Năm 2024, huyện Thăng Bình phấn đấu có 70% sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt 3 sao trở lên
UBND huyện Thăng Bình vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024.
Theo đó, huyện Thăng Bình sẽ củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã và Tổ tham mưu giúp việc Chương trình OCOP cấp huyện; 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể mới tham gia Chương trình OCOP phải được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của Chương trình, nhất là nội dung cụ thể các bước trong chu trình OCOP. Phấn đấu trong năm 2024 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó có 1 đến 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 01 tổ chức kinh tế tham gia OCOP. 100 % chủ thể đăng ký tham gia có thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ phát triển 01 điểm bán hàng, tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng liên kết để tiêu thụ sản phẩm (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả ngoài tỉnh). Phấn đấu các sản phẩm sau 01 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Để phát triển sản phẩm OCOP, huyện Thăng Bình ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm, nhưng chất lượng, mẫu mã bao bì thiếu cải tiến). Sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không triển khai thực hiện.
Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhãn hàng hoá đúng quy định. Quản lý chất lượng sản phẩm: Phối hợp với đoàn liên ngành của tỉnh, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận tại các cơ sở sản xuất và các sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Được biết, từ năm 2018 đến nay huyện Thăng Bình có 31 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP (4 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao). Cạnh đó, mỗi năm huyện cũng hỗ trợ khoảng 900 triệu đồng thực hiện chương trình OCOP và lồng ghép nhiều nguồn vốn khác để tiếp sức cho các chủ thể sản phẩm tham gia OCOP.