Dân vận khéo với mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”
Hiện nay vấn đề cháy nổ đang đặt ra cấp thiết, song trên địa bàn huyện Thăng Bình hiện tại mới có 3/22 xã, thị trấn triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”. Điều này đòi hỏi sự ra đời của mô hình điểm để nhân rộng thời gian tới. Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy” tại xã Bình An đang cho thấy hiệu quả tích cực trong nhận thức người dân về Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Kết quả này có được nhờ vào công tác Dân vận chính quyền của địa phương, mà cụ thể là lực lượng công an xã.
Từ khi có thiết bị chuông báo động, nhận thức của người dân tại chợ Quán Gò đã thay đổi. Ông Huỳnh Hữu Vinh ở thôn An Thành 2, xã Bình An cho biết, chuông báo động là thiết bị chủ lực của mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”. Dù triển trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả trong nhận thức của người dân về công tác PCCC là không hề nhỏ.
Theo ông Vinh, không những PCCC, mà còn báo động được cho những nhà có sự cố, tôi thấy những nhà liền kề nên lắp đặt để PCCC, chống trộm cắp.
“Rất thiết thực, nên nhân rộng mô hình này để các dãy nhà liền kề họ có thể liên lạc được với nhau”- ông Vinh nói thêm
Còn với anh Võ Ngọc Ân, tiểu thương buôn bán tham gia mô hình chia sẻ, với những mặt hàng dễ bắt lửa, số lượng lớn thì sự ra đời của mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy” là điều cần thiết hiện nay.
“Vì ở đây là trung tâm chợ, các hộ dân kinh doanh mặc hàng dễ cháy, lúc trưa chúng tôi cũng chưa ý thức lắm, nhưng khi lực lượng công an xã triển khai, đã giúp chúng tôi nhận thấy được tầm quan trọng của PCCC, nên bà con hưởng ứng rất nhiệt tình”- anh Ân cho biết
Thượng úy Lê Thành Trung - Phó Trưởng Công an xã Bình An, thông tin, mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy” triển khai ra mắt từ tháng 4/2023 với 7 hộ kinh doanh liền kề nhau tại chợ Quán Gò. Điểm nhấn từ mô hình đó là người dân không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà tự nguyện tham gia mô hình, đóng góp kinh phí để lắp đặt thiết bị. Đây chính là sự nhận thức sát thực tế, trong đó có sự vào cuộc tuyên truyền vận động từ công tác dân vận của địa phương.
Thượng uý Lê Thành Trung cho biết thêm: Khi tổ chức tổ liên gia này mới đi vào hoạt động, ban đầu gặp nhiều khó khăn, vì trước tới giờ người ta không biết, chúng tôi đã đi vận động, đưa ra các mô hình mô phỏng, rồi hướng dẫn người dân nhận thức về tầm quan trọng của mô hình này.
Theo ông Hồ Thành Chung - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận Đảng ủy xã Bình An, hiện nay mỗi mô hình dân vận khéo ở địa phương đều mang đến hiệu quả khác nhau, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC dù xây dựng sau, nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực, nhận được sự đồng tình cao của người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng ở những khu vực khác.
“Khu dân cư, chợ, chính là nơi có nguy cơ mất an toàn PCCC nhất, nên cả hệ thống chính trị của địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được tầm quan trọng và thiết thực của mô hình này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra địa bàn toàn xã”- Ông Chung nói
Mặc dù là mô hình điểm của xã Bình An, song mô hình dân vận khéo “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy” có ý nghĩa về lâu dài trong lộ trình PCCC tại huyện Thăng Bình nói chung. Trong đó, mục đích cốt lõi hướng đến là thay đổi nhận thức và hành động của người dân về PCCC, để hạn chế những vụ cháy đáng tiếc xảy ra, nhất là khu vực chợ, khu đông dân cư. Và hơn thế nữa, để người dân không bị động, tránh rơi vào tình cảnh: "mất bò mới lo làm chuồng"./.