Du lịch - Di tích

Thăng Bình sẵn sàng cho lễ hội văn hóa, thể thao miền biển năm 2023

Trung Thực 27/03/2023 09:13

Trang trí trực quan, làm cổng trại, hát bả trạo, xây dựng chương trình biểu diễn văn nghệ, trình diễn khinh khí cầu (KKC), thả hoa đăng... tất cả những hoạt động này đang được các ban ngành đoàn thể, chính quyền và cộng đồng dân cư các địa phương ven biển của huyện Thăng Bình khẩn trương chuẩn bị để Lễ hội văn hóa thể thao miền biển năm 2023 diễn ra thành công. Lễ hội lần này được huyện Thăng Bình kỳ vọng sẽ thể hiện được văn hóa của các địa phương ven biển, quảng bá các sản phẩm địa phương cũng như hướng đến một ngành du lịch xanh.

Nơi đây, sẽ diễn ra nhiều hoạt động mang truyền thống văn hoá địa phương

 

     Lễ hội mang truyền thống văn hóa địa phương

     Chúng tôi có mặt tại thôn Bàu Bính, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình vào một ngày cuối tháng 3, thời điểm chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023. 

     8 giờ sáng, hơn 20 người dân trong thôn đã tất bật với những phần việc của mình. Người chẻ tre, người đan dây, người trang trí,... họ đang làm cổng trại để tham gia trong lễ hội sắp tới. Bàu Bính là thôn có nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh nên cổng trại lần này cũng được thực hiện với ý tưởng xoay quanh những địa điểm lịch sử này.  “Trên địa bàn thôn chúng tôi có 5 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đối với cổng trại lần này, những di tích này sẽ được chúng tôi thể hiện trên cổng trại, trong đó Căn cứ lõm Bàu Bính là di tích được chúng tôi tập trung thể hiện rõ nhất với vị trí trung tâm cổng trại. Chúng tôi bắt đầu làm từ giữa tháng 3, mỗi ngày có khoảng 20 người làm. Cổng trại được làm hoàn toàn thủ công bằng tre, một cột cờ cao cũng sẽ là điểm nhấn đối với trại của thôn chúng tôi trong lễ hội sắp tới. Với những người đi biển, cờ Tổ Quốc rất thiêng liêng, đó là chủ quyền đất nước, là niềm tin của những ngư dân vùng biển trong những chuyến khơi xa”, ông  Đặng Ngọc Tơ – Trưởng thôn Bàu Bính, xã Bình Dương chia sẻ.

Người dân thôn Bàu Bính, xã Bình Dương tất bật chuẩn bị trại tham gia Lễ hội

 

     Đối với Lễ hội văn hóa, thể thao miền biển lần này, toàn huyện Thăng Bình sẽ có 21 cổng trại, trong đó có 4 cổng trại của các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải, Bình Nam và 17 cổng trại đến từ các thôn của các địa phương ven biển. Bên cạnh cổng trại, các địa phương cũng sẽ làm kệ để tham gia trưng bày các sản phẩm của địa phương, của khu dân cư mình.

     Cùng với việc tham gia hội trại, lễ hội lần này cũng được huyện Thăng Bình chuẩn bị hết sức chu đáo, đa dạng trong cả phần lễ và phần hội. “Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, các địa phương ven biển của huyện Thăng Bình sẽ được hòa mình vào một không gian mang đậm văn hóa của người dân vùng biển, trong đó có lễ cầu ngư, hát bả trạo, bóng chuyền bãi biển, lắc thúng, gánh cá trên biển, thi đan lưới, đua thuyền trên cát,…Bên cạnh đó, còn có chương trình nghệ thuật “Quê hương biển gọi” do Hội đồng hương Thăng Bình, đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 thể hiện. Ngoài ra, phần trình diễn khinh khí cầu trong suốt những ngày diễn ra lễ hội cũng sẽ là điểm nhấn hết sức độc đáo trong lễ hội lần này”, bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thăng Bình, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết thêm.

     Hứa hẹn màn trình diễn khinh khí cầu

     Theo kế hoạch, trong khoảng thời gian từ 6h30 – 8h và từ 16h00 - 17h30 các ngày tổ chức lễ hội sẽ có chương trình diễn khinh khí cầu (KKC) với 1 KKC cấp 7, 8 KKC cấp 1 và 4 khí cầu thổi hơi mặt đất.

