Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng cầu vượt đường sắt
Chiều ngày 18/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng, cùng các sở ngành liên quan của tỉnh đã đến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng khu vực cầu vượt đường sắt qua xã Bình Quý (Thăng Bình).
Theo báo cáo từ huyện Thăng Bình, đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường được 45 hộ (48 thửa) với tổng số tiền trên 10,5 tỷ đồng. Hiện có 19 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Có 39/59 hộ có đơn xin thu hồi phần diện tích ngoài vệt GPMB, bố trí lại đất TĐC. Huyện Thăng Bình đã tổ chức bốc thăm bố trí tái định cư cho 15 hộ tại khu dân cư tổ 3,4 thôn Quý Thạnh 1. Thời gian đến, huyện Thăng Bình tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng khu vực phía nam cầu vượt đường sắt. Hoàn chỉnh hồ sơ bảo vệ thi công 1 trường hợp và cưỡng chế đối với 12 trường hợp đã phê duyệt phương án nhưng không chấp hành và bàn giao mặt bằng, các hộ thuộc phía nam cầu vượt. Dự kiến đến quý I/2025 huyện Thăng Bình bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Cục trưởng cục đường bộ Việt Nam cho rằng, nếu đến quý 1/2025 mới bàn giao mặt bằng e rằng dự án sẽ chậm tiến độ. Vì theo kế hoạch khu vực cầu vượt đường sắt phải triển khai thi công xong tháng 9/2025. Huyện nên cùng với lãnh đạo tỉnh có buổi nói chuyện với người dân để tuyên truyền, vận động thêm. Dự án hoàn thiện đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả vùng. Do đó người dân cũng cần đồng thuận chủ trương chung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng yêu cầu huyện tập trung nguồn lực giải phóng bằng cả hai khu vực bắc và phía nam cầu vượt. Hiện nay tỉnh đã thống nhất chủ trương mở rộng đường gom từ 3,5m lến 5,5m để trồng cây xanh và công trình phụ trợ đảm bảo ổn định cho các hộ dân tái định tại chỗ. Việc áp giá đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng áp dụng chung cho toàn tỉnh, không thiên vị. Do đó người dân cần đồng thuận chủ trương, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Phó Chủ tịch IBND tỉnh Trần Nam Hưng đề nghị huyện Thăng Bình đến ngày 25/12 phải công khai phương án bồi thường toàn bộ khu vực cầu vượt đường sắt. Huyện dành một tháng sau để tuyên truyền, vận động giải thích cho các hộ hiểu, đồng thuận. Nếu các hộ cố tình không bàn giao mặt bằng thì cưỡng chế toàn tuyến.