Đổi thay Bình Lãnh
Phát động xây dựng Nông thôn mới vào đầu năm 2013- khi đó, địa phương chỉ mới đạt vỏn vẹn 01 tiêu chí về An ninh, trật tự xã hội, kèm theo đó là muôn vàn những khó khăn từ cơ sở hạ tầng, điều kiện địa hình tự nhiên trở ngại, khiến cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ở địa phương miền núi này luôn thấp nhất huyện. Thế nhưng đến thời điểm này, mọi thứ đã hoàn toàn đổi thay.
Bình Lãnh là xã miền núi nằm về phía Tây của huyện Thăng Bình, cách trung tâm hành chính huyện khoảng 17km và cách thành phố Tam Kỳ khoảng 40 km về phía Tây Bắc theo tuyến quốc lộ 14E, có tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 2000 ha. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng, hướng địa hình thấp dần về phía Đông, Đông Bắc; một số nơi có đồi núi thấp xen lẫn. Dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Chính vì thế nên năm 2013, khi khởi phát chương trình mục tiêu Quốc gia XD NTM, bước đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Tấn Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho hay, khó khăn lớn nhất là kết cấu hạ tầng KTXH của phát triển chưa đồng bộ. Điện phục vụ cho sản xuất, cầu đường giao thông nông thôn nhiều nơi chưa được kết nối, tình hình sản xuất và đời sống, thu nhập đầu người còn thấp, nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân trong thực hiện 19 tiêu chí XD nông thôn mới còn lúng túng.
“Bắt mạch được những điểm yếu, đồng thời bám sát vào các Nghị quyết, quyết định của cấp trên về xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị ở địa phương chúng tôi đã quyết tâm vào cuộc một cách đồng bộ, nhiều tiêu chí đã được mềm hóa để phù hợp với điều kiện thực tế của xã, từ đó đã góp phần giúp người dân nhận thức rõ hơn về xây dựng Nông thôn mới.”- ông Thiện nói.
Xác định xây dựng NTM là một quá trình thường xuyên, liên tục, trong đó nhà nước và nhân dân cùng làm, bên cạnh vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ của nhà nước, những năm qua, Bình Lãnh đã tập trung huy động tốt nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn theo đúng phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, khắp nơi người dân đều chung tay góp sức, đặc biệt phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được nhân dân trên toàn xã nhiệt tình hưởng ứng.
“Thay đổi nhiều lắm, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, mà từ giao thông, giải quyết được nhiều vấn đề. Từ nếp sống văn hoá, cho đến ý thức bảo vệ môi trường sống. Người dân chúng tôi hiểu được rằng, nhà nước và nhân dân cùng làm, nên ai cũng có ý thức là tự bảo vệ, giữ gìn”- ông Tô Đình Trị ( thôn Hiền Lộc) phấn khởi.
Năm 2021, từ nguồn vốn nông thôn mới, xã Bình Lãnh đầu tư gần 2 tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp tuyến đường ĐH 28 dài gần 1,5 km. Đây chính là tuyến đường huyết mạch nối liền các thôn trên địa bàn xã, mở ra thời kỳ phát triển kinh tế mới cho địa phương. Để có được tuyến đường xanh – sạch – đẹp như hôm nay, ông Nguyễn Dũng ( thôn Nam BÌnh Sơn) cùng hàng chục hộ dân khác trên tuyến ĐH 28 đã tự nguyện hiến đất, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
“Đường sá khang trang thì đời sống người dân chúng tôi mới thay đổi được, nên tất cả các hộ gia đình trên tuyến đường này đều đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc để xây dựng. Ban đầu thì người dân cũng còn “tính toán” chuyện được, mất khi làm đường. Nhưng nghĩ về tương lai sau này nên dần dần tất cả người dân trong thôn đều hiến đất.
“Riêng gia đình tôi hiến 16 mét ngang mặt tiền và “lùi lại” hơn 1 mét. Giờ xây dựng nên con đường khang trang bà con ai nấy đều phấn khởi” – ông Dũng chia sẻ.
Ông Đặng Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết, sau khi tuyến đường hoàn thành, địa phương giao về các thôn quản lý, phát huy vai trò các hội, đoàn thể trong việc tự quản từng khu vực, xây dựng tuyến đường đảm bảo tiêu chí sáng – xanh – sạch – đẹp.
“Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 14 tuyến giao thông đường trục thôn và liên thôn, mặt đường đã được bê tông hóa đạt 100% với trên 14 km; thành quả này có sự hưởng ứng, đồng thuận cao của người dân trong phong trào hiến đất làm đường” – ông Đặng Văn Minh khẳng định.
Giải quyết được câu chuyện về giao thông, Bình Lãnh tập trung ngay vào việc khôi phục, cải tạo lại các tuyến kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Địa phương đã thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa; cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, góp phần quan trọng nâng cao năng lực tưới tiêu của toàn hệ thống, chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Chỉ tay về phía con đường bê tông nội đồng, bà Võ Thị Loan (thôn Sơn Cẩm Nga) cho biết, chưa bao giờ việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân lại “tiện” như hiện nay. Trước đây, phải làm thủ công, rất vất vả; bây giờ mọi thứ đã đổi thay.
