Du lịch - Di tích

Cuộc đấu tranh qua ký ức của nhân chứng

Trung Thực - Giang Biên 15/08/2024 21:21

Cuộc đấu tranh Hà Lam- Chợ Được cho tới nay đã tròn 70 năm (4/9/1954-4/9/2024). Cuộc đấu tranh thể hiện tinh thần đấu tranh yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung chống lại hành động ngang ngược, tàn bạo của kẻ thù. 70 năm qua đi, cuộc đấu tranh ấy vẫn mãi còn trong ký ức của những người trong cuộc.

Ông Trần Đức (áo xanh) là một trong 2 nhân chứng cuối cùng tham gia cuộc đấu tranh ngày 4/9/1954

 

     Năm nay đã 94 tuổi, cái tuổi của người già quên nhiều nhớ ít, nhưng với ông Trần Đức (thôn Tất Viên, xã Bình Phục) vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc của cuộc đấu tranh tại Bàu Bàng - cách nhà ông chừng 500m. Khi ấy ông Đức chỉ mới 24 tuổi. Ông là một trong 2 nhân chứng cuối cùng tham gia trực tiếp cuộc đấu tranh ấy. Khi đất nước hoà bình, ông Đức được công nhận là thương binh 3/4. Khi nhắc nhớ về cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, ông Đức không nguôi nhớ thương về những bà con, những em nhỏ trong Xóm Cát đã ngã xuống bởi bọn giặc hung bạo.

     “Đó là buổi sáng ngày 4/9/1954, khi tôi đang ngồi trong nhà thì nghe ngoài đường rất ồn ào. Chưa kịp bước ra thì tôi nghe có người chạy vào hét lớn “thanh niên chi chừ còn ở trong nhà ra đấu tranh mau”. Nghe vậy tôi lập tức chạy ra tới cầu Bàu Bàng thấy đám lính cầm súng, mặt hằm hằm”, ông Đức nhớ lại.

     Hiểu ra được mọi chuyện, lúc này ông thấy người dân và đám lính vẫn lời qua tiếng lại. Có lẽ chúng muốn nổ súng nhưng sợ bắn vào nhau. Cuối cùng tên chỉ huy (theo Lịch sử đảng bộ huyện Thăng Bình, đó là tên Trần Hải) nói xuống Chợ Được sẽ bồi thường. Đoàn người đi được chừng vài bước thì dừng lại, có người hô lớn “không xuống nữa, xuống đó chúng sẽ bắt giết”. Lúc này dân và đám lính đã tách đội hình ra riêng. Ông Đức nhìn thấy tên chỉ huy rút nhanh khẩu súng ngắn nhắm bắn vào người ông Trần Nghiêm, rồi bắn tiếp vào ông Đoàn Vĩnh. Hai ông ngã nhào xuống cầu. Tiếng súng nổ rền vang, xen lẫn tiếng lựu đạn, mọi người bỏ chạy, người bị thương kêu gào hoảng loạn.

     Ông kể tiếp, lúc đó ông lao xuống dưới cầu chưa sập, lách vào trong nhưng chỉ được phần đầu, còn thân mình vẫn nhô ra ngoài. Bỗng một viên đạn xiên qua đùi, một viên khác xiên qua mông. Lại thêm một mảnh lựu đạn cắt rách hông. Thân ông tê dại nhưng ông vẫn kịp nhận ra tiếng trống báo động khua dồn dập khắp Xóm Cát. Người dân quê ông và hàng ngàn người khác bắt đầu kéo xuống Chợ Được để đấu tranh. Ông Đức nói, những người bị thương như tôi được đưa xuống thuyền đi suốt đêm đến nhà thương Hội An. Chặng đường ra đến nhà thương khá dài nên vết thương của tôi bị nhiễm trùng, không thể lành hẳn. Mãi về sau tôi tự xin thuốc, tự chăm sóc mới khỏi.

     Còn với ông Nguyễn Hữu Tuần (87 tuổi) khi ấy đang cấy lúa gần đó, nghe tiếng ồn ào vội chạy ra, chưa tới nơi cách hiện trường 500m thì tiếng súng đã nổ. 

