Thông tin - Truyền thông

Những điều cần biết trong công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước (Có hiệu lực từ ngày 01/5/2024)

Nguyễn Quốc Tùng 17/04/2024 20:36

Ngày 14/3/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2024; thay thế Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước qua KBNN. Nhằm mục đích để các đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) nắm bắt được những nội dung cơ bản của Thông tư số 17/2024/TT-BTC; Bài viết hệ thống, cô đọng những nội dung cơ bản trong công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua KBNN như sau:

 

     1. Về nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua KBNN

     - KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật NSNN số 83/2015/QH13. Đối với các hồ sơ không thuộc thủ tục hành chính gửi KBNN, ĐVSDNS chịu trách nhiệm kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toán theo đúng quy định của pháp luật.

     - KBNN kiểm soát định mức (mức chi) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ thì kiểm soát đảm bảo theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ.

     - Các khoản chi thực hiện theo nguyên tắc tạm ứng thanh toán theo quy định tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ.

     - Các khoản chi tạm ứng và thanh toán bằng tiền mặt phải được thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư hướng dẫn quản lý thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN của Bộ Tài chính.

     2. Hình thức kiểm soát, thanh toán qua KBNN

     - Thanh toán trước, kiểm soát sau: Áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, KBNN làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc; đồng thời, gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán, gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại KBNN). Trường hợp sau khi đã thanh toán, KBNN kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, KBNN có văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi, gửi ĐVSDNS; sau đó thực hiện xử lý thu hồi giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo.

     - Kiểm soát trước, thanh toán sau: Áp dụng đối với tất cả các khoản chi; trong đó, KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

     3. Nội dung kiểm soát chi qua KBNN

     - Nội dung chi phải phù hợp với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục NSNN hiện hành (không bao gồm các khoản chi từ TK tiền gửi)

     - Mức tạm ứng đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 6 Thông tư này. Trường hợp đơn vị chưa xác định được chính xác nội dung chi, thực hiện tạm ứng vào tiểu mục khác của mục tương ứng với khoản chi, 

     - Đối với các khoản chi phải gửi hợp đồng (HĐ) đến KBNN là khoản chi có giá trị HĐ trên 50 triệu đồng; trường hợp, HĐ có quy định phải bảo lãnh tạm ứng, thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng HĐ phải được kéo dài cho đến khi ĐVSDNS thu hồi hết số tiền tạm ứng,

     - Kiểm soát đối với Bảng xác định giá trị khối lượng (GTKL) công việc hoàn thành (CVHT) theo Mẫu số 08a ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP: 

     + Đối với khoản chi mua sắm hàng hóa: Nội dung công việc, đơn vị tính, số lượng, đơn giá đảm bảo theo đúng quy định của HĐ, không vượt giá trị HĐ. Riêng đối với chi mua thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong quá trình điều trị khám chữa bệnh thực hiện theo quy định tại tiết b điểm 2.2 khoản 2 Điều thông tư này. 

     + Đối với khoản chi dịch vụ: Đơn vị căn cứ nội dung HĐ, Biên bản nghiệm thu để lập Bảng xác định GTKL công việc hoàn thành gửi KBNN cho phù hợp, đảm bảo thể hiện đúng nội dung công việc và giá trị thanh toán theo HĐ (đơn vị tính, số lượng, đơn giá nếu có) đảm bảo theo đúng quy định của HĐ, không vượt giá trị HĐ.

     - Kiểm soát đối với Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP: Chứng từ chi tại đơn vị thực hiện theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. KBNN kiểm soát Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng đảm bảo mã nội dung kinh tế khớp đúng với Giấy rút dự toán, nội dung thanh toán, tổng số tiền phù hợp với Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi và không vượt định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

     - Đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật: Đơn vị chịu trách nhiệm trong việc xác định nội dung chi thuộc yêu cầu bảo mật. Trên Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi ĐVSDNS ghi nội dung thanh toán và nội dung sau: "Khoản chi có yêu cầu bảo mật". 

     - Trường hợp phải thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung: KBNN kiểm soát đảm bảo phải có trong danh mục mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền ban hành.

     - Đối với các khoản chi lương và phụ cấp theo lương (các khoản phụ cấp theo lương theo hệ thống mục lục ngân sách hiện hành); tiền công lao động theo HĐ; tiền thu nhập tăng thêm, chi hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp khác, khoán, khen thưởng: Đảm bảo không vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không vượt số lượng lao động HĐ, theo đúng nguồn kinh phí thực hiện. Trong trường hợp đầu năm chưa có văn bản phê duyệt chỉ tiêu biên chế của cấp có thẩm quyền thì KBNN căn cứ vào văn bản giao chi tiêu biên chế của cấp có thẩm quyền năm trước liền kề và văn bản đề nghị, cam kết của đơn vị sử dụng ngân sách để kiểm soát. 