“Đường bê tông dẫn đến tận ruộng, kênh mương dẫn nước được xây kiên cố, đến mùa gặt lúa thì có máy móc nên thu hoạch nhanh lắm” – bà Loan cho hay.
Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương ở Bình Lãnh đạt trên 80%, diện tích sản xuất được tưới chủ động đạt 82,57%. Xã có 15 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài 18,53 km, hàng năm đều được dọn cỏ, nạo vét khai thông dòng chảy. Các công trình thủy thủy lợi trên địa bàn xã cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất và tiêu thoát nước.
Không chỉ quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, xã Bình Lãnh còn chú trọng phát triển kinh tế vườn, giúp người dân phát huy lợi thế đất đai để tăng thu nhập. Khu vườn rộng hơn 2.500 mét vuông của hộ ông Huỳnh Quang Vinh ở thôn Bắc Bình Sơn là một minh chứng. Năm 2019, được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Vinh tiến hành cải tạo lại khu vườn. Đến nay, khu vườn này có 100 gốc bưởi, hơn 50 cây cam sành, các loại rau, đậu trồng quanh năm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Cùng với tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề TTCN-XD- TMDV trên địa bàn xã luôn được đầu tư đúng mức. Hiện nay trên địa bàn xã có 146 hộ và 06 doanh nghiệp sản xuất TTCN-XD và TMDV. Các hộ gia đình, các đơn vị doanh nghiệp hoạt động khá tốt góp phần giải quyết lao động và tạo nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình như: may mặc, nhà máy gạch, cơ khí, nước uống đóng chai, dịch vụ ăn uống, tạp hóa...Đơn cử như tại HTX Nông Dược Thiên Lộc, không chỉ liên kết trồng, mua bán, chế biến nông lâm sản, thực phẩm, giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương mà còn giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn với mức thu nhập ổn định.
Năm 2022, nguồn vốn tín dụng trên 24 tỷ đồng cho hội viên vay. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên, nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ đó tỷ lệ nghèo giảm dần theo các năm, vào năm 2013 tỷ lệ nghèo chiếm đến 24,98%, thì đến cuối năm 2022, hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1,89 %.
Hiện nay, các thiết chế về văn hóa cơ sở được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cao Ngạn – Mảnh đất khó khăn trong quá khứ nay đã thay da đổi thịt, đời sống người dân đang từng ngày khởi sắc. Đến nay, thôn Cao Ngạn đã đạt 10/10 tiêu chí Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu. Nhà Văn hóa thôn Cao Ngạn trở thành nơi sinh hoạt chung của người dân, các thiết chế văn hóa được đầu tư đầy đủ, đảm bảo phục vụ sinh hoạt, hội họp cho người dân. Khuôn viên, hạ tầng, cây xanh quanh nhà văn hóa luôn được địa phương quan tâm, đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân với mỗi phần việc được phát động.
Trên lĩnh vực giáo dục, qua hơn 10 năm triển khai xây dựng Chương trình Nông thôn mới, cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm đầu tư, xây dựng khang trang đảm bảo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh yên tâm dạy tốt, học tốt. Đến nay, trên địa bàn xã có 03 trường thuộc các bậc học đạt trường chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được quan tâm, trong đó, bậc học Mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trẻ 5 tuổi. Bậc học Tiểu học duy trì tốt chuẩn quốc gia về phổ cập đúng độ tuổi; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tỉ lệ tốt nghiệp THCS năm học 2021 - 2022 đạt 91,25%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2011 - 2022, bằng nhiều giải pháp, Bình Lãnh đã huy động các nguồn lực đạt trên 108 tỉ đồng. Trong đó: Vốn nhân dân đóng góp là hơn 6,2 tỉ đồng. Từ đó, địa phương đã tập trung vào thực hiện công tác quy hoạch Nông thôn mới một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Nhiều công trình, dự án giao thông, trường học, y tế, chợ … được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp theo định hướng quy hoạch được duyệt.
Theo ông Nguyễn Tấn Thiện – Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh, thay đổi lớn nhất trong việc xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Lãnh đó chính là thay đổi trong “cách nghĩ” của người dân.
Còn ông Trương Kim Đông - Bí thư Đảng uỷ xã Bình Lãnh cho biết, được công nhận là xã đạt chuẩn NTM là một vinh dự lớn, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho việc duy trì, phát triển các tiêu chí NTM về sau này.
“Do đó, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi vẫn tiếp tục quyết tâm triển khai nhiều phần việc. Địa phương xác định rõ là, xây dựng NTM không dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát triển thành quả đạt được, đồng thời, đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống người dân.”- ông Đông nói.
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã Bình Lãnh đã chuyển mình từ một vùng quê nghèo trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Và đến với Bình Lãnh những ngày này, chúng ta mới cảm nhận được giá trị thiết thực của việc chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới của người dân nơi đây. Thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ sức mạnh lòng dân. Diện mạo vùng quê đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Đây là cơ sở và là nền tảng để Bình Lãnh phấn đấu trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như thực hiện chương trình quốc gia xây dựng NTM trong những năm tiếp theo./.