Khuyến học - Từ thiện

Lan tỏa hiệu quả phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Thăng Bình

Minh Quốc 27/05/2022 05:43

Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Thăng Bình đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

     Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình luôn nhất quán chủ trương quan tâm xây dựng phong trào xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài. Theo đó, công tác khuyến học, khuyến tài đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần tự nguyện, nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học của quê hương; tạo nên sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh phong trào toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm công tác giáo dục. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thường xuyên, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam về thực hiện xây dựng xã hội học tập. Trong đó, Hội khuyến học huyện luôn thể hiện vai trò nòng cốt trong việc phối hợp với các phòng, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể về đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở. Việc xây dựng phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư hiếu học trở thành một mô hình hay của phong trào học tập suốt đời, đây là một nhân tố cần thiết, quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện. Nhờ đó, phong trào khuyến học trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển sâu rộng, từng bước đạt hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân tài, tạo nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức và tạo nên sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, xã hội trong xây dựng các mô hình học tập, xây dựng quỹ khuyến học. 

     Kết quả xây dựng mô hình học tập được kết quả tích cực; tính đến nay, toàn huyện có 38.437/48.684 gia đình được công nhận gia đình hiếu học, đạt tỷ lệ 78,9% số gia đình toàn huyện (trong đó có 34 gia đình được công nhận gia đình học tập cấp huyện, 14 gia đình được công nhận gia đình hiếu học cấp tỉnh); có 259/467 dòng họ được công nhận dòng họ hiếu học, đạt tỷ lệ 55,4% trên số tổng số dòng họ (trong đó có 14 dòng họ được huyện biểu dương, 7 dòng họ được tỉnh biểu dương, khen thưởng và 01 dòng họ được trung ương biểu dương); có 70/106 cộng đồng được công nhận cộng đồng hiếu học, đạt tỷ lệ 66%; có 79/105 đơn vị được công nhận đơn vị hiếu học, đạt tỷ lệ 75,2%. 

Lãnh đạo huyện biểu dương, khen thưởng học sinh đoạt giải tại các cuộc thi cấp quốc gia, tỉnh, huyện

 

     Đặc biệt, bám sát đặc điểm địa bàn và nhu cầu thực tế, công tác xây dựng Quỹ Khuyến học trên địa bàn huyện đã được triển khai thực hiện thường xuyên, linh hoạt. Công tác xây dựng, quản lý Quỹ Khuyến học thời gian qua đã có nhiều cách làm hay, như việc khuyến học đã được đưa vào quy ước, hương ước của thôn, làng, dòng họ... Bên cạnh Quỹ Khuyến học do các cấp Hội quản lý còn nhiều mô hình khác như Quỹ Khuyến học khu dân cư, Quỹ Khuyến học dòng họ, Quỹ Khuyến học cơ quan, Quỹ Khuyến học trường học, Quỹ Khuyến học đơn vị,... Tiêu biểu là phong trào khuyến học, khuyến tài tại các địa phương như xã Bình Tú, Bình Đào, Bình Giang, Bình Dương, Bình Nguyên, Bình Trung, Bình An, Bình Phục, Bình Chánh, Bình Nam, Bình Quế, Bình Quý, thị trấn Hà Lam…

     Với nhiều nội dung phong phú, sự hỗ trợ từ các Quỹ Khuyến học đã giúp cho các học sinh, sinh viên vượt khó học tốt, học sinh khuyết tật vươn lên. Nhờ thực hiện phương thức đa dạng hóa, nguồn Quỹ Khuyến học được duy trì và tăng lên hàng năm. Đến nay, tổng số Quỹ Khuyến học trên địa bàn toàn huyện huy động được đã đạt trên 63 tỷ đồng. Hội khuyến học huyện vận động được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước như Công ty VIDAN, Công ty Hoàng Nhất Nam, Báo Tuổi trẻ; từ các tổ chức phi chính phủ và kiều bào ở nước ngoài, như: Vòng Tay Thái Bình, Đông Tây Hội Ngộ, Trẻ em Việt Nam, Ngân hàng Cathay United Chu Lai, gia đình Bác sĩ Brooks, gia đình bà Phan Thị Phiện, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam v.v… tham gia hỗ trợ quỹ khuyến học nhằm xã hội hóa về công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập. Thông qua nguồn tài trợ của các doanh nghiệp để phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Gia định doanh nhân Nguyễn Hoài Nam trao tặng máy tính phục vụ công tác dạy học ở các trường mần non và tiểu học của huyện Thăng Bình

 

     Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thăng Bình, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, hầu hết các chỉ tiêu khuyến học của huyện đều có những chuyển biến tích cực. Huyện Thăng Bình được đánh giá là điểm sáng về công tác thi đua khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2026, huyện Thăng Bình phấn đấu có 40% công dân trong “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” được công nhận đạt danh hiệu "Công dân học tập", 60% công dân trong “đơn vị học tập” cấp xã, thị trấn được công nhân đạt danh hiệu "Công dân học tập"; 70% số gia đình được công nhận "Gia đình học tập", 65% dòng họ được công nhận "Dòng họ học tập"; có 65% cộng đồng (thôn, khu phố) được công nhận “Cộng đồng học tập”; có 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở cấp xã được công nhận “Đơn vị học tập.

     Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở trong toàn huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội và là mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện. Phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, liên tục; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia vào phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội Khuyến học trong đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội, xây dựng xã hội học tập để phong trào khuyến học, khuyến tài thực sự lan tỏa sâu rộng. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập với ba trụ cột là xây dựng "Công dân học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập", hướng tới mục tiêu xây dựng huyện học tập đảm bảo sát yêu cầu thực tế của địa phương.

     Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở huyện Thăng Bình đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; tạo nền tảng xã hội để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tạo tiền đề thuận lợi để thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn huyện./.

Minh Quốc