Ông Tuần cho hay khi ra chưa tới hiện trường thì tiếng súng đã nổ

 

     Ông Nguyễn Hữu Tuần cho hay, lúc đó người dân tụ tập rất đông, rất bức xúc vì bọn địch ngang nhiên chặt phá cây dương liễu mà không xin phép. Người dân đòi hỏi phải bồi thường tại chỗ, còn bên kia thì đòi kéo xuống chợ Được. Hai bên dằn co rồi nổ súng bắn người.  Ông Tuần nhẩm tính chỉ riêng Xóm Cát làng Hà Lam (nay xã Bình Phục) của ông đã có 27 người hy sinh, còn lại một số người ở địa phương khác. 

     Theo tài liệu ghi chép, cây cầu Bàu Bàng là một cái cống dài chừng 4m thuộc thôn Tất Viên, Hà Lam xưa. Cây cầu bị dân làng đánh sập từ ngày phát động cuộc “tiêu thổ kháng chiến” và chiến dịch “phá cầu đường” nhằm ngăn bước tiến của giặc Pháp đổ bộ vào vùng tự do.

     Sáng ngày 4/9/1954, tên Trần Hải chỉ huy đám lính đại đội 4 từ Chợ Được lên Bàu Bàng chặt cây dương liễu của bà con để lót đường, sửa cầu Bàu Bàng và làm doanh trại. Chúng ngang nhiên chặt cây mà không xin phép gia đình ông Nguyễn Huề. Hai bên đã giằng co, cãi vã. Cậy thế đông, bọn đích chẳng những không dừng tay mà tiếp tục đốn hạ thêm cây khác. Phẫn nộ trước hành động ngang ngược, người dân lên án gây gắt hành vi phá hoạ tài sản, đồng thời vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ.

     Nhân dân quanh vùng kéo đến mỗi lúc một đông, cùng nhau hiệp lực đấu tranh, trước khí thế đấu tranh hừng hực của nhân dân, quân địch không những không bồi thường thiệt hại cho người dân, mà chúng còn nổ súng và ném lựu đạn vào đám đông, làm chết và bị thương một số người. Ngay sau đó, những người chết và bị thương đã được nhân dân khiêng để theo hàng và phủ cờ đỏ sao vàng lên người, tố cáo tội ác của địch. Lúc này quần chúng Chợ Được kéo lên hòa vào cùng biểu tình, đoàn người dài đến hàng trăm mét, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn giết người”,“ Nợ máu phải trả bằng máu”, “Yêu cầu thực hiện hiệp định Giơnevơ”. Cuộc đấu tranh lúc đầu mang tính tự phát, sau đó trở thành cuộc đấu tranh chính trị do Đảng lãnh đạo.

Tại đài tưởng niệm luôn có các đoàn đến viếng hương vào dịp lễ, tết

 

     Cuộc đấu tranh chỉ diễn ra trong 3 ngày đã có 43 người hi sinh, 23 người bị thương nhưng thể hiện được tinh thần yêu nước cao cả, ý chí quật cường, không ngại hy sinh. Nhân dân kiên quyết đấu tranh đòi bọn địch phải tuân thủ thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ; quyết bảo vệ nền độc lập, tự do và dân chủ chủ đất nước, buộc địch phải chùn bước, chấp hành các yêu sách của nhân dân đặt ra.

     Hiện nay, tại địa điểm diễn ra Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Tượng đài xây dựng với một hình khối cao khoảng 5m, thể hiện hình hình khối 3 người đứng tựa lưng vào nhau (Một cụ già cầm chắc cây gậy trên tay; một cô gái đang cầm nón lá và một thanh niên đang bồng một em bé bất động trên tay), phía sau tượng đài là hai bức phù điêu mô tả về sự kiện Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được.

     Năm 2005 di tích lịch sử Địa điểm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã được xếp hạng cấp tỉnh. Đến năm 2014 được Bộ Văn hoá thể thao xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Trung Thực - Giang Biên