Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng
Giám sát và phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, giám sát đã được quy định trong Hiến pháp và trong một số văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình và các cấp ủy đảng trực thuộc Đảng bộ huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hóa triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ huyện. Trong quá trình thực hiện, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/HU, ngày 05/5/2014 về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI); Hướng dẫn số 06-HD/HU, ngày 22/5/2014 về triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI); Kế hoạch số 82-KH/HU, ngày 04/01/2018 về tổ chức đối thoại của đồng chí Bí thư, các đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy với Nhân dân trên địa bàn huyện; chỉ đạo thực hiện Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”... Từ đó, đã tạo sự thống nhất về nhận thức, cách thức triển khai thực hiện đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể CT-XH trên địa bàn huyện. Các nội dung giám sát đã bám sát thực tế, tập trung đến những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân, phát huy dân chủ cơ sở, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Hoạt động tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT –XH đã tạo sự cởi mở, gần gũi với Nhân dân. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền được triển khai đúng quy định, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, kế hoạch của địa phương, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần nâng cao chất lượng về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến người dân
Căn cứ tình hình thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã nghiên cứu, đề xuất nội dung giám sát, phản biện xã hội để cấp ủy phê duyệt, cho chủ trương thực hiện, tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác quản lý tài nguyên, môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai các dự án, công trình trên địa bàn huyện; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…
Đến nay, Mặt trận Tổ quốc huyện đã thành lập 36 đoàn, phối hợp giám sát 179 cuộc; tham gia cùng với chính quyền, các cơ quan nhà nước giám sát 41 cuộc trên các lĩnh vực như giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các đoàn thể chính trị xã hội đã tổ chức giám sát 95 cuộc với nhiều nội dung khác nhau trong đó: Hội LHPN tổ chức giám sát 28 cuộc, Hội Nông dân tổ chức và tham gia 18 cuộc giám sát; Huyện đoàn tổ chức 26 cuộc giám sát; Hội Cựu chiến binh giám sát 8 cuộc và Liên đoàn Lao động tổ chức giám sát 15 cuộc… Qua giám sát, đã kịp thời đề xuất các chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp.

Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Trong 10 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 132 hội nghị phản biện về các chủ trương, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội; đề án xây dựng cánh đồng sản xuất lúa giống; dự án giảm nghèo giai đoạn 2014-2020; Đề án quy hoạch sử dụng đất ở; Đề án văn minh đô thị giai đoạn 2015-2020; Đề án Thu gom rác thải; Đề án phát triển chăn nuôi; Đề án phát triển đô thị Bình Minh; Đề án phát triển kinh tế vùngTây; Đề án Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, quy chế quản lý nghĩa trang nhân dân... Qua đó, đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn trong hoạt động phản biện xã hội. Hoạt động phản biện xã hội của các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân.
Qua thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, đồng hành trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI và nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra.