Hội Khuyến học huyện Thăng Bình: 30 năm xây dựng và phát triển
Được thành lập từ năm 1993, trải qua 30 năm, Hội Khuyến học huyện Thăng Bình đã không ngừng xây dựng và phát triển lớn mạnh cả về tổ chức và hoạt động, chăm lo thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, triển khai thành công các mô hình học tập. Hội cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện thành công mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, là cầu nối đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân.
Trong hồi ức của nhiều người, tiền thân của Hội Khuyến học huyện Thăng Bình được khởi tạo từ hoạt động của “Hội Bảo trợ học đường” thành lập tại trường THPT Tiểu La từ trước những năm 1993, nhằm giúp đỡ, chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập.
Đến ngày 10.6.1993, UBND huyện ban hành Quyết định số 66/QĐ-UBND, đánh dấu sự ra đời của hội Khuyến học huyện Thăng Bình. Tổ chức tập hợp những người mang tâm nguyện, khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục huyện nhà với tên gọi Hội Khuyến học Thăng Bình.
Tròn 30 năm, Hội Khuyến học Thăng Bình đã xây dựng được 22 hội cơ sở xã, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%); gần 560 chi hội khuyến học, với trên 23 nghìn hội viên; các cơ quan, lực lượng vũ trang, trường học, dòng họ, tổ chức tôn giáo đều có chi hội, ban khuyến học hoạt động mạnh mẽ, đều khắp. Triển khai huy động quỹ khuyến học, tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp học sinh nghèo đi học, động viên và giúp đỡ học sinh giỏi.
Lớn lên nhờ nguồn trợ lực từ quỹ khuyến học Thăng Bình, Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ và Dịch Vụ NiftyJS ở thành phố Đà Nẵng anh Vũ Tự Sinh quê Linh Cang (Bình Phú, Thăng Bình) chia sẻ, chưa bao giờ anh quên ký ức về một tuổi thơ khổ cực, nhà nghèo, suýt chút nữa giấc mơ đến trường bị vụt tắt. Sinh cho biết, nếu không có sự dang tay hỗ trợ kịp thời của Hội Khuyến học Thăng Bình, anh đã không viết hết giấc mơ của mình, vững bước trên con đường chinh phục tri thức, làm chủ tương lai như bây giờ. “Đó là lý do, sau khi ổn định cuộc sống tôi luôn hướng về quê hương, tham gia vào các hoạt động của Hội Khuyến học Thăng Bình” anh Vũ Tự Sinh nói.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thăng Bình cho rằng, quỹ khuyến học được xem như linh hồn của hội, vì vậy, bên cạnh củng cố tổ chức, các cấp Hội Khuyến học trên địa bàn huyện thường xuyên chú trọng công tác vận động gây quỹ. Qua đó, đã nhận được sự góp sức rất lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, trong đó có sự ủng hộ của những người con xa quê. Toàn huyện hiện có trên 500 đầu mối vận động khuyến học, bình quân mỗi năm cấp huyện vận động khoảng 5 tỷ đồng, cấp cơ sở huy động được trên 100 triệu đồng dành cho hoạt động công tác hội. Chỉ riêng trong 5 năm trở lại đây, Thăng Bình đã xây dựng được nguồn quỹ đạt trên 37 tỷ đồng; đã cấp phát học bổng, tuyên dương khen thưởng và hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên trên 30 tỷ đồng. Nhiều học sinh, sinh viên nghèo khó khăn được động viên vươn lên như Nguyễn Thị Phương Thảo học trò nghèo xã biển Bình Hải thử sức thành công ở trường ĐH quốc tế Fun- rây -TP Hồ Chí Minh với suất học bổng toàn phần trị giá 2,4 tỷ đồng hay Thủ khoa Lê Văn Hữu với suất học bổng trọn gói 100 triệu đồng tại trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Trường Toản, Lê Công Danh, Lương Thị Phương Thảo,...
Các phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học,... được các cấp hội coi là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Các phong trào phát triển mạnh mẽ ở các địa phương, được nhân dân ủng hộ và tham gia, đã có hàng ngàn gia đình, hàng trăm dòng họ, cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện. Phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến, khơi dậy truyền thống hiếu học trong các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng chất lượng giáo dục ở từng địa phương. Ông Ngô Hiệu – Trưởng Ban bảo tộc, Tộc Ngô - Kế Xuyên (Bình Trung, Thăng Bình) cho biết, những năm trở lại đây, phong trào học tập suốt đời được các gia đình tộc Ngô gắn kết chặt chẽ với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư và Tộc Ngô – Kế Xuyên vinh dự được Trung ương Hội Khuyến học tặng Bằng khen tộc họ hiếu học.
Thăng Bình hiện có 35.088 gia đình được công nhận gia đình học tập, chiếm tỷ lệ 72,70%; 256 dòng họ được công nhận dòng họ học tập, chiếm tỷ lệ đạt 54,82%; 69 thôn, khu phố đạt cộng đồng học tập, chiếm tỷ lệ 65,09%; 76 đơn vị được công nhận đơn vị học tập, chiếm tỷ lệ 73,38%. Riêng mô hình công dân học tập theo Quyết định số 677 của Thủ tướng Chính phủ đã có hơn 450/173.920 người đăng ký, đạt tỷ lệ 0,26%.
Trên chặng đường 30 năm, mỗi bước đi, mỗi giai đoạn phát triển của Hội Khuyến học huyện đã góp phần cho sự phát triển huyện nhà. Để có thế gánh vác và đạt được những vinh quan ấy, cán bộ và hơn 23 nghìn hội viên Hội Khuyến học huyện đã luôn là lực lượng đoàn kết chặt chẽ, luôn nhiệt tình và đầy trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, không quản khó khăn vất vả, gắn bó với nhân dân để đưa sự học trở thành việc học suốt đời, không tách rời với sự phát triển của mỗi người, mỗi địa phương trên địa bàn huyện. “Với vị trí, vai trò của mình, 30 năm qua, Hội Khuyến học Thăng Bình đã từng bước tham gia thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, là cầu nối đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân” - Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Hùng nói.