Văn hóa - Xã hội

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trung Hiếu 26/08/2022 20:44

Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Thăng Bình chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.

     Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn; đồng thời ban hành Thông tri số 04-TT/HU ngày 22/6/2017 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện. UBND huyện ban hành Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực thực hiện Đề án và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện,…

     Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động và tham gia tư vấn học nghề, tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên, người lao động. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nên lao động nông thôn nắm được chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg và tích cực đăng ký tham gia học nghề. Sau khi học nghề, nhiều hộ gia đình biết áp dụng kiến thức, mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, mở xưởng sản xuất, áp dụng các mô hình trồng cây ăn quả, VAC... Trong 10 năm qua, huyện đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm dạy nghề thanh niên tỉnh, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài nước tổ chức 67 điểm sàn giao dịch việc làm và có hơn 3.300 lượt người tham gia.

Lớp đào tạo nghề lắp đặt điện nội thất được tổ chức tại xã Bình Nam

 

     Công tác tư vấn, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn luôn được quan tâm. Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đúng với nhu cầu học nghề của người dân, các ngành nghề được đào tạo phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Hằng năm, huyện đã ban hành các văn bản về việc khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn. Qua khảo sát, trên địa bàn huyện có 91.327 người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động; trong đó, số lao động có việc làm qua đào tạo là 56.827 người. Hiện nay, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với các đoàn thể triển khai việc điều tra, khảo sát học nghề, việc làm; dựa vào kết quả điều tra cung cầu lao động để phân tích lực lượng lao động trong nhóm tuổi học nghề hằng năm.

     Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã từng bước gắn với nhu cầu và nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân, các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn. Xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, đối với người nghèo từng bước tạo ra năng suất chất lượng hiệu quả, nhiều hộ gia đình bước đầu đã thành công trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện, đến năm 2021 đạt 62,21% (tăng 27,6% so với năm 2011). Việc đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tạo được bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện. Trong hơn 10 năm qua, toàn huyện đã tổ chức 181 lớp đào tạo nghề (dưới 3 tháng) cho lao động nông thôn (với 108 lớp dạy nghề nông nghiệp, 73 lớp dạy nghề phi nông nghiệp) với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2013 - 2015: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, các Hội, đoàn thể huyện đã phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho 2.753 lao động (trong đó nghề phi nông nghiệp 1.431 lao động, nghề nông nghiệp 1.322 lao động).

     Trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đã đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập và tạo việc làm cho bản thân, gia đình. Nhiều hộ vươn lên thành hộ khá và giàu từ nghề trồng hoa, cây cảnh, nuôi gà thả vườn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, nuôi bò vỗ béo, kỹ thuật hấp, sấy cá, mực tôm; kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn... Đối với người lao động tham gia học nghề phi nông nghiệp (gồm các ngành nghề như may công nghiệp, sản xuất hàng mây tre đan, gò hàn, thuyền trưởng, máy trưởng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống), người lao động sau khi hoàn thành các chương trình học nghề tham gia làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đóng trên địa bàn huyện.

     Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Thăng Bình đã mang lại hiệu quả nhất định. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Qua đó, người lao động được lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình, phát huy được những kiến thức, kỹ năng đã học để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo hiệu quả, tạo được việc làm và tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững...        

Nổi bật
Mới nhất
Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO