Lễ hội văn hóa- thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023: Cơ hội quảng bá tiềm năng phát triển du lịch
Thăng Bình là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với những cảnh quan thiên nhiên đẹp và còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống độc đáo của miền quê xứ Quảng. Thăng Bình có khoảng 25 km bờ biển đẹp chạy dài từ Bình Dương, qua Bình Minh, Bình Hải đến Bình Nam. Có con sông Trường Giang thơ mộng và nơi đây còn lưu giữ những làng nghề truyền thống, những lễ hội văn hóa đặc sắc như Lễ hội cầu ngư, hát Bả trạo, Rước Cộ Bà Chợ Được… rất thuận lợi để phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Thăng Bình còn có di tích cấp Quốc gia đặc biệt, di tích cấp Quốc gia, Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, di tích cấp tỉnh và rất nhiều di tích văn hóa lịch sử khác hiện đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị các cấp công nhận. Thăng Bình có những Làng nghề truyền thống như làm hương ở Hà Lam, trồng rau ở Hưng Mỹ (Bình Triều), đặc biệt là Làng nghề Nước mắm Cửa Khe, xã Bình Dương. Nơi đây được xem là Làng nghề nước mắm truyền thống lâu đời nhất của Quảng Nam.
Nói về Làng nghề nước mắm Cửa Khe, thì đây là nơi có những điều kiện, tiềm năng lớn để phát triển du lịch nhất, đặc biệt là du lịch sinh thái. Với hơn 60 hộ dân làm nghề, nằm ở vị trí thuận lợi có đường đường Võ Chí Công (từ TP.Hội An đến sân bay Chu Lai, Núi Thành) chạy qua, dễ dàng kết nối với các điểm đến và tour tuyến Hội An- Mỹ Sơn hay Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng chài miền biển.
Anh Võ Nguyên Tùng – Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe cho biết, làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe đã tồn tại cả trăm năm qua, nổi tiếng trong câu ca dao "Nhất mắm Cửa Khe - Nhì chè An Phú". Nghề nước mắm không chỉ là kế sinh nhai mà còn gắn liền với cuộc sống của người dân trong tình làng nghĩa xóm và trở thành nét văn hóa trao truyền đời này qua đời khác. Tuy nhiên, làng nghề muốn phát triển bền vững thì phải gắn với du lịch cộng đồng dựa trên những tiềm năng, lợi thế.
Theo anh Tùng, ngoài thuận lợi khi nằm trên tuyến kết nối du lịch miền Trung, Làng Cửa khe còn sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch phong phú: "Làm du lịch chúng tôi vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của làng nghề miền biển như sử dụng thuyền thúng, lễ hội cầu ngư, lễ cúng tổ nghề, hát bả trạo, các món ăn dân dã truyền thống… Đặc biệt nơi đây còn một bãi biển đẹp hoang sơ.
Nhằm kích cầu du lịch cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa miền biển, huyện Thăng Bình sẽ tổ chức “Lễ hội văn hóa, thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023” diễn ra từ ngày 31/3 đến 02/4/2023 tại bãi biển thôn Duy Hà, xã Bình Dương với sự tham gia của nhân dân và cán bộ của 04 xã biển (Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải và Bình Nam).
Tại đây, sẽ diễn ra các hoạt động như cắm trại, trưng bày giới thiệu sản vật đặc trưng văn hóa miền biển, sản phẩm OCOP địa phương, hát Bả trạo và lễ cầu ngư, liên hoan nghệ thuật và văn nghệ quần chúng, chương trình nghệ thuật do Hội đồng hương Thăng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn và các hoạt động khác như trò chơi lớn, lắc thúng nam, thi đan lưới, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ bãi biển, kéo co nam-nữ phối hợp, thi dân vũ, múa hát tập thể, thi các trò chơi nhỏ…
Nói về tiềm phát triển du lịch của Thăng Bình, đặc biệt là tại các xã ven biển , bà Phan Thị Nhi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện kiêm Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết: Du lịch Thăng Bình sẽ tập trung vào 4 nhóm sản phẩm gồm: du lịch biển; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chữa bệnh, trãi nghiệm; du lịch làng nghề truyền thống, làng quê và ẩm thực; du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng. Đặc biệt, huyện sẽ làm tốt công tác quy hoạch, dự báo về quy mô, mức độ phát triển du lịch tại từng thời điểm, dựa vào nguồn lực và tiềm năng sẵn có. “Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hóa và đặc biệt là giải quyết lao động và tăng thu nhập cho người dân địa phương.” Bà Phan Thị Nhi nói
Lễ hội văn hóa, thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 31/3 đến 02/4/2023 tại bãi biển thôn Duy Hà, xã Bình Dương. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm phát huy truyền thống của ngư dân ven biển; tạo không khí vui tươi; tôn vinh những giá trị đặc trưng, bảo tồn các loại hình văn hóa, thể thao truyền thống, tăng cường tình đoàn kết. Lễ hội còn là dịp để quảng bá tiềm năng du lịch biển của Thăng Bình.