Chính trị

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Trung Hiếu 13/02/2023 16:09

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp, thời gian qua, phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Thăng Bình được triển khai tích cực, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhờ vậy, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” rất khả thi ở xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

     Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tập trung chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, các chương trình mục tiêu quốc gia, phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chương trình xây dựng nông thôn mới.

     Qua thực hiện phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, nhất là việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nổi bật là chỉ đạo thành công đại hội chi bộ trực thuộc và bầu cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2022 - 2025; đại hội hội chữ thập đỏ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên các cấp nhiệm kỳ 2022 - 2027… Việc thực hiện phong trào “Dân vận khéo” có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể ở huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sâu rộng với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Đã vận động nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tích cực phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia tích cực xây dựng và phát triển KT-XH ở địa phương với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phong trào 5 không, 3 sạch”, “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi”... cũng đẩy mạnh và được đông đảo hội viên, Nhân dân tham gia thực hiện tốt.

     Các mô hình như: đảm bảo an toàn giao thông, khu dân cư an ninh trật tự, mô hình “3 quản”; quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự; khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội; các câu lạc bộ: phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống bạo lực gia đình... được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tích cực duy trì, triển khai hiệu quả và nhân rộng. Thông qua phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân có nhận thức đầy đủ hơn đối với nhiệm vụ xây dựng nền QP-AN ở địa phương.

     Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt coi trọng và thường xuyên chỉ đạo thực hiện phong trào “Dân vận khéo” để xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, đồng thời nâng cao nhận thức của từng cán bộ, đảng viên là phải gần dân, hiểu dân và biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Điển hình là mô hình xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị về chủ đề “Tự soi, tự sửa” theo tinh thần Kết luận 21-KL/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XIII.

Dân vận khéo trong việc xây dựng mô hình “5 không 3 sạch” ở Hội phụ nữ đem lại hiệu quả thiết thực

 

     Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về phong trào “Dân vận khéo” gắn với Nghị quyết số 25-NQ/ TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đồng thời yêu cầu:

     Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận của Đảng; tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mục đích, yêu cầu của phong trào thi đua “Dân vận khéo” là tập trung giải quyết những việc khó, những việc mới nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của huyện về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng có liên quan đến quyền lợi và tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát huy sức mạnh và vai trò làm chủ của Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo hướng vì Nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân.

     Tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hướng mạnh về cơ sở, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; công tác dân vận chính quyền, vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; tạo việc làm, giảm nghèo, phấn đấu có nhiều điển hình, mô hình làm kinh tế giỏi, nhiều gương người tốt, việc tốt...; đẩy mạnh giới thiệu, nhân rộng những điển hình tiêu biểu “Dân vận khéo” phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trấn an ninh nhân dân vững mạnh.

     Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định và đánh giá công nhận các điển hình “Dân vận khéo” theo từng cấp. Kịp thời tham mưu cấp ủy sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó coi trọng giới thiệu những điển hình tập thể, cá nhân tích cực, sáng tạo đạt hiệu quả trong “Dân vận khéo”; đúc kết kinh nghiệm chỉ đạo và xây dựng của địa phương, đơn vị. 

      Phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác, trong sinh hoạt để quần chúng Nhân dân tin tưởng và noi theo. Giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của Nhân dân ngay tại cơ sở. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình mới về “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức vận động, tập hợp quần chúng theo cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”...

Trung Hiếu