Cây Tràm gió: Mang lại nguồn thu cho người dân Bình Sa
Thương hiệu dầu tràm Linh Vũ, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình đã khẳng định chất lượng trên thị trường khắp cả nước. Mỗi năm, Tổ hợp tác (THT) cung ứng ra thị trường khoảng 2000 lít tinh dầu tràm, song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hiện nay, THT Dầu tràm Linh Vũ đang nỗ lực mở rộng, liên kết sản xuất nguồn nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong tương lai.
Mô hình trồng cây Tràm gió lấy tinh dầu được gia đình bà Huỳnh Thị Tuyết ở thôn Tây Giang triển khai từ nhiều năm nay. Trên diện tích hơn 500 mét vuông, mỗi năm bà Tuyết cắt lá 2 vụ, với giá bán mỗi ký lá tràm gió tươi là 5000 đồng, bà Tuyết thu về gần 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với việc canh tác các loại hoa màu truyền thống.
“ Trồng cây ni đạt hơn cây đậu hay các loại khác. Chỉ tập trung chăm sóc vào hai năm đầu thôi, chừ tốt lên rồi thì cũng không cần phải chăm sóc mấy.”- bà Tuyết nói.
Nhận thấy tiềm năng của cây tràm gió, ông Nguyễn Tấn Hữu cũng ở thôn Tây Giang xã Bình Sa chủ động mở rộng diện tích lên 5 sào. Theo ông Hữu, cây tràm gió phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, ít tốn công chăm sóc, thời gian thu hoạch lá vài chục năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cần được nhân rộng. Theo tính toán, 1 cây tràm gió 3 năm tuổi thì mỗi năm thu được 3 đợt lá với sản lượng khoảng 60 ký tương đương 300 ngàn đồng. Như vậy nếu trồng 1 héc ta tràm gió chừng 3 đến 5 năm tuổi thì mỗi năm người dân bỏ túi hơn 300 triệu đồng.
“Qua theo dõi, người dân chúng tôi cũng nhận thấy là những khu vực trồng cây Tràm gió thì việc chăn nuôi gà, vịt ít bị dịch bệnh nhờ hoạt tính kháng khuẩn từ cây Tràm. Còn tính về kinh tế thì khoai, lúa không bằng, thời gian chăm sóc cũng nhàn hơn. Nêu nếu được quan tâm mở rộng thêm vùng sản xuất, người dân chúng tôi rất phấn khởi”- ông Hữu nói thêm.
Chị Bùi Thị Nguyệt, tổ trưởng THT Dầu tràm Linh Vũ cho hay, THT đang liên kết với khoảng 20 hộ dân để trồng hơn 5 héc ta tràm, thu mua lá chế biến tinh dầu. Tuy nhiên, theo chị Nguyệt , tràm gió bản địa mới là loại cho ra tinh dầu chất lượng cao. Do đó, THT đang nỗ lực chọn lọc cây tràm đầu dòng để nhân giống vô tính bằng cách giâm hom cành, sau đó liên kết với người dân để tăng diện tích. Trong quá trình liên kết, THT sẽ cung cấp cây giống, hướng dẫn cách trồng, quy trình chăm sóc, phương pháp thu hoạch lá tràm cho người dân. Để làm được điều này, THT cần hơn nữa sự hỗ trợ từ các cơ chế của Nhà nước.
“Cây Tràm gió trồng trên đất Quảng Nam mình cho ra tinh dầu khác biệt với các vùng khác. Nhưng qua khai thác từ nhiều năm nay, nguồn nguyên liệu cũng đã dần cạn kiệt. Vì vậy, tôi cũng mong muốn được nhà nước hỗ trợ thêm về cơ chế, chính sách để mở rộng vùng nguyên liệu. Trước mắt, tổ hợp tác chúng tôi sẽ ươm hom cành để liên kết với dân trồng ”- chị Bùi Thị Nguyệt cho biết thêm.
Thương hiệu Dầu tràm Linh Vũ hiện đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm hàng hóa được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu ưa dùng”, được người tiêu dùng bình chọn 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng. Với việc định hướng việc mở rộng nguồn nguyên liệu, thay đổi công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến khép kín, cùng sự trợ lực kịp thời của các cơ quan Nhà nước, tin tưởng thương hiệu Dầu tràm Linh Vũ sẽ ngày càng vươn xa.
Tràm là một chi thực vật với hơn 200 loài thành viên, trong đó có 3 loài cho chất lượng tinh dầu tốt nhất được ứng dụng rộng rãi trong đời sống là tràm trà, tràm gió và tràm năm gân. Tinh dầu tràm thường được chiết xuất từ các bộ phận như lá, thân, cành của cây Tràm gió chủ yếu bởi phương pháp cất kéo hơi nước.
Thành phần của tinh dầu tràm có chứa các chất hóa học như Cajeput - 1,8 cineol, linalool, alpha-terpineol và terpinen-4-ol với hoạt tính kháng khuẩn cao nên được ứng dụng rộng rãi trong cả lĩnh vực thực phẩm và thuốc điều trị bệnh.
Theo quan điểm y học cổ truyền, tinh dầu tràm có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Vị này khi dùng sẽ vào 2 kinh tỳ và phế, có công năng hoạt huyết khu phong, an thần giảm đau, tiêu đờm sát trùng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, Giảm ho, cảm lạnh, Hỗ trợ giảm đau, và Làm sạch không khí.