Kinh tế

Trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao

Hồng Năm - Minh Tân 31/07/2023 22:14

Từ một trại nấm chỉ với khoảng 20 mét vuông, đến nay đã phát triển thành 20 trại với diện tích hơn 400 mét vuông, thu hoạch mỗi tháng 4 đợt, mỗi đợt từ 1,5 tạ – 2 tạ nấm, cho lãi ròng hàng chục triệu đồng là tín hiệu vui từ mô hình trồng nấm rơm của chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở tổ 5, thôn Trà Long, xã Bình Trung.

Description: E:\ANH MOI 1\New folder (9)\New folder\Untitled.jpg
Chị Nguyễn Thị Nguyệt thu hoạch nấm rơm.

 

     Lớn lên trên mảnh đất Bình Trung, chị Nguyễn Thị Nguyệt nhận thấy, ở địa phương, nơi có diện tích trồng lúa khá lớn của huyện Thăng Bình; sau mỗi vụ thu hoạch, một phần nhỏ rơm rạ được người nông dân phơi khô, để làm thức ăn cho trâu bò ăn trong mùa mưa khi mà lượng thức ăn ít lại, thì một phần lớn rơm, rạ của người dân trên khắp các cánh đồng của xã Bình Trung đều bị đốt bỏ đi. Vừa gây ô nhiễm môi trường, lại vừa gây lãng phí một nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất nấm rơm. Theo đó, từ năm 2000, cùng một số hộ dân khác trên địa bàn xã Bình Trung, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt bắt đầu với hành trình thu lượm rơm rạ khô khởi sự mô hình trồng nấm rơm.

     Chị Nguyệt chia sẻ, thời gian đầu khởi nghiệp, kiến thức trồng nấm của chị có được từ lớp tập huấn trang bị kỹ thuật trồng nấm rơm do ngành nông nghiệp và chính quyền xã Bình Trung tổ chức. Áp dụng cho sản xuất trên trại nấm gia đình chưa thể thành công. Không dừng lại ở đó, vợ chồng chị quyết định vào các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Cần Thơ và ra Đà Nẵng,... đến những vườn nấm đang trồng cho hiệu quả kinh tế cao để xin học hỏi kỹ thuật. Mang kiến thức muôn nơi về áp dụng thử nghiệm trên trại nấm của gia đình, chị đã trải qua không ít lần thất bại. Tuy nhiên thất bại đã không thể trói chân lòng quyết tâm và sự ham học hỏi trồng nấm rơm ở chị Nguyễn Thị Nguyệt. Cuối cùng, chị cũng đã thành công với mô hình trồng nấm rơm gói cục truyền thống.

     Từ một trại nấm chỉ với 20 mét vuông ban đầu, đến nay, cơ sở trồng nấm rơm của chị Nguyễn Thị Nguyệt đã phát triển thành 20 trại nấm, mỗi trại từ 20 – 30 mét vuông, với gần 2.500 phôi nấm. Chị Nguyệt cho biết, mỗi tháng, các trại nấm của gia đình chị cho thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt từ 1,3 – 1,6 tạ. Có đợt sản lượng nấm thu vào lên đến gần 2 tạ. Tùy theo thời điểm, giá nấm rơm giao động từ 70 – 80 nghìn/kg, riêng các ngày rằm, mồng 1 nấm rơm có giá bán tại vườn từ 100 – 200 ngàn đồng/kg, cho thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/tháng, chị có điều kiện lo cho các con đến trường. Mô hình trồng nấm rơm của chị Nguyệt đã mang lại nguồn thu kinh tế ổn định, giải quyết việc làm từ 5 – 10 lao động địa phương, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân quanh vùng.

     Về kỹ thuật trồng nấm rơm, chị Nguyệt cho biết, do điều kiện thời tiết Thăng Bình nắng, mưa thất thường, không phù hợp với việc trồng nấm rơm ngoài trời, vợ chồng chị mạnh dạng đưa nấm vào trồng trong nhà kín. Thường xuyên kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm. Trồng nấm gói cục truyền thống trải qua nhiều công đoạn, từ khâu ủ rơm, gói cục, cấy meo, ủ tơ, đưa bánh rơm lên giàn chăm sóc mất cả tháng trời. Vất vả là vậy, nhưng khi bánh rơm lên giàn 1 tuần sau có thể đã hái được nấm. Bên cạnh đó, để nấm bán ra được giá, việc tính toán cho nấm ra đúng đợt ngày rằm, mồng một là một kinh nghiệm không dễ gì có được nếu không làm việc bằng cái tâm và ý thức tự đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Và kinh nghiệm này cũng được chị không ngần ngại chia sẻ cho nhiều hộ sản xuất nấm rơm quanh vùng và nhiều người từ các tỉnh như Huế, Đăk Lăk,... đến liên hệ học hỏi kỹ thuật và mua meo giống về thử nghiệm cho vườn nhà.

     Ông Ngô Văn Hào – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Trung cho biết, trên địa bàn xã Bình trung hiện có khoảng 40 hộ trồng nấm rơm, riêng thôn Trà Long và thôn Vinh Phú có khoảng 7 hộ. Cùng với các mô hình sản xuất khác, thì mô hình trồng nấm rơm đã và đang giúp người nông dân xã Bình Trung vươn lên thoát nghèo bền vững. Sử dụng rơm rạ trồng nấm, một giải pháp hiệu quả góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tạo thêm thu nhập cho người nông dân.

Hồng Năm - Minh Tân