Dự thảo Thông tư này quy định về trình tự đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú; xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; hủy bỏ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; tách hộ; xác nhận thông tin về cư trú; khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú; tiếp nhận thông báo lưu trú, tiếp nhận khai báo tạm vắng.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trong đăng ký cư trú
Dự thảo nêu rõ việc thực hiện đăng ký, quản lý cư trú phải đảm bảo nguyên tắc thực hiện nghiêm túc, đúng các nội dung theo quy định của Luật cư trú, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trong đăng ký cư trú; trường hợp một người có nhiều điều kiện đăng ký cư trú, thì cán bộ hướng dẫn công dân nộp hồ sơ theo điều kiện thuận lợi nhất đối với họ.
Dự thảo quy định, cơ quan đăng ký cư trú tiếp nhận bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. Trường hợp người yêu cầu đăng ký cư trú nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó.
Trường hợp hồ sơ rõ ràng, đầy đủ, không vướng mắc, không cần xác minh thì giải quyết trong thời hạn nhanh nhất.
Trường hợp người già, yếu, tàn tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt không thể đến nơi làm thủ tục đăng ký cư trú, trong hộ gia đình không có người đại diện đến nộp hồ sơ đăng ký cư trú được, thì lãnh đạo đơn vị quyết định cử cán bộ đến gặp trực tiếp để xem xét, giải quyết.
Sau khi thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú phê duyệt đồng ý giải quyết đăng ký cư trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, hủy bỏ kết quả đăng ký cư trú, gia hạn tạm trú, cán bộ đăng ký có trách nhiệm cập nhật thông tin công dân vào cơ sở dữ liệu cư trú.
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú
Dự thảo cũng quy định cụ thể việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú tại bộ phận tiếp dân của cơ quan đăng ký cư trú và tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú từ cổng dịch vụ công.
Cụ thể, tại bộ phận tiếp dân của cơ quan đăng ký cư trú, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú, kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện theo quy định sau:
1- Đối với hồ sơ đủ điều kiện, thủ tục (hồ sơ hợp lệ):
a- Tiếp nhận hồ sơ;
b-In, cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đăng ký cư trú cho công dân.
2- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thủ tục hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.
3- Trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì cán bộ đăng ký phải lập Phiếu hướng dẫn thủ tục giải quyết đăng ký cư trú. Trong đó nêu rõ các loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện. Sau khi công dân bổ sung đầy đủ hồ sơ thì thực hiện theo quy định.
4- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện đăng ký cư trú thì không tiếp nhận, đồng thời lập và chuyển Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết đăng ký cư trú cho công dân, trong đó nêu rõ lý do không tiếp nhận.
Ngoài ra, hồ sơ đăng ký thường trú của công dân gửi yêu cầu từ cổng dịch vụ công sẽ được chuyển tới cơ quan đăng ký cư trú. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra, đối chiếu các thông tin, tài liệu mà công dân đã cung cấp trên cổng dịch vụ công với các quy định của pháp luật về cư trú và thực hiện theo quy định.