Lấy ý kiến cử tri thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp xã: Tỷ lệ đồng ý hơn 95%
Sáng ngày 12/5, 4 địa phương gồm Bình Chánh, Bình Phú, Bình Định Nam và Bình Định Bắc đồng loạt tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023- 2025 tại 14 nhà văn hoá thôn với 14.061 cử tri của 5.352 hộ đủ 18 tuổi tham gia. Đa số cử tri ở các xã thuộc diện sáp nhập đều đồng thuận cao với chủ trương này.
Tại xã Bình Định Nam, có 3.419 cử tri thuộc diện lấy ý kiến. Theo quan sát của chúng tôi, ở 3 điểm thôn, cử tri đi dự rất sớm và đông đủ. Đến dự, còn có đồng chí Lê Quang Hạt, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy; Hồ Văn Minh, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Đoàn Văn Tùng- Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy.
Tại hội nghị các đại biểu đều thống nhất cao với chủ trương sáp nhập xã. Ông Nguyễn Quang Mới, thôn Châu Xuân cho rằng việc sáp nhập hai xã lại với nhau cần tạo thuận lợi về giải quyết thủ tục hành chính và điều chỉnh giấy tờ của công dân. Ngoài ra, việc sắp xếp các đơn vị trường học, Trạm y tế cũng cần phù hợp, tạo thuận lợi cho việc đi lại của học sinh và người dân trong xã; việc bố trí sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập, nhất là cán bộ không chuyên trách cần có sự tính toán hợp tình, hợp lý.
“Vì sự phát triển chung của địa phương, tôi đồng ý 100% về chủ trương này”. Ông Mới nói.
Tính đến 1 h trưa ngày 12/5, cử tri của xã Bình Định Nam thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo thống kê, có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đồng ý đạt tỷ lệ cao (96,46%).
Còn tại xã Bình Định Bắc, 3.680 cử tri của 3 thôn An Thái, Xuân Thái và thôn Đồng Dương trực tiếp tham gia bỏ phiếu bày tỏ ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2023 – 2025.
Tham dự hội nghị lấy ý kiến cử tri tại thôn Đồng Dương có bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện lãnh đạo xã Bình Định Bắc, các thành viên của tổ công tác lấy ý kiến của huyện và đông đảo cử tri 7 tổ của thôn.
Lần lấy ý kiến cử tri về về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2023 – 2025 xã Bình Định Bắc có hơn 1.400 hộ với hơn 3700 người độ tuổi từ 18 trở lệ. Trong số danh sách cử tri thuộc diện lấy ý kiến có người là sinh viên và người lao động đang đi học và làm ăn ở xa. Theo quy định về việc lấy ý kiến này, bà con cử tri phải là người trực tiếp ghi phiếu, ký vào danh sách tham gia bỏ phiếu. Vì vậy, những ngày trước khi bỏ phiếu, ngành chức năng và chính quyền địa phương Bình Định Bắc đẩy mạnh công tác thông báo, tuyên truyền đến người thân trở về địa phương ngay trong ngày lấy phiếu cử tri.
Tính đến 11h trưa ngày 12/5, xã Bình Định Bắc đã hoàn thành xong việc lấy ý kiến cử tri, với 3.680 cử tri tham gia bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 99%, trong đó, 99,44% cử tri đồng ý với đề án sáp nhập toàn bộ xã Bình Định Bắc và xã Bình Định Nam để thành lập ĐVHC mới là xã Bình Định.
Thôn Lý Trường (xã Bình Phú) có số lượng cử tri nhiều nhất trong 14 thôn thuộc 4 xã sáp nhập đơn vị hành chính với 701 hộ có 1.736 cử tri đủ 18 tuổi tham dự lấy ý kiến.
Ông Hóa cho hay: Đây là chủ trương của Đảng, nhà nước do đó cử tri chúng tôi rất đồng tình. Tôi mong muốn, sau sáp nhập, bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề ra nhiều hướng đi mới, thực chất hơn để đưa bộ mặt nông thôn phát triển, thu nhập của người dân tăng cao.
Bình Phú đồng thời có 1 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo quy định. Hiện địa phương có diện tích tự nhiên 28,19km2 đạt 52,6%, quy mô dân số hiện tại 4.644 người đạt 92,8%. Vì vậy thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2025-2030. Tuy nhiên xã Bình Phú là đơn vị liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính khi thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính nên triển khai thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Phú, cơ bản người dân xã Bình Phú tham dự và lấy ý kiến đầy đủ. Cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Điều 13 Nghị định số 54 ngày 16/4/2018 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
“Đối với những trường hợp không đến trực tiếp tại các điểm lấy ý kiến, các tổ công tác tiến hành rà soát lại, sau đó tổng hợp danh sách, giao nhiệm vụ cho các tổ tự quản xuống từng nhà để thực hiện việc lấy ý kiến. Chúng tôi ưu tiên cao nhất đối với các trường hợp bệnh tật, không đi lại được thực hiện trước, sau đó đi các hộ khác”- Ông Hải nói.
Còn tại xã Bình Chánh, 4 thôn trên địa bàn đã đồng loạt tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Trong đợt này, BÌnh Chánh có 3.800 cử tri ở 1.450 hộ gia đình thuộc diện lấy ý kiến.
Ngày lấy ý kiến cử tri vào chủ nhật, nên mọi công việc diễn ra thuận lợi, nhân dân phấn khởi tham gia lấy ý kiến, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định. Một số hộ gia đình, cử tri do công việc sản xuất, kinh doanh nên các tổ lấy ý kiến đã chủ động lấy phiếu ngay từ sáng sớm ngày 12 tháng 5.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm bắt lộ trình và các bước triển khai thực hiện của việc sáp nhập trên địa bàn, nên việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã nhận được sự đồng tình ủng hộ. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn các xã được tổ chức công khai, minh bạch và dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, được bà con nhân dân, cử tri đồng tình ủng hộ, thống nhất cao.
Tính đến trưa ngày 12/5, cử tri của 4 xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo thống kê, tỷ lệ cử tri đồng ý chiếm hơn 95%. Trong đó cụ thể Bình Phú (99,87%); Bình Chánh (95,2%); Bình Định Bắc (98,44%); và Bình Định Nam (96,46%).
Theo đề án, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Chánh vào xã Bình Phú, lấy tên xã Bình Phú, nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới UBND xã Bình Phú; Sáp nhập bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Định Bắc và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Định Nam, lấy tên gọi là xã Bình Định, nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới UBND xã Bình Định Bắc hiện nay. |