Mặt trận Thăng Bình phản biện Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình
Thực hiện Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/10.000) khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045. Đồ án do Sở Xây dựng thực hiện.
Ông Nguyễn Hiệp Định - đại diện Trung tâm Chuyển giao công nghệ quy hoạch xây dựng thuộc Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia - đơn vi tư vấn soạn thảo đồ án cho biết: Theo đồ án, phạm vị quy hoạch có diện tích hơn 12.600 ha gồm các xã: Duy Thành, Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải huyện Duy Xuyên; Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều, Bình Đào, Bình Minh huyện Thăng Bình. Phía Bắc giáp thành phố Hội An; phía Đông giáp biển đông; phía Nam giáp xã Bình Sa, Bình Hải; phía Tây giáp xã Bình Phục và thị trấn Hương An huyện Quế Sơn. Là khu chức năng phát triển dịch vụ, du lịch gắn với phát triển đô thị và nông thôn. Làm động lực phát triển cho khu vực phía Đông của cụm động lực số 2, tạo tiền đề liên kết phát triển với không gian dọc theo tuyến quốc lộ 1A và khu vực phía Tây của tỉnh, đồng thời làm cơ sở hình thành vệt du lịch ven biển Quảng Nam từ Điện Bàn – Hội An đến Tam Kỳ - Núi Thành. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 200.000 người, đến năm 2045 đạt khoảng 350.000 người.
Cấu trúc phát triển không gian khu vực được định hướng phát triển theo mô hình “Hai trục đồng hành và Một vành đai xanh sinh thái”. Với hai trục không gian chính là trục không gian đô thị - dịch vụ - du lịch dọc theo ven biển và đường Võ Chí Công và trục hành lang đô thị - công nghiệp - sinh thái dọc tuyến phía Tây sông Trường Giang. Vành đai xanh là khoảng không gian ven các sông Thu Bồn, sông Trường Giang, ven biển bao quanh khu vực là không gian cảnh quan, sinh thái tạo thành một đô thị xanh – văn minh – hiện đại. Đồ án còn hình thành 3 khu vực để thúc đẩy phát triển gồm: khu vực 1 là vùng không gian ven biển, ven sông; khu vực 2 là vùng lõi xanh hành lang sinh thái sông Trường Giang và khu vực 3 là vùng đệm (chuyển tiếp từ vùng đô thị, công nghiệp đến vùng đô thị, du lịch).
Tại hội nghị phản biện các đại biểu đã thẳng thắn góp ý nhiều nội dung tập trung vào việc đồ án phải khớp nối, đồng bộ với các quy hoạch, dự án đã và đang triển khai tại huyện Thăng Bình như: Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế mở Chu Lai, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình, giai đoạn đến năm 2030, Quy hoạch chung đô thị Bình Minh; đồng thời, tạo đòn bẩy để khai thác các giá trị văn hóa và du lịch đang có thế mạnh tại địa phương như: khu di tích Lăng Bà Chợ Được, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Văn hóa thể thao miền biển, các Làng nghề ven biển.
Ông Nguyễn Tấn Quất - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh yêu cầu cần đánh giá lại hiện trạng sử dụng điện của quy mô đô thị, có dự báo trong thời gian đến, điện có cung cấp ổn định cho phát triển sản xuất thương mại dịch vụ hay không? Đồng thời cần giữ vệt cây xanh ven biển, đầu tư xây dựng bến xe Bình Minh, có phương án xử lý nước thải ra môi trường biển; quy hoạch về y tế, trường học… phù hợp với quy mô dân số tại các địa phương.
Ông Đặng Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương cho rằng, ở khu vực 2 vùng lõi xanh – hành lang sinh thái sông Trường Giang thì vị trí và định hướng phát triển của Đồ án chỉ tập trung tại khu vực xã Duy Thành và xã Duy Vinh (Duy Xuyên) mà chưa đề cập đến các xã có sông Trường Giang như Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào và Bình Triều (Thăng Bình). Ông Đặng Văn Hùng đề nghị cần khảo sát, đánh giá và đưa hệ thống sông Trường Giang qua địa phận các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào và Bình Triều vào khu vực vùng lõi xanh – hành lang sinh thái sông Trường Giang để tạo chuỗi du lịch ven sông, ven biển khớp nối với khu vực số 1. Ngoài ra, cần quy hoạch mở rộng các tuyến đường bê tông giao thông nông thôn hiện có để kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch như đường Võ Chí Công, quốc lộ 14E để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch, công nghiệp, đi lại của Nhân dân khi phương tiện giao thông ngày càng đa dạng và phát triển.
Cạnh đó, nhiều đại biểu yêu cầu đưa Di tích Lăng Bà Chợ Được vào quy hoạch điểm du lịch dịch vụ ven sông Trường Giang trong định hướng phát triển không gian và các khu du lịch; tính toán lại quy mô và khả năng cấp nước sạch phục vụ sinh hoat từ nhà máy nước Thăng Bình và nhà máy nước Phú Ninh để đảm bảo cấp nước cho người dân trong 5 xã của huyện Thăng Bình sử dụng. Đặc biệt cần ưu tiên phân kỳ đầu tư xây dựng nhưng phải đồng bộ cơ sở hạ tầng và các hạng mục thiết yếu… để sớm triển khai thực hiện đồ án.
Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch Sở Xây dựng cho biết, theo Đồ án đến năm 2045 khu vực trong quy hoạch sẽ trở thành đô thị trung tâm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Nam. Là điểm du lịch mới của khu vực miền Trung và là trung tâm công nghệ đổi mới sáng tạo của khu vực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp an toàn. Toàn bộ khu vực hành lang sông Trường Giang, sông Thu Bồn trở thành không gian xanh đô thị, là chuỗi hoàn các công viên sinh thái. “Sẽ mở rộng, phát triển thêm ở phía Đông các tuyến đường giao thông và cống, mương thoát nước để thuận lợi cho việc giao thương và xử lý nước thải, nước mưa, tránh ngập úng” - ông Bùi Anh Tuấn nói.
Kết luận buổi phản biện, ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đánh giá cao những góp ý của các đại biểu; đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn soạn thảo đồ án nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu hoàn thiện Đồ án đảm bảo tính khả thi, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Ngoài ra, các ý kiến góp ý tại hội nghị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổng hợp đầy đủ và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Đồ án tiếp thu, nhanh chóng hoàn thiện để thông qua và sớm triển khai thực hiện trong thời gian đến.