Nội vụ, Cải cách hành chính

Chú trọng nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Trung Hiếu 23/08/2024 17:29

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, thời gian qua, huyện Thăng Bình thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác CCHC theo hướng sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, đã nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và công dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

     Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về CCHC, nhất là Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy, UBND huyện Thăng Bình đã tích cực chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nhiệm vụ CCHC.

     Trong đó, Huyện uỷ đã ban hành Chương trình số 14-CTr/HU ngày 26/11/2021 về việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU; UBND huyện đã ban hành kế hoạch, xác định các nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas), cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính... và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, hàng năm sau khi có kết quả đánh giá chỉ số CCHC của UBND tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch khắc phục các tiêu chí, thành phần thấp điểm so với điểm số quy định và giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế.

     Kết quả đến nay UBND huyện đã hoàn thành việc ban hành quy định chức năng nhiệm vụ của 12/12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; chỉ đạo ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp; ban hành kế hoạch kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời, xác định trách nhiệm của công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn huyện được đảm bảo theo quy định, và thực hiện nghiêm túc về quy định trách nhiệm công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức theo Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 của UBND tỉnh. Huyện cũng chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đánh giá, phân loại kết quả hoàn thành nhiệm vụ và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn bảo đảm đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

     Công tác sắp xếp đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Giải thể Phòng Y tế; thành lập Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa - thể thao và Truyền thanh truyền hình, Ban quản lý dự án - đô thị, Trung tâm phát triển quỹ đất và Công nghiệp - Dịch vụ. Hiện nay, UBND huyện có 11 phòng ban chuyên môn, 04 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện và 70 đơn vị trường học.

     Thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện xây dựng Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2023 - 2025, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Chánh vào xã Bình Phú hình thành ĐVHC mớị, lấy tên gọị là xã Bình Phú; Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Định Bắc và xã Bình Định Nam hình thành ĐVHC mớị, lấy tên gọị là xã Bình Định. Công tác sắp xếp, sáp nhập thôn/khốị phố trên địa bàn huyện từ 132 thôn, tổ dân phố sắp xếp, sáp nhập lại còn 106 thôn, tổ dân phố.

Thăng Bình thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

 

     Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng được huyện Thăng Bình thực hiện tích cực. UBND huyện đã chỉ đạo Bộ phận một cửa huyện và Bộ phận một cửa các xã, thị trấn thực hiện việc số hóa hồ sơ TTHC. Bộ thủ tục hành chính thực hiện tại huyện và cấp xã được niêm yết công khai tại trụ sở và trên Cổng thông tin điện tử theo quy định. Việc giải quyết công việc cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp được rút ngắn thời gian, tỷ lệ trễ hẹn giảm hơn trước. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp huyện giải quyết đúng hẹn đạt 67,58%, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 89,26%; Tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp xã giải quyết đúng hẹn năm 2023 đạt 98,82%, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 96,93%.

     Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, công tác CCHC trên địa bàn huyện Thăng Bình đã có sự chuyển biến rõ nét, các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Các nhiệm vụ CCHC đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai theo kế hoạch. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã mang lại chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

     Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, hướng tới hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền số, thời gian đến huyện Thăng Bình tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư về chuyển đổi số. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, từng bước thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp xã..., xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trung Hiếu