Phát huy vai trò của tộc văn hóa trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở
Truyền thống đất nước Việt Nam ta từ xa xưa tới nay luôn coi trọng vai trò của dòng họ, luôn đề cao các giá trị quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Đây được xem như “cái nôi” sản sinh ra nhiều nhân tài, tuấn kiệt cho đất nước, là kho tàng văn hóa – lịch sử được tiếp nối, trao truyền qua nhiều thế hệ. Với những nét đặc trưng, độc đáo ấy, dòng họ đã trở thành hạt nhân hun đúc, gìn giữ và phát huy nét đẹp của văn hóa làng xã nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung. Chính vì thế xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa là cơ sở, là yếu tố quyết định đối với thành công của công tác xây dựng đời sống văn hóa.
Mô hình “Tộc văn hóa” ra đời từ thực tiễn triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, là một trong những mô hình vận động sức dân đem lại hiệu quả nhất định và trở thành một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, Mặt trận từ xã đến khu dân cư ở xã Bình Nguyên đã tổ chức tuyên truyền 5 nội dung cuộc vận động, trong đó chú trọng tuyên truyền vị trí, vai trò của gia tộc trong thực hiện cuộc vận động nên phong trào xây dựng “Tộc văn hóa” được phát triển. Nhìn chung phong trào xây dựng tộc văn hóa xã Bình Nguyên ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả.
Tại địa bàn xã Bình Nguyên có trên 34 chư, tộc phái sinh sống trong cộng đồng dân cư, trong đó có 16 tộc có nhà thờ tộc tại địa phương, còn lại là các chi phái, hộ gia đình khác sinh hoạt nhà thờ tại các địa phương khác. Vào dịp ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm, Ủy ban Mặt trận xã phối hợp với Ban chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa xã tuyên truyền các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tộc văn hóa và khu dân cư văn hóa. Phối hợp với các hội đồng gia tộc tuyên truyền trong những ngày sinh hoạt chạp mã và các lễ hội như Xuân kỳ Thu tế, giỗ chạp. Chú trọng vận động các tộc tổ chức thực hiện khuyến học, khuyến tài, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người công dân. Vận động phát huy tinh thần tương thân tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững. Vận động thực hiện đền ơn đáp nghĩa, chúc thọ mừng thọ, ma chay hiếu hỉ, tình làng nghĩa xóm gắn bó đoàn kết chặt chẽ, đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.
Từ khi phát động đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp cùng các tổ chức thành viên và Ban công tác mặt trận các khu dân cư tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, Hội đồng gia tộc và các thành viên trong gia tộc xây dựng “Tộc văn hoá”. Theo đó, từ năm 2005 đến năm 2017 có 8 Tộc đã tích cực trong việc phối hợp cùng với địa phương tổ chức phát động xây dựng tộc văn hóa đã đi vào hoạt động hiệu quả. Đây là một trong những mục tiêu chính để các tộc hướng tới xây dựng Tộc văn hóa. Bám sát nội dung quy ước để tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy ước của thành viên trong tộc. Từng tộc có Ban vận động xây dựng tộc văn hóa, trong sinh hoạt tộc họ, bên cạnh việc tri ân công đức tiền nhân, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Khi có mâu thuẩn bất hòa trong gia đình, tộc họ, đã kịp thời nhắc nhở, khiến trách, giải quyết để giúp nhau cùng hòa thuận hạnh phúc và tiến bộ. Hầu hết các tộc đều thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, hoàn thành các khoản đóng góp tại địa phương. Các Hội đồng gia tộc luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động con cháu hiến đất, giải tỏa mặt bằng, di dời mồ mả, vật kiến trúc, đóng góp tiền của, công sức để tham gia xây dựng nông thôn mới... Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước, bình quân hằng năm có trên 95% gia đình đạt văn hóa. 08/08 tộc đạt các tiêu chí dòng họ học tập, năm 2023 có 06/08 tộc đạt danh hiệu Tộc văn hoá đạt tỷ lệ 75%. Công tác tổ chức ma chay, cưới hỏi được thực hiện theo nếp sống văn minh, lành mạnh, không có hủ tục lạc hậu. Khi có người trong tộc qua đời, Hội đồng gia tộc đã đứng ra tổ chức lễ tang. Các tộc họ đăng ký thực hiện mô hình “tộc không rải vàng mã khi đưa tang”. Các lễ hội như Xuân kỳ Thu tế, giỗ chạp, tảo mộ được tổ chức tiết kiệm, trang nghiêm, phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Các tộc xây dựng Quỹ khuyến học, hằng năm tổ chức khen thưởng con em trong tộc có thành tích trong học tập khá, giỏi nhằm động viên khuyến học khuyến tài. Ngoài ra một số tộc có mô hình động viên biểu dương xây dựng “gia đình hiếu học” và hỗ trợ những con em khó khăn vươn lên học tập tốt. Từ hoạt động khuyến học khuyến tài của các Tộc, các con em học sinh có sự nỗ lực cố gắng vươn lên, thành tích năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiều con em đã đỗ đạt cao vào các trường Đại học, cao đẳng; nhiều con em ăn học thành tài tiến sĩ, thạc sĩ, luôn hướng về quê hương đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, y tế, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, góp phần chia sẻ khó khăn với địa phương và không có con em bỏ học giữa chừng.
