Kinh tế

Nông dân Bình Phục thu hoạch kiệu giống

Hồng Năm - Minh Tân 17/05/2024 16:05

Để chủ động nguồn giống cho vụ sản xuất tiếp theo, ngay sau khi thu hoạch xong kiệu chính vụ, nông dân Bình Phục (Thăng Bình) triển khai trồng kiệu trái vụ (kiệu giống). Sau gần 4 tháng trồng (từ tháng Chạp năm trước đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau), kiệu đã cho thu hoạch. Những ngày qua, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng nhiều nông dân thôn Tất Viên (xã Bình Phục) vẫn tranh thủ ra đồng thu hoạch kiệu trái vụ.

 

Description: E:\ANH KIEU.jpg
Nông dân thu hoạch kiệu giống.

 

     Mùa kiệu trái vụ năm nay, gia đình ông Trần Ngọc Sơn, ở tổ 5, thôn Tất Viên, xã Bình Phục (Thăng Bình) canh tác hơn 1 sào kiệu, kiệu trồng được gần 4 tháng, củ già rồi nên những ngày qua vợ chồng ông tranh thủ ra đồng nhổ kiệu. Ông Sơn cho hay, vùng này gần con suối, đất ẩm, nên bà con thường trồng kiệu trái vụ. Theo đó, vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch hàng năm, khi những vùng trồng kiệu chính vụ (cách đó khoảng hơn 1 km) thu hoạch xong, nhiều nông dân thôn Tất Viên (xã Bình Phục, Thăng Bình) tập trung lên vùng này làm đất, trồng kiệu trái vụ. Trồng kiệu thời gian này đối với nhiều nông dân rất vất vả, do vừa phải lo chăm sóc, bảo vệ không để sâu bệnh phá hại, vừa phải lo nước tưới, chống chọi với khô hạn. Tuy vậy bà con vẫn phải làm vì có trồng kiệu vụ này mới có đủ kiệu giống cung cấp cho mùa trồng chính vụ.

Description: E:\ANH KIEU GIONG.jpg
Sau thu hoạch, kiệu giống được cột thành từng bó.

 

     Ông Trần Ngọc Sơn cho biết thêm, trồng kiệu giống nên khi nhổ lên khỏi mặt đất, kiệu vẫn để nguyên cây, không cắt rễ, lá, chỉ cẩn thận cột thành từng bó vừa nắm tay. Kiệu giống sau khi nhổ, bà con không phơi, chỉ mang về vắt lên róng tre cột ở mái hiên sau nhà để kiệu tự khô, đến khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch là đem ra, chuẩn bị xuống giống. 

     “Làm kiệu trái mùa cực lắm, nhưng không làm sẽ không có giống cho vụ kiệu chính vụ. Với hơn 1 sào kiệu này, tôi vừa để làm giống, vừa bán kiếm thêm thu nhập do kiệu trái vụ ít người trồng” - ông Sơn nói.

     Cạnh đám kiệu của ông Sơn, từng bụi kiệu giống cũng được ông Võ Văn Quốc - tổ 5 thôn Tất Viên, xã Bình Phục (Thăng Bình) nhổ lên thoăn thoắt. Ông Quốc chia sẻ, nhà có hơn 1 sào đất, nhưng vụ này ông chỉ làm 3 luống, khoảng hơn 200 mét vuông, chủ yếu trồng lấy giống, chuẩn bị cho 7 sào trồng kiệu chính vụ. Ông Võ Văn Quốc cho biết, các năm qua, vào mùa trồng kiệu chính vụ, 1kg kiệu giống có giá từ 30.000 - 40.000 đồng, mỗi sào sẽ xuống giống từ 25 - 30kg.

      “Làm nông là phải lo giống thường xuyên chứ đến mùa vừa phải mua phân, thuê người làm đất, nếu thêm việc mua giống nữa thì rất khó khăn” - ông Quốc nói.

Description: E:\ANH KIEU GIONG 1.jpg
Ông Võ Văn Quốc Thu hoạch kiệu giống của gia đình.

 

     Bình Phục là địa phương có diện tích trồng kiệu lớn nhất của huyện Thăng Bình. Mỗi năm, nông dân Bình Phục sản xuất 2 vụ, trên 170 ha. Thời vụ trồng kiệu chính vụ từ tháng 7, tháng 8 (âm lịch) đến tháng 11, 12 (âm lịch) thu hoạch phục vụ thị trường kiệu dịp tết nguyên đán và một vụ trái mùa được trồng từ tháng Chạp (năm trước) đến tháng 4, tháng 5 âm lịch (năm sau). 

     Ông Phan Ngọc Bốn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục (Thăng Bình) cho biết, ở mùa kiệu chính vụ, Bình Phục xuống giống khoảng 140ha. Theo đó, bà con nông dân sẽ cần một lượng lớn kiệu giống. Để có nguồn giống chủ động cho sản xuất, giảm chi phí đầu tư, từ cuối tháng 12 âm lịch, nông dân ở các thôn Tất Viên, Bình Hiệp (xã Bình Phục) triển khai làm đất trồng kiệu giống. Do đây là đợt trồng trái vụ, thời tiết nắng nóng kéo dài, nên vừa tận dụng hết diện tích đất ẩm, bà con còn tăng cường áp dụng các biện pháp chăm sóc, nhất là nguồn nước tưới.

     “Khó nhất của làm kiệu trái vụ là giữ cho kiệu sinh trưởng và phát triển đều, củ to, đảm bảo chất lượng để làm giống. Tuy nhiên nếu duy trì được vụ kiệu trái mùa này sẽ giúp nông dân chủ động được nguồn giống, giữ được hương vị đặc trưng riêng là thơm, giòn, ngon của giống kiệu địa phương” - ông Phan Ngọc Bốn cho biết thêm.

Hồng Năm - Minh Tân