     Khinh khí cầu cấp 7 (AX-7) theo chuẩn quốc tế, làm bằng vải chuyên dụng nhiều màu có chiều cao từ 20-22m, đường kính 17-18m, sức nâng bay khoảng 500kg. Bay treo KKC là hoạt động đặc sắc phục vụ chào mừng ngày hội, sự kiện . Trong sự kiện này, KKC sẽ bay lên xuống lơ lửng cố định ở một chỗ trên bãi biển với đô cao tối đa khi bay treo là 50m. Để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách, KKC sẽ được buộc dây cố định tại chỗ. Thời lượng bay treo lên xuống từ 4-6 phút, mỗi lần chở được 3-4 người lớn hoặc 6-7 trẻ em tùy thể trọng. 

     Khinh khí cầu cấp 1 (AX-1) có hình tròn giọt nước ngược, thân cầu thường làm bằng vải nhiều màu sắc rực rỡ được thả bay lơ lửng với độ cao khoảng 20-40m, được cố định bởi một sợi dây và được điều khiển bằng thiết bị radio điện tử. 

     Nhằm góp phần làm cho Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023 thêm thu hút ấn tượng hơn nữa, công ty Chiến Thắng sẽ cung cấp 4-6 quả khí cầu hơi đặc biệt, cao từ 8-10m để trang trí cho sự kiện. Các khí cầu này được đặt trực tiếp trên mặt cát biển và có thể chịu được gió cấp 4-5 và mưa nhỏ. Khí cầu được thổi phồng lên bằng máy thổi hơi sử dụng điện 220 volt và chạy liên tục trong thời gian diễn ra lễ hội.

Phối cảnh Lễ chào cờ và trình diễn KKC tại Lễ hội

 

     “Để tăng thêm sự long trọng cho Lễ hội, góp thêm vẻ đẹp truyền thống anh hùng của đất Thăng Bình, nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Thăng Bình (26/3/1975-26/3/2023), trong chương trình Lễ hội, sẽ tổ chức lễ chào cờ Tổ quốc với chủ đề “Thăng Bình - mảnh đất anh hùng - Chào Tổ quốc !” vào 6g30 sáng 1/4/2023 bên bãi biển thôn Duy Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, với một lá cờ Tổ quốc đặc biệt lớn nhất Việt Nam & thế giới (1.800m2 ). Khi chào cờ, các khinh khí cầu đa sắc màu sẽ bay treo xung quanh tạo quang cảnh uy nghiêm, hoành tráng và lộng lẫy”, ông Hoàng Nguyễn Tuấn Anh – Phó Tổng giám đốc công ty SG Chiến Thắng (đơn vị vận hành khinh khí cầu tại Lễ hội) cho biết thêm.

     Thăng Bình sở hữu 25 km bờ biển với tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Theo ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, đây là một trong những hoạt động đặc sắc, mới mẻ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hướng đến quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của địa phương:

     “Lần trình diễn khinh khí cầu lần này nếu thành công thì chúng tôi sẽ có kế hoạch xin phép các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Nam để đưa sản phẩm trình diễn kkinh khí cầu thành sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Thăng Bình kết hợp với các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Hoiana, Vinpearl Land, Nam Hội An… thu hút khách du lịch”- ông Hùng nói.

     Lễ hội văn hóa, thể thao miền biển năm 2023 sẽ được huyện Thăng Bình tổ chức từ ngày 31.3 đến ngày 2.4.2023 tại bãi biển Cửa Khe, thôn Duy Hà, xã Bình Dương. Trong thời gian diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động như cắm trại, trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng miền biển, sản phẩm OCOP địa phương, hát bả trạo, lễ cầu ngư, liên hoan nghệ thuật và văn nghệ quần chúng. Bên cạnh đó, các hoạt động như trò chơi lớn, bóng chuyền bãi biển, thi đan lưới, lắc thúng, gánh cá, kéo co, trình diễn khinh khí cầu và lễ hội hoa đăng cũng sẽ được tổ chức thể hiện văn hóa của người dân vùng bãi ngang ven biển của huyện Thăng Bình. Đồng thời Lễ hội cũng là dịp để tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư và quảng bá du lịch xanh, du lịch trải nghiệm của huyện Thăng Bình đến với du khách trong và ngoài địa phương.

Trung Thực