Du lịch - Di tích

Hội thảo về di tích Nam Thịnh Sơn Trang

Đình Hiệp 07/12/2024 19:28

Sáng ngày 6/12, Trung tâm VH-TT và TT-TH huyện Thăng Bình phối hợp với xã Bình Quý tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhà chuyên môn, bậc cao niên về di tích Nam Thịnh Sơn Trang (thôn Quý Thạnh 2, Bình Quý, Thăng Bình) để hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Tham dự, có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Văn phòng HĐND-UBND huyện, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện…

2024_namthinhsontrang1.jpg
Di tích Nam Thịnh Sơn Trang - nay là Nhà thờ chí sĩ yêu nước Tiểu La - Nguyễn Thành ở thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý.

Được biết, từ năm 1887 – 1903, chí sĩ Tiểu La Nguyễn Thành đã gây dựng nên Nam Thịnh Sơn Trang để sản xuất nông nghiệp và ẩn thân chờ thời cơ hoạt động cứu nước. Tại đây, ông đã gặp gỡ và kết giao với nhiều "anh hùng hào kiệt" gây dựng phong trào chuẩn bị cho hoạt động cứu nước sau này. Bề ngoài, Nam Thịnh Sơn Trang là một nơi sản xuất với thú điền viên nhưng bên trong là nơi hoạt động chính trị, quân sự bí mật, là nơi liên kết với những sĩ phu văn thân yêu nước như: Chí sĩ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện, Tán Hai Lê Vĩnh Huy, Tán Tương Đỗ Đăng Tuyển, Tán Nhì (Ông Ích Nhì), Tán Thiện (Ông Ích Thiện), Châu Thượng Văn...

2024_namthinhsontrang2.jpg
Ông Nguyễn Thanh Nam, chắc của cụ Tiểu La Nguyễn Thành đưa ra nhiều kiến nghị tại buổi hội thảo.

Toàn bộ khu đất đai Nam Thịnh Sơ Trang rộng hàng chục héc ta. Ngoài việc được ông tổ chức sản xuất theo lối nông trại thì nơi đây còn là một căn cứ địa để tập hợp những thanh niên yêu nước tập rèn luyện võ nghệ để phụ vục cho hoạt động cứu nước của mình.

Tại buổi hội thảo, đã có 15 ý kiến đóng góp. Hầu hết các ý kiến cho rằng, vai trò, vị trí của chí sĩ Tiểu La- Nguyễn Thành và căn cứ địa Nam Thịnh Sơn Trang cần được tiếp tục nghiên cứ, ghi nhận và đánh giá đúng tầm vóc của nó trong lịch sử dân tộc.

2024_namthinhsontrang3.jpg
Ông Nguyễn Văn Hà đóng góp ý kiến cho hội thảo.

Vấn đề trên thực tế hiện nay là bên cạnh Di tích lịch sử “Mộ Tiểu La- Nguyễn Thành”, Nam Thịnh Sơn Trang cần được "định vị", khoanh vùng bảo vệ và tiến tới công nhận là “Di tích lịch sử” để khẳng định và phát huy giá trị lịch sử của địa danh này. Và làm sao để nơi đây là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Nhà nước nên tiếp tục đầu tư nâng cấp địa danh này.

2024_namthinhsontrang4.jpg
Ông Bùi Thắng Lợi - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, di tích Nam Thịnh Sơn Trang được gia tộc quản lý. Từ sau ngày giải phóng đến nay di tích này chưa được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, nếu không tiến hành sớm thì không còn "nhân chứng sống" dẫn đến việc lập hồ sơ thu thập nguồn tư liệu lịch sử về di tích rất khó khăn.

Xác định đây là một di tích lịch sử quan trọng của Thăng Bình và của Quảng Nam, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo trung tâm VH-TT và TT-TH huyện phối hợp với xã Bình Quý và các ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát, mở những hội thảo thu thập tư liệu để lập hồ sơ xin xếp hạng di tích Nam Thịnh Sơn Trang là di tích lịch sử cấp tỉnh.

2024_namthinhsontrang5.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo tư liệu lịch sử, chí sĩ Nguyễn Thành tên đầy đủ theo gia phả là Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1863 (Quý Hợi) tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (này là thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) trong một gia đình nhà nho. Ông tham gia phong trào Nghĩa hội Cần vương, tham gia thành lập Duy tân hội và phong trào Đông du. Tháng 3/1908, ông bị bắt, sau đó bị kết án, lưu đày đi Côn Đảo. Ông lâm bệnh nặng rồi mất ngày 11/11/1911 khi mới 48 tuổi.

Đình Hiệp