Mặt trận huyện Thăng Bình tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội
Thực hiện Quyết định số 217, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH). Trong 5 năm (2019 – 2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Thăng Bình luôn đẩy mạnh thực hiện và nhận được sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan liên quan nên việc triển khai khá đồng bộ, tích cực, từng bước đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, ngay từ đầu năm MTTQ và các đoàn thể CT-XH từ huyện đến cơ sở đã chủ động lựa chọn những nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm; bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện để đề xuất nội dung giám sát, góp ý phù hợp.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì phối hợp cùng với các tổ chức CT-XH xây dựng kế hoạch giám sát trình Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt. Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp trong huyện đã phối hợp chủ trì tổ chức 218 cuộc giám sát. Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương phát hiện một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, kịp thời kiến nghị với HĐND, UBND các cấp và các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý, đem lại hiệu quả thiết thực; qua đó, đáp ứng nguyện vọng và tạo niềm tin trong Nhân dân, được nhân dân đồng tình cao.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội… Hoạt động giám sát dần trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, trọng điểm và có tác động thực tế, khẳng định vai trò chủ chốt của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc bảo đảm việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Hoạt động phản biện xã hội được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả hơn. Trong nhiệm kỳ qua, đã tổ chức 79 hội nghị phản biện. Tại các hội nghị phản biện có sự tham gia của các chuyên gia, những người am hiểu pháp luật về các lĩnh vực liên quan và thành viên các Ban Tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Thông qua các ý kiến phản biện đã góp ý bổ sung hoặc kiến nghị thay đổi, bãi bỏ những nội dung không phù hợp nhằm đảm bảo các văn bản ban hành có tính khoa học, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Các ý kiến phản biện được gửi cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoàn chỉnh Đề án trước khi trình cơ quan chức năng ban hành.
Hoạt động góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Mặt trận huyện chú trọng thực hiện. Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện chủ trì tổ chức 704 Diễn đàn Nhân dân với nội dung góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, góp ý xây dựng lực lượng Công an, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Qua các diễn đàn, các ý kiến góp ý của Nhân dân đã thể hiện tinh thần xây dựng cao, khách quan, trung thực liên quan đến những vấn đề về phẩm chất, đạo đức lối sống, tư cách, tác phong, thái độ ứng xử khi tiếp xúc, giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức đối với Nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, công an nhân dân huyện, xã và chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam toàn huyện chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền tổ chức các “Diễn đàn đối thoại trực tiếp” giữa lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp với Nhân dân địa phương về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết thêm, để thực hiện tốt hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Viêt Nam huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nhân dân biết và thực hiện. Cạnh đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và điều kiện thực tế ở địa phương, kịp thời bổ sung nội dung phản biện xã hội khi có yêu cầu.