Kinh tế

Chương trình phân bón trả chậm, nông dân hưởng lợi

Giang Biên - Trung Thực 23/12/2023 18:11

Dù chưa có tiền, song nông dân vẫn có phân bón để sản xuất đầu vụ, đó là hình thức phân bón trả chậm do Hội Nông dân huyện Thăng Bình phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh triển khai từ nhiều năm nay. Điều này giúp nông dân an tâm sản xuất và không lo chi phí cũng như phân bón kém chất lượng.

Sau khi đăng ký chương trình trả chậm, phân bón được chở về tận nơi để nông dân sản xuất
Đăng ký chương trình trả chậm, phân bón được chở về tận nơi để nông dân sản xuất

 

     Vụ động xuân 2023 - 2024, xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình) vận động nông dân đăng ký dịch vụ phân bón trả chậm hơn 23 tấn. Những ngày qua, Hội Nông dân xã tiến hành phân loại và chở về từng tổ tự quản để nông dân kiểm tra, chuẩn bị sản xuất đầu vụ.

     Theo ông Dương Ngọc Hồng Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nguyên, ban đầu Hội Nông dân xã chỉ thực hiện khoảng 8 tấn, đến nay con số này đã tăng lên gấp ba. Việc liên kết phân bón trả chậm giúp nông dân hưởng nhiều lợi ích. 

     "Người nông dân chỉ cần đăng ký với tổ tự quản, phân bón được đưa về tận nơi để sản xuất dù chưa có tiền. Thứ hai, mọi người không lo về phân bón kém chất lượng và thứ ba là an tâm sản xuất, cuối vụ thu hoạch trả lại tiền phân bón đầy đủ" - ông Vinh nói.

     Nhiều năm nay, gia đình ông Lê Văn Tâm - thôn Liễu Thạnh (xã Bình Nguyên) bớt đi gánh nặng tiền vật tư, phân bón mỗi khi bước vào vụ gieo trồng mới. Bởi ông Tâm đăng ký chương trình phân bón trả chậm từ Hội Nông dân xã, mỗi vụ ông Tâm đăng ký khoảng 150kg phân để bón cho cây lúa và hoa màu.

     Ông Tâm cho hay, đầu vụ nông dân phải chi phí đủ thứ như chi trả máy làm đất, giống, phân bón, trong đó nặng nhất vẫn là phân bón sản xuất. Do đó nếu đăng ký hình thức phân bón trả chậm, nông dân cũng an tâm, dù chưa có tiền vẫn có phân bón để sản xuất.

     Vụ đông xuân năm 2023 - 2024, Hội Nông dân huyện Thăng Bình và Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh đứng ra liên kết với các công ty phân bón như NPK Sao Việt, Bình Điền và Mặt Trời Mới để triển khai chương trình phân bón trả chậm.

     Mức giá từng loại phân bón dao động từ 355.000 đồng đến 738.000 đồng với khối lượng tương ứng 25kg và 50kg/bao. Nếu trả chậm, nông dân trả thêm từ 10.000 - 20.000 đồng/bao loại 25kg và 50kg. Ngoài ra, các bên cũng đã phối hợp triển khai nhiều lớp tập huấn chương trình phân bón trả chậm cho bà con nông dân ở từng thôn, khu phố trước vụ sản xuất đông xuân 2023 - 2024.

     Theo ông Huỳnh Quới - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình, thực tế nhu cầu sử dụng phân bón để sản xuất nông nghiệp của người dân rất lớn, tuy nhiên, nhiều hộ còn khó khăn nên việc thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm là rất phù hợp. Hội Nông dân huyện đã đứng ra ký hợp đồng với các công ty để triển khai đến người dân với giá cả ổn định và chất lượng phân bón đảm bảo.

Nông dân kết hợp 2 loại phân để bón cho cây trồng
Nông dân kết hợp 2 loại phân để bón cho cây trồng

 

     Vụ đông xuân 2022 - 2023 và vụ hè thu 2023, Hội Nông dân huyện Thăng Bình cung ứng 1.120 tấn phân bón theo chương trình phân bón trả chậm. Riêng vụ đông xuân 2023- 2024, nông dân toàn huyện đăng ký 1.215 tấn.

     Hình thức này giúp nông dân dù không vốn vẫn có điều kiện sản xuất, vừa không lo việc phân bón giả, phân bón kém chất lượng, vừa tăng năng suất các loại cây trồng.

Nông dân không lo về chất lượng phân bón
Nông dân không lo về chất lượng phân bón

 

     Ông Quới cũng cho hay, chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm đã được thực hiện trên địa bàn huyện Thăng Bình hơn chục năm qua. Để giúp nông dân kịp thời vụ sản xuất, ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất, Hội Nông dân huyện thông báo bảng giá đến các cơ sở hội, chi hội để tổng hợp nhu cầu đăng ký của hội viên, sau đó Hội Nông dân các xã sẽ nhận phân bón từ công ty cung ứng và giao đến tận tay nông dân.

Giang Biên - Trung Thực