Hoạt động HĐND huyện, xã, thị trấn

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Hữu Phước 06/01/2024 13:03

Ngày 08/12/2023, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 49/2023/NQ-HĐND về biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tại Nghị quyết đã thống nhất các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Nâng cao trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Tổ chức thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, quan tâm giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định pháp luật; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, tổ chức; chỉ đạo các cơ quan liên quan hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề Nhân dân kiến nghị, phản ánh trong phạm vi lãnh đạo, quản lý. Nghiên cứu ban hành quy định.

- Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và người đứng đầu.

- Triển khai rà soát, đánh giá, kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy chế, quy ước, hương ước về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở địa phương.

- Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tham mưu tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

- Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và thường xuyên kiểm tra việc thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả như: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; “Ngày Pháp luật Việt Nam (ngày 09 tháng 11)”; các cuộc họp của cơ quan, cuộc họp của thôn, tổ dân phố; các lớp bồi dưỡng, tập huấn...

- Các cơ quan, ban, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính, mở rộng việc áp dụng các tiện ích hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công; đưa vào sử dụng hiệu quả các ứng dụng thông minh nhằm nâng cao chất lượng đời sống và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

- Bố trí trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, có kết nối mạng internet để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là trong tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Nghiên cứu xây dựng và sử dụng ứng dụng biểu quyết trực tuyến trên trang thông tin điện tử để các thôn, tổ dân phố lựa chọn, tổ chức biểu quyết trực tuyến đối với các nội dung quy định tại khoản 6 Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.

5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến đời sống, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; trong tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

6. Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hữu Phước