Kinh tế

Nghị định số 138/2024/NĐ-CP Quy định mua sắm, cải tạo tài sản công bằng nguồn vốn chi thường xuyên NSNN

Nguyễn Quốc Tùng 31/10/2024 21:10

Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; quy định cụ thể việc sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên NSNN cho các hoạt động mua sắm, cải tạo tài sản công là giải pháp đột phá mạnh mẽ trong việc quản lý, sử dụng vốn NSNN. Nghị định ra đời sẽ khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhiều năm qua trong việc chi tiêu mua sắm, đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên, đồng thời đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nâng cấp trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Ảnh minh họa

 

          Nghị định số 138/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24 tháng 10 năm 2024, với một số nội dung cơ bản như sau:

     Đối tượng áp dụng

     Là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; Các đơn vị sự nghiệp công lập; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Nghị định này không áp dụng đối với: Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản, trang thiết bị trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, hỏa hoạn và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

     Nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý sử dụng 

     Kinh phí này cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ. Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên NSNN để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo.

     Thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị ở địa phương

     Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

     Thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng ở địa phương

     Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

     Quản lý, sử dụng kinh phí để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình

     - Đối với các cơ quan, đơn vị: Với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện dưới 500 triệu đồng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý công trình xây dựng tổ chức thực hiện theo quy định. Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 15 tỷ đồng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý công trình xây dựng lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình để làm căn cứ tổ chức thực hiện.

     - Đối với cơ quan kiểm soát (KBNN): Với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện dưới 500 triệu đồng: Thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định đối với các công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng tại khoản 6 Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN và các văn bản hướng dẫn. Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 15 tỷ đồng: Thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

     Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển không ngừng, đòi hỏi sự điều hành linh hoạt và hiệu quả, để thúc đẩy tăng trưởng; Nghị định 138/2024/NĐ-CP là một giải pháp hữu hiệu, kịp thời tháo gỡ nhiều nút thắt trong công tác quản lý và sử dụng vốn chi thường xuyên NSNN, góp phần làm tăng tính minh bạch, mang hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, điều hành nền kinh tế Quốc gia./. 

Nguyễn Quốc Tùng