     - Ngoài ra còn quy định các khoản chi: Chi thu nhập tăng thêm; chi hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp khác, khoán, khen thưởng; chi mua sắm; chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành LĐTB&XH quản lý và trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chi CTMTQG sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp; các khoản chi mà ĐVSDNS ủy quyền cho KBNN thanh toán tự động theo định kỳ cho một số nhà cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị được nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền thu hộ (như điện, nước, viễn thông); chi đoàn ra; chi đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ở nước ngoài; chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;…   

     - Thông tư này cũng quy định các khoản chi từ TK tiền gửi tại KBNN: Nguồn hình thành từ NSNN; từ nguồn phí thu được (phí, lệ phí);  từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí; từ nguồn kinh phí tiết kiệm; từ các khoản thu hợp pháp khác,… 

     - Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

     - Đối với cơ quan nhà nước: Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ.

     - Các khoản chi theo hình thức lệnh chi tiền: Thực hiện theo Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016.

     4. Tạm ứng và thanh toán tạm ứng

     - Tạm ứng: Áp dụng đối với khoản chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ KBNN. Nội dung tạm ứng theo quy định của HĐ (tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng và dự toán năm); theo đề nghị của ĐV SDNS (đối với trường hợp không có HĐ hoặc HĐ có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng). Đối với các trường hợp đặc thù khác có hướng dẫn riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

     - Thanh toán tạm ứng:

     + Đối với các khoản chi không có HĐ hoặc khoản chi không phải gửi HĐ, ĐV SDNS phải thanh toán tạm ứng chậm nhất với KBNN vào ngày cuối cùng của tháng kế tiếp tháng tạm ứng (trừ khoản chi trợ cấp, phụ cấp theo quy định tại Thông tư số 44/2022/TT-BTC và Thông tư số 76/2021/TT-BTC).

     + Đối với HĐ có giá trị trên 50 triệu đồng, thanh toán tạm ứng bắt đầu ngay từ lần thanh toán khối lượng hoàn thành đầu tiên, mức thanh toán tạm ứng từng lần được quy định cụ thể trong HĐ, đảm bảo thanh toán hết tạm ứng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán KLHT) đạt 80% giá trị HĐ.

     - Các khoản đã tạm ứng (kể cả tạm ứng bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản) để chi theo dự toán NSNN đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán được xử lý theo quy định Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và Thông tư số 342/2016/TT-BTC.

     5. Bảo lãnh tạm ứng

     - Áp dụng các HĐ có thỏa thuận về bảo lãnh tạm ứng trong điều khoản của HĐ.

     - Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng HĐ phải được kéo dài cho đến khi ĐVSDNS thanh toán hết số tiền tạm ứng và phải được quy định cụ thể trong HĐ và trong văn bản bảo lãnh tạm ứng. ĐVSDNS chịu trách nhiệm theo dõi về thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng.

     6. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan

     - Cơ quan Tài chính: Đảm bảo tồn quỹ NSNN các cấp để đáp ứng các nhu cầu chi của NSNN theo quy định của Luật NSNN; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và SDNS ở các ĐVSDNS, trường hợp phát hiện các khoản chi vượt nguồn cho phép, không đúng chế độ quy định hoặc đơn vị không chấp hành chế độ báo cáo, thì có quyền yêu cầu KBNN tạm dừng thanh toán. Đối với những khoản chi do cơ quan tài chính quyết định chi bằng hình thức “lệnh chi tiền”: Cơ quan tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC.

     - KBNN: Chấp hành đúng các quy định Nghị định số 11/2020/NĐ-CP; trường hợp bất khả kháng do sự cố hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các nguyên nhân khách quan khác, thì được kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, nhưng phải có thông báo rõ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính cuối cùng cho đơn vị. Tham gia với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách; xác nhận số thực chi, số tạm ứng, số dư kinh phí cuối năm ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách tại KBNN. KBNN không chịu trách nhiệm về chứng từ chi và các hồ sơ kèm theo chứng từ chi không thuộc thủ tục hành chính gửi Kho bạc Nhà nước được quy định tại các Nghị định của Chính phủ. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng sau khi phát hiện các khoản tạm ứng đã quá hạn theo quy định tại Thông tư này.

     - ĐVSDNS: Tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với chứng từ chuyển tiền và các hồ sơ kèm theo chứng từ chuyển tiền thuộc thủ tục hành chính gửi KBNN. Đối với chứng từ chuyển tiền và các mẫu biểu, ĐVSDNS chịu trách nhiệm kê khai đảm bảo khớp đúng giữa chi tiết và tổng số. Đối với các khoản chi được kê khai trên Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng, đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác của các chỉ tiêu: Tên đối tượng thụ hưởng, tài khoản ngân hàng, xác định số tiền thực nhận cho từng đối tượng thụ hưởng sau khi đã trích trừ các khoản phải khấu trừ vào lương, đảm bảo đúng mức lương, phụ cấp, các khoản phải khấu trừ vào lương theo đúng quy định./. 

Nguyễn Quốc Tùng