Công tác động viên cho các vị cao niên, lớn tuổi cũng được một số tộc quan tâm, hằng năm có kế hoạch huy động để tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho các cụ cao niên từ 80 tuổi trở lên, ngoài ra thường xuyên tổ chức thăm hỏi các cụ già yếu đau ốm, neo đơn gặp hoạn nạn, để các cụ có động lực sống vui, sống khỏe, nhắc nhở con cháu hướng về gia tộc, nguồn cội tổ tiên ông bà với tấm lòng hiếu thảo “chim có tổ, người có tông”. Có 04 tộc thành lập Hội nàng dâu (Nguyễn Văn; Lê Văn; Dương Ngọc; Phan Công), định kỳ tổ chức sinh hoạt tuyên truyền các nội dung cơ bản về duy trì và nâng cao chất lượng tộc văn hóa, trao đổi kinh nghiệm trong giáo dục con cháu thực hiện Quy ước của tộc, hương ước của cộng đồng dân cư, nhằm xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững, xã hội văn minh, tiến bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, mặc dù có các Tộc họ văn hóa tiêu biểu, hoạt động rất tốt nhưng tỷ lệ Tộc văn hóa chưa cao, chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra của xã. Một vài tộc chưa có nhiều mô hình thiết thực gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mối quan hệ phối hợp tuyên truyền giữa chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội với các hội đồng gia tộc đôi lúc đôi nơi chưa chặt chẽ. Tỷ lệ các tộc đăng ký xây dựng tộc văn hóa nhưng tỷ lệ còn thấp so với tổng số dòng tộc có nhà thờ tại địa phương. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong con cháu gia tộc có mặt còn hạn chế, ảnh hưởng đến gia đình văn hóa cũng như tộc văn hoá...
Thời gian đến, xã đề ra mục tiêu hằng năm phấn đấu 100% tộc được công nhận Tộc văn hoá; 75% tộc đăng ký xây dựng Tộc văn hoá; 95% trở lên số hộ gia đình của các Tộc văn hóa đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% con em của các tộc được đến trường, không có trẻ em bỏ học; 100% tộc xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; 100% tộc không có hộ tái nghèo; Phấn đấu 100% tộc họ không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội.
Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trên, hằng năm Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã cần chú trọng việc tổ chức sơ, tổng kết phong trào xây dựng tộc văn hóa, khen thưởng biểu dương các tộc có nhiều hoạt động, cách làm hay, thiết thực phù hợp, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chú trọng phối hợp với hội đồng gia tộc quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho con cháu trong gia tộc việc thực hiện quy ước của tộc, của cộng đồng dân cư. Các tộc cần đăng ký thực hiện mô hình tộc “Tự quản về ANTT” hoặc tộc không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Duy trì mô hình tộc họ tự quản bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các tộc họ trong việc xây dựng Tộc ước. Xây dựng làm sao vừa đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, vừa giữ gìn nét thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa đặc sắc của tộc họ được kết tinh từ bao đời nay, nhất là sự đùm bọc, cưu mang giữa những người có cùng huyết thống, tổ tiên trên tinh thần “một người khó cả tộc họ cùng chăm lo”. Tăng cường tính tự quản của tộc họ trong việc quản lý, giáo dục con cháu sống hiếu thảo, nhân nghĩa, tôn trọng pháp luật, giữ gìn nền nếp gia phong, tôn trọng người cao tuổi, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nếp sống văn minh. Gắn phong trào xây dựng “Tộc văn hóa” với xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần thúc đẩy cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và sức lan tỏa mạnh mẽ, đem lại kết quả như mục tiêu đề ra.
Ý thức cội nguồn “chim có tổ, người có tông” là điểm mạnh trong văn hóa dòng họ và cũng là điểm nhấn quan trọng trong nền văn hiến Việt Nam. Do đó, các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể xã Bình Nguyên đã và đang tập trung xây dựng, phát huy vai trò của việc xây dựng tộc họ văn hoá- khơi dậy giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong xây dựng, nâng cao đời sống văn hoá ở cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới.