Những đặc trưng văn hoá ở Thăng Bình
Đã từ rất lâu người dân Thăng Bình đã tiếp thu, chọn lọc, hội tụ những nét văn hóa độc đáo từ các vùng miền, các dân tộc tạo nên những nét văn hóa đặc trưng mang đậm yếu tố tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống của con người Xứ Quảng nói chung và của người dân Thăng Bình nói riêng như: Cộ Bà Chợ Được, nghệ thuật hát Bả Trạo, hát tuồng, lễ hội đua thuyền, lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng sông nước.... Cứ 2 năm 1 lần, huyện Thăng Bình tổ chức lễ hội văn hóa thể thao các xã miền biển và trung du miền núi phù hợp với đặc điểm, truyền thống của từng vùng với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đã từ rất lâu người dân Thăng Bình đã tiếp thu, chọn lọc, hội tụ những nét văn hóa độc đáo từ các vùng miền, các dân tộc tạo nên những nét văn hóa đặc trưng mang đậm yếu tố tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống của con người Xứ Quảng nói chung và của người dân Thăng Bình nói riêng như: Cộ Bà Chợ Được, nghệ thuật hát Bả Trạo, hát tuồng, lễ hội đua thuyền, lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng sông nước.... Cứ 2 năm 1 lần, huyện Thăng Bình tổ chức lễ hội văn hóa thể thao các xã miền biển và trung du miền núi phù hợp với đặc điểm, truyền thống của từng vùng với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Lễ hội Cộ Bà Chợ Được là nét văn hóa đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân xứ Quảng. Lễ hội diễn ra vào 2 ngày mồng mười và mười một tháng giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Bà (Thôn Phước Ấm- Chợ Được- xã Bình Triều). Lễ hội gồm các lễ cầu an, truy niệm Đức Bà, rước Cộ Bà và một số trò diễn xướng dân gian. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần Bà vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói lòa nhưng phong cảnh lại hữu tình nên Bà muốn quy tụ thành chợ. Sau này dân chúng gọi nơi đây là Chợ Được ("Được" hiểu theo nghĩa "đắc thị"). Để tri ân việc Bà dựng chợ và phù trợ cho dân chúng làm ăn phát đạt, thịnh vượng người dân đã lập lăng thờ Bà. Theo Thần phả ghi: vào năm Thành Thái thứ 6 Bà được triều đình sắc phong "Trai thục dực bảo trung hưng trung đẳng thần". Từ sắc phong đó lễ rước Cộ Bà ra đời. Lễ rước Cộ Bà vừa mang ý nghĩa phụng tự vừa mang ý nghĩa sinh hoạt diễu hành tín ngưỡng dân gian. Lễ Cộ Bà được tổ chức vào ban đêm; Kiệu Bà là một ngai sơn son thiếp vàng trên phủ lễ phục bằng nhung gấm màu đỏ, Kiệu được cung nghinh từ chính điện của lăng đưa ra sân với 6 người khiêng phục trang áo nẹp, nón chóp, phụng tống 2 bên là các bô lão, nhân sĩ và chức sắc địa phương. Đi đầu đoàn rước Cộ Bà là các cộ hoa được trang trí rực rỡ bằng hoa lá, giấy ngũ sắc và vải lụa đủ màu phục hiện các tuồng tích xưa trong lịch sử dân tộc. Sau lễ rước Cộ Bà mới đến phần hội thực sự gồm: múa lân, đua thuyền, hát bội, các hoạt động thể dục, thể thao....
Nếu Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống đặc trưng của đông đảo nhân dân làm nông nghiệp thì Lễ hội Cầu Ngư lại là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của cư dân sống bằng nghề sông nước. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Cá Ông của người Việt, cư dân vùng biển Thăng Bình lấy ngày mồng một tháng tư (ngày Bác Hồ về thăm làng cá) làm ngày tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Thường lễ hội kéo dài từ 2-3 ngày (tùy vào tình hình làm ăn kinh tế của địa phương trong năm) với các lễ chính: Lễ vọng, Lễ Nghinh Ông Sanh, Lễ tế Cô hồn, Lễ Chánh tế, Lễ xâu chầu Bả Trạo. Hát Bả Trạo là bộ phận chính của nghi lễ, là một trò diễn xướng nghi lễ tổng hợp vừa múa, vừa hát với đạo cụ là mái chèo, nội dung dàn trải suốt quá trình diễn xướng, là ca ngợi đức Cá Ông, xót thương người quá cố, đồng thời thể hiện sự dũng cảm của con người trước sóng to, gió lớn, tinh thần đoàn kết cùng công việc lao động của ngư dân vùng biển. Phần Lễ long trọng, trang nghiêm và rất mực thành kính bao nhiêu thì phần hội càng vui vẻ, càng náo nức bấy nhiêu. Lễ Cầu Ngư là sự thể hiện lòng mong muốn được bình an khi đối mặt với thiên nhiên bão tố, được mùa biển để cuộc sống ấm no, mọi nhà luôn an khang thịnh vượng, vạn vật phát triển, sinh sôi...
Lễ hội Văn hóa Thể thao Miền Biển
Bên cạnh các Lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng, ở Thăng Bình còn rất nhiều những di tích văn hóa, di tích lịch sử...
Thời đại Chiêm Thành, Quảng Nam còn lại nhiều di tích, gồm các thành quách, tháp cổ, tượng đá như: Thành cổ Trà Kiệu, các Tháp cổ Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ... Ở Thăng Bình có Tháp Đồng Dương nay là Khu phế tích Phật viện Đồng Dương, ao vuông (Bình Định); có mộ người Chiêm ở Trà Sơn (Bình Trung), Hưng Mỹ (Bình Triều), Giếng Tiên (Bình Đào), có bờ đập Hời ở Lạc Câu (Bình Dương);.... và nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng nằm rải rác khắp các địa phương trong huyện như: Bia Văn thánh, Đình làng Hà Lam, Lạc Câu, Hưng Thạnh Đông, Hưng Thạnh Tây, Phước Ấm, Địa đạo Bình Giang, Căn cứ địa cách mạng Linh Cang - Cao Ngạn, Chiến khu rừng Bồng, tượng đài Hà Lam - Chợ Được, Lăng mộ Tiểu La - Nguyễn Thành,…
Phật viện Đồng Dương
Cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc; các di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng luôn được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo nên khi nói đến Thăng Bình tất cả đều biết, đều nghĩ đến một miền quê êm ả, thanh bình với những câu lý, điệu hò, với những nét văn hóa đặc trưng nổi bật khẳng định giá trị của một vùng đất anh hùng.
Nguồn: Tổng hợp