Nhìn lại quá trình xây dựng Nông thôn mới ở huyện Thăng Bình
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình đã đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để xây dựng NTM. Với phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ” và “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã trở thành phong trào sâu rộng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết quả đạt được trong xây dựng NTM những năm qua là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương.
Khi bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, huyện Thăng Bình có điểm xuất phát thấp; kết cấu hạ tầng thiết yếu, còn thiếu đồng bộ, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khi phát động Chương trình xây dựng NTM còn khá cao (trên 20%). Chương trình MTQG xây dựng NTM thực sự đã đem đến luồng sinh khí mới cho vùng nông thôn Thăng Bình, sau 13 năm triển khai thực hiện chương trình, với cách làm sáng tạo, chủ động và đồng bộ, đến nay, toàn huyện Thăng Bình đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%, có 26 thôn được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, đạt 27,6%. Theo kết quả rà soát, tự đánh giá, hiện nay trên địa bàn huyện có 7/20 xã đảm bảo duy trì đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 (xã Bình Dương, Bình Nam, Bình Lãnh, Bình Quế, Bình Chánh, Bình Phú và Bình Sa); bình quân đạt 17,7 tiêu chí/xã. Thu nhập thực tế bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 50,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh và bền vững, đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo 2,27%, hộ cận nghèo 1,57%.
Xác định xây dựng NTM là một quá trình thường xuyên, liên tục, trong đó nhà nước và nhân dân cùng làm, bên cạnh vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ của nhà nước, những năm qua, huyện Thăng Bình đã tập trung huy động tốt nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn theo đúng phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, khắp nơi người dân đều chung tay góp sức, đặc biệt phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được nhân dân trên toàn huyện nhiệt tình hưởng ứng.
Thực tế qua 13 năm xây dựng NTM của Thăng Bình cho thấy công tác tuyên truyền, vận động góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM. Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM ở huyện Thăng Bình, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Phan Công Vỹ đánh giá: Thành công của địa phương thời gian qua chính là nhờ các tổ chức đảng làm tốt công tác dân vận, khơi dậy niềm tin và nội lực trong cộng đồng dân cư, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Có thể nói, các tổ chức đảng đảm nhận vai trò “hạt nhân” của quá trình tạo chuyển biến nhận thức, khơi dậy nội lực toàn dân, toàn hệ thống chính trị thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Tại xã Bình Quế, là xã cánh Tây của huyện, có xuất phát điểm thấp, là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên khâu sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hệ thống hạ tầng dân sinh còn nhiều hạn chế…Trước những khó khăn đó, năm 2013, khi vào cuộc triển khai xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị xã Bình Quế đã nhìn thẳng vấn đề, nhìn nhận khó khăn, nắm bắt chủ trương, đặc biệt, lấy người dân làm chủ thể, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thông qua nguồn vốn nông thôn mới các cấp, huy động nội lực trong nhân dân, sự đóng góp của người con xa quê, chủ trương bê tông hóa các tuyến giao thông nông thôn được tập trung triển khai trên toàn xã. Đến nay, đường trực chính của xã, đường trục chính của thôn, đường làng, ngõ xóm được quy hoạch, xây dựng khang trang, sạch sẽ. Tỷ lệ đường xã được bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đã bê tông hóa 10,5 km, đạt 100%. Đường trục thôn và đường liên thôn được bê tông hóa 16,3 km, đạt tỷ lệ 100%. Đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100% với 25,2 km. Cùng với giao thông, thuỷ lợi cũng được quan tâm đầu tư, đã đầu tư xây dựng 5 km kênh loại 2, tăng 4km, tăng 500% kể từ khi phát động cương trình; kênh mương loại 3 xây dựng 18 km. Trên địa bàn xã có 4 trạm bơm, công suất 980m3/h, 01 hồ chứa Hố Do và nguồn tưới từ kênh Phú Ninh, thủy lợi đất màu… cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu diện tích đất sản xuất nông nghiệp 511và đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh…
Bình Lãnh là xã có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của huyện phát động xây dựng Nông thôn mới vào đầu năm 2013, khi đó, địa phương chỉ mới đạt 01 tiêu chí về An ninh, trật tự xã hội. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2022, Bình Lãnh đã huy động các nguồn lực đạt trên 108 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhân dân đóng góp là hơn 6,2 tỉ đồng. Từ đó, địa phương đã tập trung quy hoạch Nông thôn mới một cách toàn diện. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 14 tuyến giao thông đường trục thôn và liên thôn, mặt đường đã được bê tông hóa đạt 100% với 14,02 km. Năm 2021, từ nguồn vốn nông thôn mới, xã Bình Lãnh đầu tư gần 2 tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp tuyến đường ĐH 28 dài gần 1,5 km. Đây chính là tuyến đường huyết mạch nối liền các thôn trên địa bàn xã. Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt trên 80%. Diện tích sản xuất được tưới chủ động đạt 82,57%. Xã có 15 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài 18,53 km. Cùng với tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn xã luôn được đầu tư đúng mức; hiện nay trên địa bàn xã có 146 hộ và 06 doanh nghiệp sản xuất ngành nghề này. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo các năm, vào năm 2013 tỷ lệ nghèo chiếm đến 24,98%, thì đến cuối năm 2022, hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1,89%...
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân nông thôn, huyện đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai có hiệu quả các Chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực theo tiềm năng, lợi thế của địa phương.…
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên, văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét, tích cực. Môi trường sống ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, nhất là ở những thôn có triển khai Khu dân cư NTM kiểu mẫu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định. Với những kết quả đạt được trong 13 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM sẽ là tiền đề quan trọng, tạo động lực và niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.