Những dấu ấn về Cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được
Từ ngã tư Hà Lam, đi về hướng Đông theo tỉnh lộ ĐT 613 khoảng 5km là đến Di tích lịch sử “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được”. Khu Di tích nằm cách Chợ Được khoảng 300m. Khu di tích được xây dựng để ghi lại tội ác của Mỹ - Diệm và tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống cho cuộc đấu tranh vì quê hương, vì lý tưởng cách mạng. Năm 2005, được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh và năm 2014 được Bộ VH-TT&DL chính thức xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu Di tích lịch sử “Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được” có diện tích gần 9 nghìn m2, gồm nhiều hạng mục công trình và được trồng nhiều thảm hoa cỏ, cây xanh để tạo cảnh quan. Kiến trúc chính của khu tưởng niệm là tượng đài được xây dựng khá quy mô với một hình khối cao khoảng 5 m, thể hiện 3 người đứng tựa lưng vào nhau, bao gồm: một cụ già cầm chắc cây gậy trên tay, một cô gái đang cầm nón lá và một thanh niên đang bồng một em bé bất động trên tay.
Phía trước tượng đài là một tấm bia bằng đá hoa cương màu trắng, viền xanh ngọc khắc chìm chữ màu đỏ ghi dấu sự kiện, phía sau là hai bức phù điêu bằng xi măng đắp nổi, mô tả khí thế đấu tranh hào hùng của nhân dân Hà Lam - Chợ Được. Chính tại địa điểm này cách đây 70 năm, 43 người dân Thăng Bình ngã xuống và 23 người khác bị thương (trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em) trước mũi súng của kẻ thù...
Ngược dòng lịch sử, cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được diễn ra từ ngày 4/9 đến ngày 7/9/1954 - là cuộc đấu tranh chính trị thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình và công lý của nhân dân huyệnThăng Bình nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung chống lại bọn Mỹ - Diệm ngang ngược, tàn bạo, âm mưu vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, với âm mưu chia cắt và thôn tính lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đã dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi cái gọi là chiến dịch “Tố cộng và diệt cộng” bắt bớ đàn áp những cán bộ và nhân dân có cảm tình với cách mạng trên khắp các làng xóm ở miền Nam Việt Nam. Bọn chúng ra sức đàn áp nhằm thủ tiêu phong trào cách mạng của ta bằng những vụ thảm sát đẫm máu, gây nhiều tội ác dã man.
Tại huyện Thăng Bình, vào sáng ngày 4-9-1954, Mỹ - Diệm đã điều Đại đội 4 (Tiểu đoàn bảo an 116 Liên hiệp Pháp) từ Chợ Được dẫn một trung đội lính đến Bàu Bàng (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình), ngang nhiên chặt phá cây cối, ruộng vườn của nhân dân. Trước hành vi ngang ngược của chúng, nhiều bà con trong vùng đã nổi dậy, yêu cầu bọn lính phải bồi thường thiệt hại. Với thái độ ngông cuồng và ngang ngược, tên chỉ huy trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 611 không những không chấp nhận bồi thường thiệt hại mà còn hung hăng ra lệnh nổ súng. Hàng loạt người gục ngã trước mũi súng của bọn lính đánh thuê Liên hiệp Pháp. Chưa dừng lại ở đó, bọn chúng tiếp tục ném lựu đạn, bắn đuổi theo những người sống sót.
Trước cái chết đầy thương tâm của đồng bào, làn sóng đấu tranh ở Thăng Bình nói riêng và nhân dân toàn tỉnh Quảng Nam sôi sục dâng cao. Phẫn nộ trước tội ác của kẻ thù, nhân dân khiêng những người chết và bị thương đuổi theo bọn địch xuống đồn để đấu tranh. Hưởng ứng cuộc đấu tranh, người dân từ khắp nơi như Hà Lam, Tất Viên, Ngọc Sơn, Chợ Được, Phước Châu, Vân Tây, Hưng Mỹ, Trà Đỏa và nhân dân các vùng lân cận ở các huyện Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước... rầm rập kéo về Chợ Được ngày càng đông hơn và đấu tranh ngày càng quyết liệt hơn, cuộc đấu tranh lúc cao điểm có đến hơn 5.000 người tham gia...
Lúc này, Huyện ủy Thăng Bình đã triển khai cuộc họp để chỉ đạo đưa cuộc đấu tranh đi đúng hướng, tránh bị địch lợi dụng khiêu khích để lấy cớ đàn áp. Cuộc đấu tranh từ tự phát trở thành cuộc đấu tranh chính trị do Đảng lãnh đạo. Một cuộc đấu tranh vô cùng dũng cảm giữa một bên là quần chúng nhân dân với hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em trên tay không một tấc sắt đã vây hãm, khống chế hàng trăm tên lính hung ác được trang bị đầy đủ các loại vũ khí với sự yểm trợ của quân xa, máy bay và đồng bọn sẵn sàng trợ chiến.
Khiếp sợ trước sự phản kháng của nhân dân, Tiểu đoàn bảo an 611 co cụm lại, ôm đầu, bó gối giữa vòng vây của nhân dân, giữa rừng cờ đỏ sao vàng. Đại diện nhân dân đã vạch trần tội ác của binh lính Liên hiệp Pháp vi phạm các điều quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, và buộc chúng phải ký vào biên bản là đã phạm tội ác giết người, đồng thời lập bản kiến nghị gửi lên Ủy ban quốc tế, bắt chúng phải cung cấp vải, quan tài để khâm liệm và chôn cất tử tế những đồng bào đã bị giết hại...
Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được kéo dài trong 3 ngày (từ ngày 4 đến ngày 7/9/1954) đã gây được tiếng vang lớn và đạt được một số yêu cầu: địch đã nhượng bộ và bồi thường những thiệt hại do chúng gây ra. Tuy nhiên, Huyện ủy Thăng Bình nhận thấy nếu để cuộc đấu tranh kéo dài sẽ gây nhiều bất lợi, thương vong cho quần chúng nhân dân nên đã ngầm chỉ đạo cho nhân dân giải tán.
Trong cuộc đấu tranh này, đã có 43 người dân Thăng Bình ngã xuống và 23 người khác bị thương (trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em). Ngoài ra, còn bắt gần 100 người giam giữ, tra tấn. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt 4 ngày đêm liên tục kiên trì quyết liệt, buộc địch phải nhượng bộ và nhận tội lỗi trước nhân dân, chịu chi phí cứu chữa người bị thương, chôn cất người chết và bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị hại.
Sau ngày giải phóng quê hương (26.3.1975), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình đã cho xây dựng tượng đài và bia tưởng niệm những đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, ngay tại nơi đồng bào đã anh dũng hy sinh.
Năm 2014, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình phối hợp với Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh xuất bản và phát hành tập sách “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được Dấu ấn lịch sử”. Tập sách dày gần 200 trang, bao gồm 13 bài viết về Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được cùng với các sự kiện có liên quan và phần phụ lục giới thiệu danh sách các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn huyện Thăng Bình cũng như giới thiệu sơ lược về nội dung, giá trị các di tích.
Tập sách là kết quả của việc dày công nghiên cứu, sưu tầm và hoàn thiện của lãnh đạo địa phương, các nhà văn, nhà nghiên cứu, một số cây bút không chuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Tập sách còn có một số hình ảnh về cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được và tình hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Thăng Bình trong giai đoạn hiện nay.