Sắp xếp dvhc cấp xã trên huyện Thăng Bình giai đoạn 2023 - 2025

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Thăng Bình: Người dân đồng thuận

Minh Tân - Hồng Năm 12/04/2024 19:49

Nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ và nhân dân đã tham gia góp ý tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án "Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 của huyện Thăng Bình" do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình vừa tổ chức, đã góp phần hoàn thiện Đề án trước khi huyện Thăng Bình thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.

Người dân xã Bình Chánh tham gia góp ý tại hội nghị phản biện đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 của huyện Thăng Bình”.

 

     Tại hội nghị, thay mặt cơ quan soạn thảo Đề án, ông Trương Văn Lý - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình cho biết, huyện Thăng Bình có 3 ĐVHC gồm Bình Chánh, Bình Định Bắc và Bình Định Nam có đồng thời 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo quy định. Vì vậy, sắp xếp ĐVHC cấp xã ở những địa phương này là cần thiết, góp phần giảm quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội. 

     Thời gian qua, huyện Thăng Bình đã xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, xã Bình Chánh sáp nhập với xã Bình Phú để thành ĐVHC mới là xã Bình Phú, có tổng diện tích hơn 43 km2, đạt 85,56%; quy mô dân số hơn 9.600 người, đạt gần 193% và 8 thôn; dự kiến trụ sở làm việc đặt tại UBND xã Bình Phú. Sáp nhập toàn bộ xã Bình Định Nam và xã Bình Định Bắc thành ĐVHC xã mới là Bình Định, có tổng diện tích hơn 33km2, đạt hơn 110%; quy mô dân số 10.207 người, đạt hơn 127% và 6 thôn; dự kiến nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC xã mới tại UBND xã Bình Định Bắc. Sau sáp nhập, huyện Thăng Bình sẽ còn 20 ĐVHC (19 xã và 1 thị trấn).

     Góp ý tại hội nghị ông Đoàn Ngọc Dũng - thôn Ngũ Xã (xã Bình Chánh, Thăng Bình) cho biết, bản thân ông và nhân dân trong thôn đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập xã. Tuy nhiên, ông và người dân trong thôn vẫn lo lắng cho rằng, sau sáp nhập việc điều chỉnh, bổ sung giấy tờ tùy thân đối với các cá nhân, tổ chức... cũng là khó khăn cho người dân sau khi sáp nhập vào ĐVHC mới. 

     “Sau sáp nhập, huyện nghiên cứu bố trí cán bộ lãnh đạo ở địa phương mới phù hợp, tránh tình trạng cục bộ và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện điều chỉnh giấy tờ” - ông Đoàn Ngọc Dũng nói.

     Ông Đoàn Ngọc Liêu - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Chánh (Thăng Bình) cho biết, đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 của huyện Thăng Bình” cũng nêu ra nhiều khó khăn khi thực hiện việc sáp nhập. Trong đó, khi mở rộng quy mô ĐVHC sẽ dẫn đến nhiều thách thức như: tăng quy mô dân số, lao động, giải quyết việc làm; dư thừa một số công trình như: trụ sở làm việc, Nhà văn hóa, Trạm y tế... dẫn đến dễ lãng phí tài sản công.

      “Đối với công tác giáo dục, học sinh ở Bình Chánh không nhất thiết phải lên Bình Phú học, nếu trường đảm bảo điều kiện thì nên giữ nguyên, tạo thuận lợi cho việc đi lại của học sinh và phụ huynh khi đưa đón con. Ngoài ra, cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách thì cần phải tính toán, cân đối phù hợp” - ông Đoàn Ngọc Liêu đề xuất.

Description: E:\ANH MOI 1\New folder (82)\Untitled3.jpg
Xã Bình Chánh có diện tích tự nhiên là 15,55 km2 (đạt 51,82%) không đảm bảo nên thực hiện sáp nhập với xã Bình Phú.

 

     Bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung giấy tờ tùy thân đối với các cá nhân, tổ chức... sẽ thực hiện theo Nghị quyết 35, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức. Khi thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ sẽ không thu các loại phí, lệ phí. “Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã làm việc với cán bộ, công chức ở các ĐVHC sáp nhập và chỉ đạo UBND huyện, các ngành và địa phương bố trí, sắp xếp cán bộ cho hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở ĐVHC mới. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án” - bà Phan Thị Nhi nói.

     Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cảm ơn những ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời giao Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổng hợp các ý kiến góp ý bằng văn bản gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án tiếp thu, nhanh chóng hoàn thiện để trình thông qua và sớm triển khai thực hiện trong thời gian đến. Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân mà trước hết là trong cán bộ, đảng viên về sự cần thiết của Đề án, đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án được thuận lợi, theo đúng kế hoạch và lộ trình đã đề ra.

Minh Tân - Hồng Năm