyện Thăng Bình… Giải đua thuyền lần này đã cống hiến cho khán giả một trận tranh đua hấp dẫn và đẹp mắt. Giải nhất thuộc về đội đua thuyền Duy Tân (Duy Xuyên), nhì Đại Lãnh (Đại Lộc), ba Cà tang (Nông Sơn) và khuyến khích xã Bình Giang (Thăng Bình).

Đua thuyền trên sông Trường Giang

 

     Lễ hội Cộ Bà Chợ khép lại tối ngày 2/2 với phần Lễ rước Cộ Bà Chợ Được tại thị trấn Hà lam, huyện Thăng Bình. Năm 2014, Bộ VH-TT&DL công nhận lễ hội cộ Bà Chợ Được là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nổi bật
Mới nhất
Khai mạc Lễ hội Cộ Bà Chợ Được năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO