Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự “Mua bán trái phép chất ma tuý” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”
Ngày 14/3/2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thăng Bình phối hợp cùng Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án hình sự “Mua bán trái phép chất ma tuý” quy định tại Điều 251 và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự.
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa bà Trần Thị Thắm - Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thăng Bình.
Trong những năm gần đây, tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy có nhiều diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội. Việc sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến không kiểm soát được hành vi, làm gia tăng nhiều loại tội phạm, gây hậu quả xấu cho xã hội, làm suy giảm sức khỏe, gây nên nhiều tội phạm nghiêm trọng khác. Vì vậy, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng phòng chống ma túy mà còn là nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội. Việc đưa vụ án ra xét xử là cần thiết, nhằm mục đích giáo dục đối với người phạm tội, cũng là để tuyên truyền, nâng cao ý thức trong trong quần chúng nhân dân về hiểm họa của tội phạm và tệ nạn ma túy.
Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Thăng Bình: Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 08/6/2023, tại nhà Phan Thanh Thiệt ở số 69, đường Nguyễn Hoàng thuộc Khu phố 4, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Phan Thanh Thiệt và Phan Văn Vũ đã rủ nhau góp mỗi người 150.000 đồng để Thiệt đưa cho Huỳnh Thị Lệ nhờ Lệ liên hệ Lê Tuấn Vũ mua giúp 300.000 đồng ma túy đá, loại Methamphetamine về sử dụng. Khi Thiệt và Vũ đang sử dụng còn lại 0,066 gam ma túy, loại Methamphetamine trong nỏ thủy tinh thì bị lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện. Ngoài ra, trong ngày 08/6/2023, Huỳnh Thị Lệ còn giúp Phan Thanh Thiệt mua 300.000 đồng ma túy đá của Lê Tuấn Vũ để Thiệt sử dụng một mình. Từ ngày 05/6/2023 đến ngày 08/6/2023, Lê Tuấn Vũ đã 05 lần bán ma túy đá cho Huỳnh Thị Lệ, Nguyễn Văn Nghị, Võ Ngọc Ân với tổng số tiền 1.500.000 đồng.
Phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã tham gia xét hỏi làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, bản luận tội của Kiểm sát viên đã cân nhắc, thận trọng và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Khẳng định quan điểm truy tố của Viện kiểm sát theo cáo trạng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại phiên tòa, Chủ tọa tại phiên tòa đã điều hành tốt trình tự diễn biến phiên tòa theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và tinh thần cải cách tư pháp. Xác định được đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng hành vi và mức độ phạm tội của từng bị cáo. Chủ tọa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Hội thẩm nhân dân tham gia xét hỏi theo đúng kế hoạch và sự phân công trong hội đồng xét xử, đảm bảo việc tuyên truyền, giáo dục đối với từng bị cáo. Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Lê Tuấn Vũ về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 08 (tám) năm tù; Huỳnh Thị Lệ về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 255 tuyên phạt 07 (bảy) năm tù; Phan Thanh Thiệt về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 255 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù; Phan Văn Vũ về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 255 03 (ba) năm tù.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm, vai trò, vị thế của Hội đồng xét xử; nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án. Phiên tòa rút kinh nghiệm được xem là hình thức tự đào tạo hiệu quả, qua đó các công chức có chức danh tư pháp trong cơ quan đã học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.