Khoa học - Công nghệ

Thăng Bình sau 10 năm thực hiện phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

Minh Quốc 08/06/2022 10:47

Công tác phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được huyện Thăng Bình quan tâm triển khai thực hiện trong 10 năm qua. Mặc dù, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định nhưng việc phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

     Trên cơ sở Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế”, Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành Chương trình số 19-CTr/HU, ngày 26/3/2013 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy đảng trực thuộc, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW sát với tình hình địa phương, đơn vị, đưa nội dung về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế vào chương trình công tác và xem đây là một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị hằng năm.

     Công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức triển khai thường xuyên được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm. Huyện ủy đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên trong toàn huyện. Việc triển khai thực hiện được tiến hành nghiêm túc; 100% các chi, đảng bộ đã tổ chức triển khai, quán triệt với tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt trên 98%. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển sự nghiệp KH&CN gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm. Thường xuyên củng cố, bố trí cán bộ công chức phụ trách kiêm nhiệm lĩnh vực KH&CN để tham mưu, tổ chức triển khai, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác và sản xuất. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn nắm được nội dung Nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển KH&CN, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.   

Ảnh: Triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

 

     Từ năm 2012 đến nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đã hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN cho huyện Thăng Bình để hoạt động KH&CN cấp huyện được đảm bảo. Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình đã phê duyệt thuyết minh và kinh phí đối với 06 đề tài KH&CN cấp cơ sở thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa - xã hội, trong đó có 05 đề tài đã được nghiệm thu. Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã thực sự tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động từ cơ quan quản lý nhà nước, đến doanh nghiệp cũng như người sản xuất. Nhờ ứng dụng KH&CN đã tạo nên được nhiều cây trồng có giá trị kinh tế, có sức chống chịu, phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn huyện, một số sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương được sản xuất gắn với thương hiệu, nhãn mác được thị trường chấp nhận, mở 3 thêm nhiều hướng phát triển trong sản xuất nông nghiệp. Một số đề tài đã thực sự tạo được điểm sáng, áp dụng vào trong sản xuất, kết quả đề tài đã được duy trì và nhân rộng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn huyện, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

     Trong 10 năm, huyện đã tổ chức gần 2.156 lớp tập huấn kỹ thuật cho gần 10.0000 lượt người tham dự với kinh phí 570 triệu đồng, trong đó tập trung chủ yếu cho chương trình: Thâm canh lúa, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, phòng chống dịch bệnh động vật, cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở để hướng dẫn nông dân thực hiện chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; các chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích đưa các giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất tiếp tục được chỉ đạo triển khai thực hiện. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp  tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài để đưa vào ứng dụng thức tế, hướng dẫn cho các hộ dân trong quá trình sản xuất tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, cụ thể như: Đề tài: "Phục tráng giống nếp Hương Bầu", được triển khai thực hiện từ đầu năm 2015 đến  đầu năm 2018; kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thăng Bình trồng thử nghiệm giống nếp này khoảng 20 ha tại thôn Bình Khương (Bình Giang) và thôn Vân Tiên (Bình Đào). Qua một thời gian gieo trồng cho thấy, nếp Hương Bầu có thời gian sinh trưởng dao động 130 - 135 ngày, đẻ nhánh khỏe, dạng hạt tròn có màu vàng sáng. Khi hạt đủ độ chín có mùi thơm đặc trưng, cơm dẻo, khả năng chịu úng khá, đặc biệt thích nghi trên nhiều chân đất khác nhau, trong thời gian đến huyện Thăng Bình sẽ nhân rộng giống nếp Hương Bầu ra toàn bộ khu vực các xã cánh Đông của huyện. Hiện Trung tâm cũng đang tiến hành nghiên cứu mẫu mã, đăng ký sản phẩm độc quyền. Đây cũng là một trong loại giống nếp đưa vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Thăng Bình. Đề tài "Thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn trên địa bàn huyện Thăng Bình", được thực hiện từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2016; sau khi nghiệm thu, công nhận kết quả, đề tài được chuyển giao cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thăng Bình. Tính đến nay đã được triển khai nhân rộng sản xuất ở các xã thuộc vùng Đông của huyện được khoảng trên 100 ha, chủ yếu được trồng vào vụ hè thu trên các thửa ruộng dọc sông Trường Giang. Việc tìm ra giống lúa chịu mặn thích hợp với vùng đất ngập mặn của huyện đã giúp bà con nông dân giảm nguy cơ mất mùa, tăng năng suất so với trồng những giống lúa có khả năng chịu mặn ít như trước đây. Đề tài: "Nghiên cứu thành phần, diễn biến và mức độ gây hại của sâu bệnh hại và giải pháp phòng trừ tổng hợp trên cây kiệu tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam", được triển khai thực hiện từ tháng 3 năm 2016 đến 3 năm 2018; đề tài đã được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình tiếp nhận và hướng dẫn cho bà con nông dân trồng kiệu tại địa phương trong chương trình khuyến khích nông nghiệp hằng năm của huyện.

     Về phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nâng cao trình độ sản xuất. Từ năm 2012 đến nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ đã thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh và bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện cũng đã tích cực, chủ động cải tiến, đổi mới dây chuyền sản xuất cũ sang dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Hằng năm, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát xây dựng các Kế hoạch, Chương trình, Đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí Khuyến công của tỉnh, huyện nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện.

     Việc tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ cũng được huyện chú trọng; đã tăng cường liên kết, hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, các trường đại học, các viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ và các nhà khoa học để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn, chuyển giao khoa học công nghệ và nghiên cứu các đề tài để phát triển khoa học và công nghệ của huyện. Từ năm 2019 đến nay đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh và Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam thực hiện 02 dự án chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam.

     Trong thời gian đến, nhiệm vụ trọng tâm của huyện là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của huyện. Nhất quán quan điểm phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống là nhiệm vụ chiến lược, có tính liên tục và lâu dài. Xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, gắn ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, quản lý và đời sống, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó tập trung ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo các mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.

     Để đạt được mục tiêu nêu trên, một số giải pháp đặt ra như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp với nội dung thiết thực, phù hợp. Chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, đồng thời xác định, lựa chọn tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất và cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất. Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ vào sản xuất và đời sống, có chính sách động viên, khuyến khích trong việc đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ; tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; giới thiệu các tiến bộ, các mô hình sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi khi đưa vào sản xuất thực tế mang lại hiệu quả. Tập trung nguồn lực xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đời sống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tuyên truyền phổ biến pháp luật, hỗ trợ cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng./.

Minh Quốc